Mới đây, TANDTC đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của Tòa cấp sơ thẩm khi “quên” không tổng hợp hình phạt của 2 bản án, đồng thời vạch rõ nhiều dấu hiệu cho thấy, Mai Thị Chung đã bị “hình sự hóa” quan hệ dân sự …
Trình bày với báo PLVN về nỗi oan khuất của con gái là Mai Thị Chung, ông Mai Huy Liệu (70 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, tháng 2/2009, Chung đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 15 năm 6 tháng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Sau đó, tháng 6/2009, Tòa này tiếp tục tuyên phạt Chung 30 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, HĐXX đã không tổng hợp hình phạt của hai bản án này nên vô hình trung, Chung phải “cõng” tổng cộng 45 năm 6 tháng; trong khi luật quy định tổng hợp hình phạt trường hợp này thì Chung phải chịu 30 năm tù.
Án có hiệu lực, Chung đi cải tạo được 2 năm thì 2 bản án trên bị giám đốc thẩm xử hủy theo hướng các giao dịch dân sự của Chung có dấu hiệu “hình sự hóa”.
“Hình sự hóa” quan hệ dân sự
Trong quá trình kinh doanh, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2007 thì Chung còn nợ 2,5 tỷ đồng của 12 người. Cho rằng bị cáo sử dụng tiền đi vay, tiền bán xi măng (được mua trả chậm) để đánh bạc, chơi lô đề... dẫn đến mất khả năng trả nợ và còn có ý định…bỏ trốn, Chung đã bị khởi tố, truy tố và xét xử về về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trước việc kết tội này, kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm đã nêu rõ, việc quy kết Chung có hành “sử dụng tiền vay được vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ là chưa có căn cứ vững chắc”. Tuy Chung có lời khai ban đầu tại CQĐT rằng, số tiền có được do bán xi măng, tiền vay…đã bị “nướng” vào lô đề, cờ bạc và chứng khoán nhưng hồ sơ vụ án lại không có tài liệu nào khác để xác định về sự chính xác của những lời khai này.
Không chỉ dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội, Tòa cấp sơ thẩm còn bỏ qua lời khai chối tội (từ tháng 4/2008) của Chung rằng, không hề có chuyện đánh bạc và trốn nợ như lời khai “bị điều tra viên xui” trước đó.
Đáng lưu ý là, trong số 12 khoản nợ trên thì tính đến ngày khởi tố vụ án (9/5/2007) và ngày Chung bị bắt (12/5/2007), còn rất nhiều khoản chưa đến hạn trả nợ hoặc không xác định thời hạn trả nợ. Khi điều tra lại, CQĐT cũng không lấy lời khai của những người liên quan để làm rõ việc Chung có sử dụng tiền vay được để đánh lô, đề hay không.
Tuy Tòa sơ thẩm có đưa ra cuốn sổ do Chung ghi chép thể hiện từ tháng 1/2006 đến tháng 2/2007, Chung thua gần 1,3 tỷ tiền lô đề (chủ yếu là trong năm 2006). Nhưng ngược đời ở chỗ, các khoản nợ và mua xi măng trả chậm mà Tòa kết Chung tội “Lạm dụng tín nhiệm…” lại chỉ diễn ra vào khoảng tháng 3, tháng 4/2007.
Rõ ràng, Chung không thể cầm tiền của các bị hại để sử dụng vào một việc mà ở thời điểm đó, Chung không hề vay tiền, cầm tiền của những người này.
Ngoài tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên thì Chung còn bị TAND tỉnh Thanh Hóa kết án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi sửa chữa 8 bản Fax và viết 5 phiếu nhận hàng để đến Cty Xi măng Bỉm Sơn nhận hơn 3.100 tấn xi măng (trị giá 2,2 tỷ) dưới danh nghĩa vận chuyển cho Chi nhánh Cty này tại Thái Bình. Sau đó, Chung đã không vận chuyển Chi nhánh tại Thái Bình mà bán luôn tại Thanh Hóa, chiếm đoạt tiền của Cty xi măng Bỉm Sơn.
Tại bản kháng nghị và Quyết định giám đốc thẩm, TANDTC và VKSNDTC đều cho rằng, bị hại trong vụ án không phải là Cty Xi măng Bỉm Sơn. Hơn 3.100 tấn xi măng là của Chi nhánh Thái Bình, đã được quyết toán với Cty. Chi nhánh Thái Bình đã được Cty thông báo và hoàn toàn biết việc Chung nhận xi măng cho mình. Giám đốc Chi nhánh có liên lạc với Chung và đã đồng ý việc Chung bán xi măng ở địa bàn Thanh Hóa để thu tiền nộp cho Chi nhánh.
Thực tế, sau khi tự bán xi măng thì Chung đã nộp được 1,2 tỷ về cho chi nhánh. Số tiền còn lại, hai bên đã xác nhận nợ với nhau bằng văn bản, hẹn chót trả tiền vào 30/5/2007. Tuy nhiên, khi chưa đến hạn này thì Chung đã bị bắt. Trong khi đó thì chủ nợ cũng không hề có đơn tố cáo việc Chung “xù nợ”
Người bị “tố” vẫn được coi là “nhân chứng”
Trong tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, ngoài 7 bị hại là cá nhân thì Chung còn bị TAND tỉnh Thanh Hóa cáo buộc chiếm đoạt của Cty Xi măng Bỉm Sơn 3169 tấn Xi măng đã nhận cho Chi nhánh Thái Bình nhưng lại bán luôn tại Thanh Hóa mà không chuyển về Thái Bình.
Ngoài việc xác định Cty Xi măng Bỉm Sơn không phải là bị hại của vụ án và không có dấu hiệu Chung sử dụng số tiền bán xi măng để đánh bạc thì TANDTC và VKSNDTC còn cho biết, trong tổng số xi măng mà Chung đã nhận với danh nghĩa Chi nhánh Thái Bình là 6311 tấn thì Chung bán cho bà Mai Thị Ngoát (thị xã Bỉm Sơn) 3.436 tấn, thành tiền hơn 2,3 tỷ. Tuy nhiên, bà Ngoát đã chiếm giữ số tiền này mà không trả cho Chung với mục đích để “trừ nợ”.
Việc chiếm giữ tiền này là không đúng quy định và là một trong những nguyên nhân khiến Chung chưa thể thanh toán tiền cho chi nhánh Thái Bình. Vì vậy, cần xem xét để buộc bà Ngoát phải trả số xi măng này cho chủ sở hữu, và bà Ngoát phải được coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chứ không phải là người làm chứng trong vụ án.
Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (11/2013), TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn không đề cập đến trách nhiệm của bà Ngoát và vẫn coi bà này là nhân chứng của vụ án. Trong khi đó, Chung còn có lời khai rằng, bà Ngoát chính là người làm giả một số bản fax và Phiếu đăng ký nhận xi măng để bị cáo vào Cty Xi măng Bỉm Sơn nhận hàng cho Chi nhánh Thái Bình. Còn bà Ngoát chỉ thừa nhận mình viết trên 3 Phiếu đăng ký nhận xi măng với lý do “nhân viên Cty nhờ sao lại cho dễ đọc” và chối bỏ việc đồng phạm với Chung./.