Dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cũng như đông đảo dư luận xã hội để có thể áp dụng trong năm 2014.
Miễn thi không "đua" bằng mọi giá
Trong đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT, dư luận đặc biệt chú ý đến việc miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo - GD-ĐT) nhận định: Hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội, bức xúc trong dư luận.
Hình thức thi trong 5 năm qua chưa thực sự kích thích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện. Bên cạnh việc đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp THPT để dư luận đánh giá và lựa chọn cho kỳ thi năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng nêu ra dự kiến các đối tượng được miễn thi tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ngoài diện học sinh được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành, Bộ GD-ĐT dự kiến năm 2014, tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này. Học sinh được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp để được công nhận và xếp loại tốt nghiệp cao hơn. Trong khi làm Quy chế thi, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra những tiêu chí cơ bản để xác định học sinh được miễn thi, làm cơ sở cho các Sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT/Trung tâm Giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là các trường THPT) thuộc phạm vi quản lý.
Lý giải về căn cứ để đưa ra con số 20% học sinh sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, theo kinh nghiệm, hàng năm con số học sinh đủ tiêu chuẩn miễn thi tốt nghiệp THPT còn nhiều hơn 20%. Vì vậy, Dự thảo này yêu cầu các trường phải làm chặt chẽ hơn khi rút xuống chỉ còn 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp. Các đối tượng thuộc diện này cũng đều là những học sinh giỏi, nếu thi cũng đỗ. Vì vậy, việc miễn thi cho các em sẽ giảm nhẹ căng thẳng và khâu tổ chức cũng đỡ tốn kém hơn. Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc miễn thi cho 20% thí sinh sẽ nảy sinh ra nhiều tiêu cực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại cho rằng quy định 20% thí sinh được xét miễn thi tốt nghiệp sẽ giúp Sở GD-ĐT các địa phương phải xét đúng, không để xảy ra khiếu kiện. Khi có khiếu kiện xảy ra về việc xét đối tượng miễn thi tốt nghiệp sai quy định, lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm xử lý và chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT không dùng tiêu chí tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương để đánh giá nên Sở GD-ĐT các địa phương không phải làm mọi cách để có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn so với thực tế.
Đừng để lặp lại… “thảm họa”
Thi tốt nghiệp không nhất thiết phải đỗ 80-90%, mà ra đề thi để đánh giá đạt khoảng 60-70% là tốt, những người không đỗ thì cấp cho các em chứng chỉ học xong bậc phổ thông, và nên cho giấy đó một giá trị trong việc đăng ký trung học nghề, nghề ngắn hạn. Như vậy là giải quyết được vấn đề bỏ ba chung - PGS Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Về miễn thi 20%, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ, điều này là vô lý khi một kỳ thi quốc gia thì tất cả mọi người phải tham gia đánh giá. Phải đánh giá quá trình, hai là đánh giá quốc gia. Miễn như vậy sẽ xảy ra tiêu cực trong việc chạy điểm, chạy lớp... Đương nhiên những học sinh giỏi thì sẽ đỗ, có thể đỗ cao, sau này sử dụng điểm thi đó cho các trường có thể tuyển chọn hay xét tuyển.
Ở góc độ trong cuộc, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Sự điều chỉnh bất ngờ này là hơi vội vàng và sẽ khiến học sinh rơi vào thế bị động, chưa chuẩn bị kỹ về tâm lý để thích ứng với những thay đổi trong thi và xét tốt nghiệp THPT trong năm 2014. Dù với toàn bộ của Dự thảo, tôi hoàn toàn tán thành với những phương án thi, xét tuyển và xếp loại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì các phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ tiết kiệm ngân sách và thời gian để tổ chức một kỳ thi cuối cấp từ 3 ngày xuống còn 2 đến 2,5 ngày cũng như giảm áp lực thi cử cho học sinh.”
Ngoài 2 phương án trên, điểm đặc biệt chú ý là Bộ GD-ĐT sẽ xét công nhận tốt nghiệp của học sinh không chỉ qua những môn thi nữa mà còn là cả quá trình 3 năm học THPT. Điều này sẽ khiến cho học sinh chú tâm học tất cả các môn chứ không chỉ “học lệch, học tủ” những môn đi thi trong một thời gian nhất định nào đó.
Tuy nhiên, thầy Cương cho rằng, phương án khả thi nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi 4 môn. Trong đó bắt buộc thi 2 môn Toán, Ngữ văn. Hai môn còn lại do thí sinh tự chọn, ngoài các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử thì nên có thêm môn Ngoại ngữ. Như vậy, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo Đề án Ngoại ngữ 2020 mà vẫn khuyến khích thí sinh học Ngoại ngữ thông qua hình thức cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về chủ trương miễn thi 20%, ông hoàn toàn ủng hộ, thậm chí những năm tiếp theo Bộ GD-ĐT nên tăng chỉ tiêu này để tiến tới công nhận và xếp loại kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách đơn giản nhất. Thế nhưng, ông lo ngại nếu như năm 2014 Bộ GD-ĐT áp dụng ngay chủ trương này thì dễ xảy ra tiêu cực nếu như chưa chuẩn bị kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách nghiêm túc, khách quan.
Bởi lẽ, nếu Bộ GD-ĐT không có sự kiểm tra chất lượng giảng dạy - học tập của trường học và học sinh một cách sát sao thì chắc chắn sẽ xảy ra gian lận như: phụ huynh “chạy” điểm thầy, cô giáo để con mình có học bạ đẹp, nhà trường chạy theo thành tích để có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, trường THPT dân lập không tuyển được học sinh cố bằng mọi cách để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thuyết phục với mục đích thu hút người học…