“Thảm đỏ” đón nhà đầu tư vào nông nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010), Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được coi là “hai cuộc cách mạng” của nông nghiệp, nông thôn nước ta.
Ông Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đã thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và 30 doanh nghiệp (DN) nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp.
Từ những nỗ lực của Chính phủ và DN, đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2013, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng 1,9 lần so với năm 2009.
Số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ con số 2.397 năm 2007 lên 3.635 DN năm 2013, tăng bình quân 13,8%/năm; trong đó DN ngoài Nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 89%), tạo việc làm cho 265 nghìn lao động.
Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát cũng thừa nhận, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Đầu tư của DN trong nước còn thấp, thiếu ổn định với tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp. Năm 2014, DN đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN của cả nước, phần lớn lại có quy mô nhỏ (quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao Bộ NN&PTNT đã thành lập nhóm hành động về tái cơ cấu, thực hiện tiếp xúc với DN, tập hợp được 30 nhóm vấn đề với 40 kiến nghị cụ thể. Phó Thủ tướng cho biết khó khăn và thách thức nhất đối với DN là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Tới đây, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất xử lý vấn đề này.
Về vấn đề vốn đầu tư cho nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị phải có nhóm công tác để làm việc với từng dự án, bởi “không thể tham làm hết tất cả mọi thứ cùng lúc được” mà cần tập trung vào một số ngành hàng cụ thể và phát triển tiếp lên nữa nếu thành công.
Có hay không“vùng cấm”?
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… để phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không phải việc gì cũng trông vào Nhà nước khi mà rất nhiều mô hình, dự án thực hiện theo mô hình đối tác công-tư (PPP) đã thành công. Thế nên, cả DN và cơ quan quản lý cần phát huy sáng tạo, tìm ra hướng đi để phát triển bởi “không có con đường nào trải sẵn cả”.
Từ quan điểm canh tân của Phó Thủ tướng có thể soi rọi vào loạt bài “Tư nhân hoá quản lý khai thác công trình thuỷ lợi: Tại sao không?” mà Pháp luật Việt Nam đã và đang đề cập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên 90% DN khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước đang hoạt động theo phương thức giao kế hoạch. Cơ chế bao cấp này không chỉ hạn chế thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, hạn chế cạnh tranh đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các công trình thủy lợi mà còn là gánh nặng đè lên vai Nhà nước khi phải nuôi một bộ máy vận hành quá tốn kém nhưng lại không hiệu quả.
Riêng như Hà Nội, mỗi năm số tiền ngân sách thành phố trích ra trên dưới 1.000 tỷ đồng để chi cho cấp bù thủy lợi phí. Nhưng “bầu sữa” này hầu như chỉ được rót cho 5 DN “con cưng” qua hình thức đặt hàng, các thành phần kinh tế khác không có “cửa” tham gia.
Theo phát biểu của Bộ trưởng Phát tại hội nghị hôm qua, “thảm đỏ” luôn sẵn sàng và ngành Nông nghiệp luôn chào đón các nhà đầu tư. Thế nhưng, với thực tế đang diễn ra trong hoạt động quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, dư luận không thể không đặt dấu hỏi về việc có hay không những “vùng cấm”, nơi đặc quyền chỉ dành cho DNNN?
Mà như ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi trả lời thẳng Pháp luật Việt Nam, là: “Doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thì khó có thể hoạt động theo cơ chế thị trường, do đặc thù của loại hình sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp này” (?!)
Hôm qua, trong bài phát biểu tâm huyết của mình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một lần nữa khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng đã đích thân chỉ đạo các Bộ, ngành và các Bộ, ngành đều phải có chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Hy vọng rằng, tinh thần cải cách quyết liệt từ cấp cao nhất của Chính phủ, lãnh đạo Bộ rồi cũng sẽ thấm nhuần đối với lĩnh vực thuỷ nông.