Quản lý đất đai tại xã Song Phương: Sai phạm chồng sai phạm

Ông Vương Thế Độ (người đứng) và ông Nguyễn Chí Thắng cùng các tài liệu chứng minh nội dung tố cáo của mình
Ông Vương Thế Độ (người đứng) và ông Nguyễn Chí Thắng cùng các tài liệu chứng minh nội dung tố cáo của mình
(PLO) - Việc lãnh đạo xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) buông lỏng quản lý đất đai hoặc “làm ngơ” trước các vi phạm lấn đất công, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, bán đất trái phép… đã được Thanh tra huyện Hoài Đức kết luận và “chấn chỉnh” từ năm 2008. Thế nhưng từ đó đến nay, các vi phạm trên không những không giảm mà còn trầm trọng hơn. 
Tố cáo Chủ tịch UBND xã cũ chưa hết, người dân ở đây lại đang có hàng loạt những tố cáo mới nhắm vào Chủ tịch đương nhiệm.
“Quan xã” cố tình vi phạm thì xử lý được ai?
Trước sự đấu tranh kiên quyết của nhiều người dân xã Song Phương, vào năm 2008, Thanh tra huyện Hoài Đức đã vào cuộc xác minh một số sai phạm về quản lý đất đai của chính quyền địa phương và cá nhân ông Lưu Đình Tam, Chủ tịch UBND xã thời đó. Thanh tra huyện Hoài Đức đã phải thừa nhận: “Việc các hộ dân sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng (xây nhà trên đất nông nghiệp - PV) xảy ra phổ biến trên địa bàn xã. Số hộ vi phạm đều tăng theo các năm”. 
Theo cơ quan thanh tra, những vi phạm trên thể hiện sự buông lỏng quản lý đất đai. Việc không được tiến hành xử lý triệt để khiến sai phạm ngày càng tràn lan, gây bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Điển hình phải kể đến việc UBND xã Song Phương cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Viên tổ chức đấu thầu sử dụng 18 lô đất nông nghiệp tại khu vực Dộc Thượng để “thu tiền một lần”. Sau đó, một số hộ đã xây dựng tại đây nhà kiên cố, nhà cao tầng.
Thực chất việc làm này là hành vi câu kết bán đất công trái phép, “bật đèn xanh” cho làm nhà trên đất nông nghiệp, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, thu - chi ngân sách. Thế nhưng Thanh tra huyện lại chỉ kết luận nhẹ nhàng “không có việc cán bộ vụ lợi thông qua đấu thầu”, rồi “đổ lỗi” cho người dân “tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp”.
Đến nay, sai phạm trên càng lộ rõ bản chất khi trên khu đất nông nghiệp Dộc Thượng, ngoài một số nhà kiên cố do người dân “trúng thầu” xây dựng trái phép thì còn mọc lên 2 công trình nhà kiên cố (kiểu biệt thự) khác. Một căn của ông Nguyễn Hữu Hay (thời kỳ “đấu thầu” là Chủ nhiệm HTX Phương Viên, hiện cán bộ địa chính xã Song Phương). Căn còn lại, theo người dân tố là của một cán bộ cấp huyện. 
Điều đáng nói, thời điểm 2 cán bộ xây nhà kiên cố như trên đều diễn ra sau khi có đơn tố cáo của dân và sau khi có Kết luận thanh tra của Thanh tra huyện về vi phạm đất đai tại khu vực Dộc Thượng. Tại sao “quan xã” cùng “quan huyện” lại có thái độ bất chấp như thế? Có chăng việc “há miệng mắc quai” khiến cho việc xử lý vi phạm đất đai ở khu này nói riêng, ở địa bàn Song Phương nói chung bị chần chừ, dây dưa trong nhiều năm, khiến sai phạm ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn như hiện nay?
“Vết xe đổ”
Những tưởng rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, ông Long Thanh Bé - Chủ tịch UBND xã Song Phương sẽ có thái độ kiên quyết hơn trong khắc phục sai phạm cũ, kiên quyết xử lý sai phạm mới. Nhưng chưa được nửa nhiệm kỳ, ông Bé đã lại đối mặt với hàng loạt tố cáo về những sai phạm trong quản lý đất đai, tương tự như của ông Tam trước đây.
Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, tháng 4/2013, kết luận về những tố cáo đối với ông Bé, UBND huyện Hoài Đức đã nêu rõ: “Ông Bé với cương vị Chủ tịch UBND xã Song Phương để xảy ra nhiều vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp, có biểu hiện bao che, vụ lợi trong xử lý vi phạm, cụ thể là trường hợp ông Nguyễn Hữu Hay, cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Đức Tràn, phó thôn 2 (chú của ông Long Thanh Bé)”.
Thống kê về một số vi phạm khác, Thanh tra huyện Hoài Đức nêu rõ: “Từ thời điểm ông Long Thanh Bé giữ cương vị Chủ tịch UBND xã (từ tháng 6/2011 đến thời điểm thanh tra) đã để xảy ra 31 trường hợp vi phạm. Các trường hợp vi phạm này khi được kiểm tra, phát hiện đều đã lập biên bản xử lý nhưng chưa được xử lý triệt để, kịp thời theo quy định”.
Thanh tra huyện đã yêu cầu UBND xã Song Phương kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mới; tập trung kiểm tra, rà soát và phân loại xử lý để giải quyết dứt điểm một số trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, trong đó có trường hợp hộ ông Nguyễn Hữu Hay…; kiểm tra làm rõ việc sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Đức Tràn để giải quyết theo quy định của pháp luật; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.
Có hiện tượng “đá bóng” trách nhiệm?
Tháng 10/2013, UBND huyện Hoài Đức đã có tiếp một văn bản yêu cầu UBND xã Song Phương giải quyết đơn tố cáo của ông Vương Thế Độ (thôn 1, xã Song Phương), trong đó đề cập đến việc xử lý vi phạm đất đai của ông Hay tại khu Dộc Thượng và hàng loạt các vi phạm lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép khác ở khu Trại Gần, khu lối Đầm, khu cửa Cầu…
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Độ, trong những vi phạm về đất đai nêu trên, có một số diện tích nhà, đất đã được UBND huyện Hoài Đức cấp Sổ đỏ. Trước việc đơn tố cáo của mình bị “chuyển về xã giải quyết” như trên, ông Độ cho hay: “Việc cấp Sổ đỏ cho nhà, đất lấn chiếm trái phép này là không đúng nguồn gốc, gian dối trong hồ sơ, có trách nhiệm của UBND huyện Hoài Đức và Chủ tịch UBND xã Song Phương. Ngoài ra, tôi còn tố cáo ông Bé lấn chiếm ô đất số 13, khu Thủy Dậng;  UBND xã Song Phương trù dập người tố cáo bằng cách cắt đất của gia đình tôi để làm ngõ đi cho hai hộ khác… Việc chuyển đơn tố cáo của tôi về cấp xã giải quyết như trên là không đúng và không phù hợp. Chẳng nhẽ ông Bé lại giải quyết, xử lý  đối với chính mình và đối với cấp trên?”.
Bức xúc trên không phải không có cơ sở khi đã gần một năm “chuyển về xã”, ông Độ vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết đơn tố cáo của mình. Còn khi trả lời chất vấn của cử tri mới đây, UBND xã Song Phương phải thừa nhận Thanh tra huyện yêu cầu xã quản lý toàn bộ quỹ đất công từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa quản lý được hết, do HTX Phương Viên chưa bàn giao. 
Riêng với một số vi phạm khác thì vào giữa tháng 3/2013, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã từng có văn bản chỉ đạo địa phương phải xử lý dứt điểm công trình vi phạm và trách nhiệm quản lý nhà nước trong tháng 3/2013. Một năm rưỡi trôi qua, các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại như muốn thách thức dư luận và cấp trên.

Tin cùng chuyên mục

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

(PLVN) - Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội trở nên đặc biệt sôi động. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường ứng trực ngày nghỉ, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn...

Đọc thêm

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ĐT.638 và quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh. 

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.