Đất ở trước khi vẽ bản đồ
Là gia đình cách mạng có bác, anh trai và hai cậu ruột là liệt sỹ nhưng gia đình ông Ái đã bị chính quyền TP.Phan Rang - Tháp Chàm cho xe ủi nát các tài sản khi thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng, dù lúc đó ông đang khiếu nại, tố cáo việc thu hồi đất để bán đấu giá.
Cụ thể ngày 31/10/2011, TP.Phan Rang - Tháp Chàm có các quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Ái và nhiều hộ dân khác. Riêng đất nhà ông Ái có diện tích là 3.740m2, có 4 hộ sinh sống. Ông Ái làm đại diện đã liên tục có đơn khiếu nại vì cho rằng việc áp giá đền bù không thỏa đáng.
Ông Ái cho biết, thửa đất 162, tờ bản đồ số 16b diện tích 362m2 được gia đình sử dụng làm đất ở từ trước năm 1975, nhưng chỉ được bồi thường 123,21m2 theo giá đất ở, diện tích còn lại đền bù theo giá đất trồng cây lâu năm. Sau khi khiếu nại, TP.Phan Rang - Tháp Chàm nâng diện tích đất ở lên 192m2 nhưng ông Ái không đồng ý. Tuy nhiên, chính quyền hai cấp ở tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng, căn cứ vào bản đồ 299 và sổ đăng ký ruộng đất năm 1987 thì thửa đất trên chỉ có 192m2? Thực tế hồ sơ cho thấy, nguồn gốc đất của ông Ái có trước ngày đo vẽ bản đồ và lập sổ đăng ký ruộng đất, nên việc ông Ái yêu cầu bồi thường đất ở là hoàn toàn có cơ sở, đúng pháp luật cần phải được xem xét đền bù khi trên thửa đất này có 4 hộ gia đình đang sinh sống.
“Đất nhà tôi ở ổn định từ trước giải phóng đến nay, theo luật thì được bồi thường đất ở, được bố trí tái định cư và đền bù chi phí đầu tư trên đất nhưng chính quyền chỉ đền bù 192m2 đất ở là không đúng, trái với Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004” - ông Ái nói.
Đất “tái định cư”… đem bán đấu giá
Ông Ái cho rằng, chủ trương của thành phố là thu hồi đất để làm khu tái định cư nhưng thực tế lại đem phân lô bán đấu giá là trái pháp luật.
Được biết, sau khi thu hồi, cưỡng chế lấy đất của gia đình ông Ái và các hộ dân khác, ngày 05/3/2012 UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định 508/QĐ-UBND để bán đấu giá 74 lô đất với giá khởi điểm mỗi mét vuông là 5.460.000 đồng.
Không chấp nhận cách giải quyết của chính quyền, ông Ái nhiều lần gõ cửa các cơ quan Trung ương. Theo đó, ngày 04/7/2014 Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận với nội dung:… Qua tiếp, nghe công dân trực tiếp phản ánh và xem xét hồ sơ do công dân cung cấp: Việc thực hiện Dự án trên UBND TP.Phan Rang - Tháp Chàm và Hội đồng đền bù, bồi thường thành phố thu hồi đất của các hộ dân để bán đấu giá. Tuy nhiên việc đền bù, bồi thường cho các hộ dân không được đảm bảo về quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Cụ thể: Dự án thu hồi đất của các hộ dân thuộc loại dự án kinh tế, dự án đầu tư sử dụng đất bán đấu giá sinh lời, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, do vậy chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định tại Điểm 2 Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Việc áp giá đền bù, bồi thường, bố trí tái định cư (05 hộ gia đình mà chỉ bố trí 01 suất tái định cư) chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến việc các công dân khiếu tố vượt cấp…Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, giải quyết nội dung khiếu nại, trả lại quyền lợi hợp pháp về đất đai cho công dân…”.
Để làm rõ nội dung khiếu nại của ông Ái, phóng viên nhiều lần đăng ký gặp lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận nhưng bất thành. Đến chiều 12/6, ông Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mới trao đổi với phóng viên qua điện thoại rằng: “Hiện UBND tỉnh đang chờ thành phố báo cáo rà soát lại phương án đền bù, tái định cư ra sao, đúng pháp luật chưa, sau đó mới tiến hành họp, lấy ý kiến để trả lời cho ông Ái”.
Thiết nghĩ, vụ việc trên của gia đình ông Võ Ngọc Ái và các hộ dân liên quan không chỉ cần xem xét lại phương án đền bù mà UBND tỉnh Ninh Thuận cần xem xét, trả lời rõ xem dự án có mục đích công cộng hay dự án kinh tế, sinh lời?