“Chuyện buồn” mà PGS. Văn Như Cương đăng tải trên Facebook
Ngày 9/7/2014, trên Facebook của PGS. Văn Như Cương chia sẻ một thông tin gọi là “chuyện buồn” trong ngành giáo dục. Cụ thể, theo GS. Văn Như Cương, câu chuyện xảy ra tại trường Lương Thế Vinh (địa chỉ C5 Nam Trung Yên, Hà Nội). Một phụ huynh có con học tại trường, xin nâng hạnh kiểm cho con từ khá lên tốt nhưng không được chấp thuận. Vì thế phụ huynh này đã nhắn tin “dọa” giáo viên, đồng thời rút hồ sơ chuyển con sang trường khác học.
Thông tin mà PGS. Văn Như Cương chia sẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến bình luận, với những lời lẽ “không hay” dành cho phụ huynh học sinh trong câu chuyện. Ngay sau đó trả lời phỏng vấn của báo chí, xung quanh “chuyện buồn” này, PGS Văn Như Cương cũng dành những lời lẽ khá “nặng nề” khẳng định: việc “dọa” giáo viên là một hành động “vô học, thiếu suy nghĩ, thách thức cán bộ nhà trường”.
“Hai vợ chồng tôi đều làm việc ở Hà Nội, không ai làm thanh tra, cũng không nhắn tin dọa cô giáo. Số điện thoại trong tin nhắn không phải là của hai vợ chồng tôi. Chuyện này không phải như những gì PGS Văn Như Cương chia sẻ. Thực tế, chúng tôi thường xuyên phải công tác xa, nên xin rút hồ sơ và chuyển con sang trường khác gần nhà hơn để tiện quản lý. Những gì PGS. Văn Như Cương chia sẻ trên Facebook là nhưng thông tin mà GS mới chỉ nghe một chiều, không khách quan, không chính xác.” – chị H bức xúc.
Trường Lương Thế Vinh, “hết giấy khen” cho học sinh?
Câu chuyện bắt đầu từ việc con gái họ xếp hạng học lực giỏi (lớp 7, năm học 2013 – 2014), nhưng đến tận năm học lớp 8 đã bắt đầu khá lâu (trường Lương Thế Vinh bắt đầu năm học mới từ 2/7), mà cháu vẫn chưa nhận được giấy khen. Trong khi đó, thì các bạn cùng học với con gái chị cũng đã “lần lượt” được nhận giấy khen.
Tin nhắn trao đổi qua lại giữa phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm, liên quan đến vấn đề trường Lương Thế Vinh “hết giấy khen”. |
“Việc căn cứ vào 5 lỗi trên để “hạ hạnh kiểm” của cháu tôi thì đã thật sự khách quan công tâm hay chưa, nhà trường có thể xem xét lại, tôi cũng nói rằng giáo viên nên có tấm lòng Bồ Tát. Tôi khẳng định, chúng tôi không đến để “xin” nâng hạnh kiểm cho cháu gái mình. Tôi luôn giáo dục con cháu mình sự trung thực, chúng tôi hiểu sự gian dối trong thành tích học tập, chỉ có hại chứ không có lợi cho con cháu mình.” – ông Đỗ Đăng N nói.
Được biết, tại cuộc gặp hôm 8/7, thay vì là được làm việc với BGH nhà trường như lời mời của cô giáo chủ nhiệm, thế nhưng tiếp ông Đỗ Đăng N chỉ có cô giáo chủ nhiệm. Ông Đỗ Đăng N cũng không lấy được giấy khen cho cháu gái mình, với lý do phải trực tiếp gặp phụ huynh thì mới đưa giấy khen.
Tại lần gặp gần đây nhất, ngày 14/7 gia đình mới nhận được giấy khen và hoàn tất thủ tục chuyển trường cho cháu. Với điều kiện, ông N phải viết cam kết “không gây ảnh hưởng đến uy tín của trường” (???). Mặc dù rất ngạc nhiên về “điều kiện” này, nhưng gia đình cũng đành làm cam kết theo yêu cầu của giáo viên.
Ngày 16/7/2014, để có thông tin khách quan về vụ việc, PV đã liên hệ với BGH trường THPT Lương Thế Vinh. Tuy nhiên cán bộ văn phòng trường cho biết BGH trường đang đi họp và hẹn gặp PV vào hôm sau. Thế nhưng sáng 17/7 PV đến liên hệ làm việc theo lịch hẹn, thì được một cán bộ trong văn phòng nhà trường đưa ra lý do thầy Cương đang ốm, hẹn PV sang thứ 7 ngày 19/7 sẽ làm việc. Người này cũng cho biết, buổi làm việc hôm thứ 7 sẽ có cả sự tham dự của Thanh tra Bộ Giáo dục.