Đấy là phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao ở nước Đức về khiếu kiện của một công dân ở bang Brandenburg của nước này. Người ấy là chủ sở hữu một cơ sở khách sạn. Năm 2020, khi dịch bệnh lây lan vào nước Đức và hoành hành dữ dội, Chính phủ Đức và chính quyền bang Brandenburg đã vận dụng biện pháp giãn cách và cách ly xã hội.
Khách sạn và nhà hàng bị buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách hoặc cách ly xã hội. Bây giờ, người chủ khách sạn kia khởi kiện chính quyền bang Brandenburg, cho rằng vì chính phủ thực thi những biện pháp chính sách như thế nên gây ra thiệt hại về thu nhập cho anh ta và đòi chính quyền bang bồi thường thiệt hại 27.000 Euro.
Những cấp tòa án thấp hơn ở bang Brandenburg không chấp nhận khiếu kiện và không tiến hành thụ lý vụ kiện bởi cho rằng yêu cầu đòi hỏi bồi thường của người chủ khách sạn là quá vô lý. Vì thế, người này khởi kiện lên tận Tòa án Tối cao.
Ở cấp tòa xét xử cao nhất và cuối cùng này, Tòa án Tối cao liên bang của nước Đức không thể từ chối thụ lý vụ việc và không thể không mở phiên tòa xét xử như các cấp tòa xét xử ở bang Brandenburg. Quyền của người dân được Tòa án Tối cao liên bang mở phiên tòa xét xử và phán quyết phân định phải trái phải được đảm bảo.
Đương nhiên, Tòa án Tối cao của nước Đức bác bỏ hoàn toàn yêu cầu đòi bồi thường của người chủ khách sạn. Phán quyết như thế của tòa án có tác dụng ngăn chặn hình thành tiền lệ là người dân và tổ chức có thể đòi chính quyền bồi thường thiệt hại riêng bởi biện pháp chính sách ứng phó dịch bệnh của chính quyền.
Thực thi giãn cách và cách ly xã hội cùng với nhiều biện pháp chính sách đặc thù khác được công nhận chung trên thế giới chứ không chỉ có ở nước Đức là thích hợp, hiệu quả và cần thiết để đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh vào thời điểm năm 2020.
Sự an toàn của xã hội và sức khoẻ của cộng đồng buộc chính quyền phải thực thi những biện pháp chính sách ngặt nghèo và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ như vậy. Nếu người dân bị tổn hại như người chủ khách sạn kia có thể đòi chính quyền bồi thường thì vừa bất công đối với số đông dân thường và sẽ rất nguy hại cho chính quyền và xã hội. Vì thế, tòa phải ngăn chặn hình thành tiền lệ.
Đồng thời, phán quyết của tòa ngăn chặn hình thành tiền lệ này lại tạo ra tiền lệ kia khi thông điệp từ phán quyết của tòa cho một vụ việc cụ thể và riêng rẽ lại mang tính nguyên tắc cho thời kỳ dịch bệnh tồn tại. Thông điệp này là không những chỉ có chính quyền bang Brandenburg không phải bồi thường gì cho người chủ khách sạn nói trên mà còn chính quyền nhà nước ở mọi nơi trên khắp nước Đức không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải bồi thường vật chất hay tài chính cho hệ lụy và hậu quả của những biện pháp chính sách đã được áp dụng nhằm ứng phó dịch bệnh ở nước Đức. Một vụ việc trước tòa với nhiều bên thắng và cũng nhiều bên thua.