Với chủ đề “Marketing đột phá: Các điển cứu mới từ Đại học Harvard”, CEO Summit 2016 là cơ hội cho các doanh nhân Việt tiếp cận nhiều hơn với kho tàng tri thức thế giới, để hiểu sâu hơn về marketing trong thời đại mới, đồng thời cân nhắc và lựa chọn chiến lược
Marketing phù hợp, từ đó đưa tên tuổi DN vươn xa hơn nữa không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Thấu hiểu khách hàng – tâm điểm của mọi chiến lược Marketing
Theo GS John A.Quelch, thấu hiểu tâm lý khách hàng đang dần trở thành tâm điểm của mọi chiến lược Marketing trong thời đại biến động. Để có thể tồn tại và giữ vững vị thế, DN cần xác định chính xác nhu cầu của các khách hàng tiềm năng hoặc mới nổi; tìm ra những vấn đề khách hàng đang gặp phải và đa dạng hóa danh mục lựa chọn của khách hàng.
GS. John Quelch đã chỉ rõ thấu hiểu khách hàng sẽ tạo ra chiến lược Marketing đầy sức mạnh và quyền năng, giúp chi phối các chiến lược thâm nhập thị trường của DN từ chính sách nhãn hiệu, sản phẩm, truyền thông, giá cả cho đến phân phối.
Khi thị trường ngày càng trở nên phức tạp và mở rộng, nhất là đối với thị trường Việt Nam trước một loạt các thỏa thuận thương mại tự do như AEC, TPP... thì một vấn đề quan trọng trong chiến lược Marketing là phải xác định được phân khúc khách hàng và định vị thương hiệu.
“Các marketer ngày nay phải cân bằng nhu cầu của nhiều phân khúc và liên tục làm mới nền tảng khách hàng. Tiếp thị cần nhìn xa, trông rộng và luôn phải linh hoạt trước những đổi thay không ngừng của công nghệ, khách hàng và xã hội…” - GS John A.Quelch lưu ý.
Tiếp thị số - cầu nối đưa thương hiệu Việt ra thế giới
Theo GS John A.Quelch, tiếp thị số (digital marketing) đang dần chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của nó trong công cuộc cách mạng Marketing và là cầu nối đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế. Trong thời gian tới, công cụ tiếp thị này được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ khả năng triển khai nhanh các sản phẩm mới, tiếp cận được nhiều thị trường ngách. Trong bối cảnh đó, quảng cáo truyền thống để tồn tại và phát huy tối ưu tính năng cần được tích hợp trong các hoạt động tiếp thị số.
Với lợi thế dân số trẻ, cùng sự phát triển không ngừng của thế hệ điện thoại thông minh đang làm thay đổi mạnh mẽ thói quen tiêu dùng và phương thức kinh doanh, Việt Nam dần chuyển mình trong công cuộc khởi nghiệp. Trong thị trường ngày càng mang tính cạnh tranh ngày nay, các công ty khởi nghiệp cần phải tìm một chiến lược Marketing linh biến, phù hợp với lợi thế quy mô khởi nghiệp và để dần khẳng định chỗ đứng trong thị trường.
Câu chuyện khởi nghiệp của John Osher đã cho thấy ý nghĩa của việc tìm ra khe hở của thị trường để tạo ra sản phẩm phù hợp và khả năng sắc bén của nhà khởi nghiệp trong việc tìm ra phương thức ứng phó phù hợp trong trường hợp khó tránh khỏi khi sản phẩm bị sao chép ý tưởng bởi các đối thủ cạnh tranh.
Luôn luôn đổi mới
Trong kỷ nguyên của các nhà lãnh đạo tài năng, công nghệ mới thay đổi từng ngày, theo đó hàng loạt triết lý, nguyên tắc quản lý được đưa ra, mọi thị trường dường như đều có xu hướng trở nên phổ biến. Khi một thị trường mở ra và đem lại lợi nhuận, sẽ có nhiều đối thủ và kẻ nhập cuộc tìm kiếm cơ hội đầu tư, và trong quá trình tìm kiếm các cách kết hợp và tạo ra nhiều loại sản phẩm với nhiều tính năng khác nhau sẽ khiến hàng hóa trở nên phổ biến. Lúc này sự khác biệt giữa các DN chỉ còn ở cách thức tiếp thị và giá cả.
Theo gợi ý của GS. John Quelch, để chống lại Quy luật hàng hóa phổ biến, DN phải luôn đổi mới, cách tân sản phẩm, dịch vụ liên tục; chọn lựa khách hàng cẩn thận; quản lý khả năng sinh lời và luôn đặt mục tiêu chiến lược rõ ràng cho DN…
Lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Trao đổi với Vietnam Report bên lề CEO Summit 2016, GS John A.Quelch cho rằng thương hiệu Việt Nam phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, may mắn cho Việt Nam là nền kinh tế du lịch phát triển rất tuyệt vời, rất nhiều người đã đến tham quan Việt Nam như một du khách và có những phản hồi tích cực về hình ảnh của Việt Nam. Ngoài ra, có một số sản phẩm của Việt Nam đã có tiếng tăm trên thị trường quốc tế, ví dụ như là chè, cafe khi Việt Nam được biết đến là nguồn sản xuất chính.
“Hiện nay, Việt Nam đã có nhận thức nhiều về vấn đề này, tuy nhiên Việt Nam cần nhấn mạnh tầm quan trọng nhiều hơn và có lẽ là trong nước, các DN cần có thêm nhiều giá trị gia tăng vào những sản phẩm cơ bản đang được sản xuất lúc này. Những sản phẩm được tăng giá trị sẽ giúp củng cố những thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam…” - GS John A.Quelch lưu ý.
GS John Quelch cũng cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng, nhưng điều quan trọng là làm sao để chất lượng các sản phẩm như chè, cafe phải được định giá cao hơn thời điểm hiện tại.
“Có lẽ các sản phẩm này đã thất bại trong việc xây dựng được chất lượng sản phẩm ở mức chuẩn trung bình và chưa hẳn là những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Muốn xuất khẩu thành công thì cần phải có sự tuyên bố về mặt chất lượng!’ - GS John A.Quelch đưa ra lời khuyên.
Theo GS John A.Quelch, lúc đầu có thể là “sản phẩm của chúng tôi có chất lượng cơ bản thôi nhưng chúng tôi đặt ra giá tốt” hay theo thời gian thì tuyên bố thích hợp hơn là “chúng tôi có những sản phẩm chất lượng hàng đầu và vì thế chúng tôi có quyền đặt giá cao hơn đối với những sản phẩm hàng đầu ấy”.
“Đó sẽ phải là sự thay đổi dài hạn trong chiến lược Marketing của Việt Nam cũng như các nước khác, chúng ta phải chuyển từ bán hàng hóa thông thường sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và phát triển thương hiệu bởi vì thương hiệu chỉ có giá trị nếu sản phẩm có sự khác biệt. Sản phẩm phải có sự khác biệt mới có thể hấp dẫn thị trường quốc tế và thuyết phục được họ trả giá cao hơn một loại hàng hóa thông thường…” - GS John A.Quelch phân tích.