Cán bộ nam mặc áo dài truyền thống đi làm
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động mặc áo dài truyền thống trong ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng. Theo đó bắt đầu từ ngày 7/9, toàn thể cán bộ công chức, người lao động khi đi làm việc đã mặc áo dài ngũ thân truyền thống với tông nền áo màu xanh đậm, quần trắng.
Áo dài truyền thống sẽ được vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng - là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Việc triển khai cho cán bộ công chức của sở mặc áo dài đi làm là việc làm tiên phong nhằm phục hồi truyền thống mặc áo dài Việt xưa.
Cán bộ ngành Văn hóa Huế trong trang phục áo dài truyền thống. |
Việc làm này đang dấy lên những ý kiến trái chiều. Người ủng hộ cho rằng mặc áo dài sẽ tôn vinh văn hoá dân tộc, giúp chúng ta ý thức hơn về cội nguồn, từ đó thêm tự hào về đất nước mình. Đây là hành trang vô cùng quý giá để chúng ta hội nhập cùng thế giới mà không bị hòa tan.
Cạnh đó, có ý kiến không ủng hộ bởi lý giải sự bất tiện giữa trang phục và công việc. Trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi ngược lại là công việc để phục vụ trang phục. Chính vì thế, việc mặc áo dài không thuận tiện nhất cho công việc mình làm.
Tuy nhiên, nếu nhìn ra các nước khác, việc nam giới mặc áo dài không hề làm giảm đi nam tính của đàn ông như suy nghĩ của một số người. Thậm chí, nam giới nhiều nơi còn mặc cả váy - loại trang phục đặc trưng cho phái đẹp và họ còn rất tự hào về trang phục này.
Scotland – đàn ông mặc váy với niềm tự hào, kiêu hãnh
Đất nước đầu tiên phải kể đến chính là Scotland - đất nước của những người đàn ông mặc váy. Tại Scotland, cha và con trai mặc “Kilt” đi lễ nhà thờ, vị dân biểu quý phái mặc “Kilt” vào tòa nhà Quốc hội, binh lính mặc “Kilt” trong các cuộc diễu hành… tất cả đều thể hiện sự trân trọng và niềm kiêu hãnh của người Scotland.
Những chiếc “Kilt” (váy) truyền thống được đàn ông mặc lên người rất dày, làm bằng len để giữ ấm trong khí hậu lạnh quanh năm của Scotland. Hoa văn duy nhất của “Kilt” là caro (còn gọi là tartan) và mỗi dòng họ, bộ tộc lại sở hữu những mẫu ô vuông và màu sắc riêng. Những người đàn ông mặc chiếc váy kẻ sọc chính là 1 trong 3 hình ảnh biểu tượng của Scotland, bên cạnh rượu và hồ Loch Ness. Những chiếc váy nổi tiếng này là trang phục truyền thống của đàn ông Scotland, giống như áo dài của phụ nữ Việt Nam.
Chiếc váy “Kilt” đầu tiên được biết tới lần đầu năm 1583 và dần trở thành trang phục chính của những người lính vùng cao nguyên Scotland. Theo nguyên bản, chiếc váy Kilt ban đầu có phần tà dài và vắt qua vai, được gọi là “Great Kilt”. Sau gần 200 năm, chiếc váy đã được tối giản và chỉ giữ lại phần chân váy, gọi là “Small Kilt” hay “Walking Kilt”, tương tự như “Kilt” hiện nay.
Lễ hội truyền thống là dịp đàn ông Scotland thường mặc váy "bung lụa". |
Một bộ đồ hoàn chỉnh trong trang phục truyền thống của đàn ông nước này ngoài chân váy còn bao gồm rất nhiều phụ kiện như thắt lưng da, sơ mi bẻ nửa cổ, cà vạt, áo khoác, túi da đeo quanh hông, con dao găm dắt nửa ngập trong tất, thanh gươm claymore cài váy, giày da thuộc… Mỗi bộ như thế có giá lên tới hàng ngàn bảng Anh.
Váy “Kilt” thường chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt như đám cưới, lễ hội hay diễu hành.. Không phải ngẫu nhiên mà trong những món phụ kiện cho váy Kilt lại có con dao găm hay ghim trang trí hình cây kiếm. Đối với người Scotland, Kilt là biểu tượng cho nam tính và tinh thần chiến binh.
Mặc dù bị khuất phục bởi nước Anh nhưng người Scotland vẫn không bao giờ quên khẳng định sự kiêu hãnh của mình. Một trong những câu chuyện nổi tiếng minh chứng cho điều này là khi nhà văn người Anh Samuel Johnson biên soạn một trong những cuốn từ điển tiếng Anh đầu tiên, ông đã đưa ra định nghĩa về cây yến mạch như sau: “Thứ ngũ cốc mà ở nước Anh chỉ dùng để nuôi ngựa, nhưng lại là thức ăn của tất cả dân Scotland”.
Một người bạn của tác giả, vốn là một nhà văn Scotland, đã đáp lại: “Đúng vậy, thế nên nước Anh mới có ngựa tốt còn Scotland mới có đàn ông đích thực”. Giới quý tộc và nhà giàu Scotland, vốn trước đó chạy theo những mốt thời trang của châu Âu, nay lại trở thành những người đi đầu cổ động việc mặc Kilt để giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong số này có văn hào Walter Scott, người đã viết nên cuốn tiểu thuyết Ivanhoe.
Năm 1822, Vua George IV trở thành vị vua nước Anh đầu tiên mặc váy Kilt nhân chuyến viếng thăm của ông tới Scotland. Sau này, người kế vị ông là Nữ hoàng Victoria còn yêu thích văn hóa Scotland tới mức bà cho các hoàng tử của mình mặc váy Kilt. Đặc biệt, trong suốt thời gian trị vì của bà, giới quý tộc Anh cũng xuất hiện mốt mặc váy.
Đàn ông Myanmar mặc váy, làm đẹp
Myanmar cũng là quốc gia nổi tiếng không kém Scotland với hình ảnh đàn ông mặc váy và ăn trầu, dùng đồ chống nắng. Chiếc váy của đàn ông Myanmar có tên longyi, đơn giản chỉ là một mảnh vải dài từ thắt lưng đến mắt cá chân, được quấn quanh người, nhưng đối với nam và nữ lại có những cách mặc khác nhau. Đối với đàn ông thì quấn một mảnh vải lớn và thắt nút ở đằng trước, còn đối với phụ nữ sẽ được gấp tà lại và khâu ở bên hông.
Longyi được bán khắp các chợ, cửa hàng thời trang hay cả những siêu thị lớn. Khác với váy Kilt, Longyi được mặc trong mọi sinh hoạt đời sống của đàn ông Myanmar như đi bộ, đạp xe, lái ôtô, cả khi ngủ...
Không những mặc váy, đàn ông Myanmar rất thích ăn trầu. Nếu ở Việt Nam số người ăn trầu ngày càng giảm thì ở Myanmar vẫn rất phổ biến. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ ai cũng ăn được. Nhiều đàn ông ở Myanmar thích nhai trầu hơn hút thuốc.
Đàn ông Myanmar mặc váy, ăn trầu. |
Đồng thời, đàn ông Myanmar còn bôi bột chống nắng thanakha khi ra đường như phụ nữ. Bột làm từ thân cây thanakha to khoảng bằng bắp tay người lớn, được cắt thành từng khúc 10 cm. Người dân cầm thanh thanakha mài vào miếng đá có thấm nước và dùng phần bột mài để bôi lên má.
Tương tự đàn ông Scotland và đàn ông Myanmar thì đàn ông thuộc bộ lạc Wodaabe ở Niger thường có phong tục mặc váy vào những ngày lễ hội để tăng thêm sự mạnh mẽ, nam tính. Đàn ông bộ lạc này được coi là những kẻ kiêu ngạo vì họ luôn tin rằng mình có vẻ ngoài điển trai nhất thế giới. Họ rất thích làm đẹp và gương là vật bất ly thân. Trong lễ hội Gerewol, đàn ông sẽ mặc váy - trang phục truyền thống của họ và trang điểm kỹ càng trong 6 tiếng để tham gia cuộc thi sắc đẹp. Giám khảo là 3 người phụ nữ có vị trí trong bộ tộc.
Đây cũng được biết đến là bộ tộc nữ quyền, người phụ nữ được quyền lấy nhiều chồng và đàn ông không được phép ý kiến. Phụ nữ sau khi kết hôn sẽ về ở với chồng. Khi có thai, cô ta sẽ về nhà mẹ đẻ ở. Người chồng sẽ không được liên lạc với vợ. Hai hoặc ba năm sau khi sinh con, người vợ sẽ về nhà thăm chồng nhưng không mang con theo.