Uống bia là thể hiện “khí phách dân tộc”?
Còn nhớ năm 2014, những hình ảnh sản phẩm Rockmen 12 được quảng bá liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng gây bức xúc trong dư luận bởi sự lập lờ để quảng bá thương hiệu rượu Rockmen.
“Theo quy định hiện hành, sản phẩm rượu có độ cồn dưới 15 độ mới được phép quảng cáo. Tuy nhiên, tên thương hiệu Rockmen có một chuỗi sản phẩm rượu mạnh từ 12 độ đến 33 độ cồn. Quan sát các clip quảng cáo này dễ dàng nhận thấy, các câu quảng bá như “rượu sạch êm dịu”, “không độc tố”, “kích thích tiêu hóa” và hình ảnh chai rượu có chữ Rockmen khá lớn (không rõ số 12 đi kèm).
Vì vậy, việc quảng cáo rượu Rockmen 12 thực chất đã quảng cáo cho toàn bộ sản phẩm rượu Rockmen của doanh nghiệp” - Văn bản số 266/CNN ngày 6/5/2014 của Vụ Công nghiệp nhẹ nêu rõ. Cách quảng cáo này đã “qua mặt” Đài Truyền hình và hàng chục triệu khán giả.
Cho rằng “hành vi trên là lách luật để cố tình thực hiện hành vi quảng cáo không được phép đối với sản phẩm rượu”, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Trước đây từng có nhãn hiệu Smirnoff Ice 5% quảng bá sản phẩm theo kiểu dùng sản phẩm có độ cồn 5% để quảng bá cho cả thương hiệu Smirnoff - vốn được biết đến là dòng rượu Vodka có độ cồn cao bấy lâu và đã bị yêu cầu dừng quảng cáo”.
Nhưng “vết chân” của Rockmen dường như có rất nhiều kẻ khác cũng thích “giẫm vào”. Bằng chứng là thời gian vừa qua, dư luận bức xúc về việc nhãn hiệu bia Đại Việt với nội dung quảng cáo bia Đại Việt đại diện cho khí phách, tinh thần anh hùng, bất khuất của dân tộc gây phản cảm, bức xúc.
Sự “lộng ngôn” đã mạo phạm tới các anh hùng đã khuất, ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước Việt Nam và “xui khiến” giới trẻ uống bia để có… “khí phách dân tộc”!
Tương tự, để quảng bá cho vị “tươi” và “mát” của sản phẩm bia X, không ít khán giả cũng thấy bức xúc trước hình ảnh những cô gái ăn mặc sexy cùng lời quảng cáo sản phẩm bia X đậm đà vị “tươi” và “mát” làm hài lòng tất cả các quý ông!
Có một điều khó hiểu là các clip quảng cáo “lộng ngôn”, phản cảm này này lại qua mặt được sự kiểm duyệt của nhà đài, các cơ quan truyền thông.
Cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia
Sự quảng cáo bia, rượu dễ dãi và tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần không nhỏ khiến tỉ lệ người uống bia, rượu tại Việt Nam nhiều nhất thế giới. Theo đó, tỷ lệ tiêu thụ cồn bình quân đầu người của người trưởng thành Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010.
Tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít trong năm 2013, trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 ở châu Á.
Bs.Ths Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu “Ảnh hưởng của sử dụng rượu, bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu, bia thường xuyên tại Việt Nam” sử dụng số liệu điều tra quốc gia năm 2010 cho thấy, việc tiếp cận rượu, bia rất dễ dàng ở Việt Nam: 57,72% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên.
Với mức chi trung bình cho rượu, bia khoảng hơn 700 nghìn đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là hơn 16 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo (giá năm 2010), đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm.
68% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu, bia; 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia, khoảng 4.800 người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia mỗi năm.
Các chuyện gia y tế, pháp luật nhận định, hiện còn thiếu các quy định về quản lý, sản xuất rượu, bia; khoảng trống pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; thiếu các quy định về hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; thiếu các quy định về bảo đảm tài chính cho phòng, chống tác hại rượu, bia.
Được biết, Bộ Y tế đã được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia với mục đích tạo hành lang pháp lý mạnh để hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu, bia.
Kết quả tham vấn cộng đồng của Viện Xã hội học về xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia gần đây nhận được sự đồng tình rất cao của người dân.
90% ý kiến người dân cho rằng Nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát rượu, bia (hạn chế sản xuất rượu, bia, cấm cơ sở tự nấu, cấm quảng cáo, hạn chế kinh doanh -buôn bán) và trên 80% người dân đồng tình với việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và tin tưởng việc sử dụng rượu, bia sẽ giảm khi luật được ban hành.