Nhưng chỉ nói thôi vẫn chưa đủ, ông cần có hành động đi kèm mà trong số đó là ông cần chỉ đạo cấp dưới xem lại hồ sơ vụ án đối với một thương binh hạng 4/4, một “Dũng sĩ diệt Mỹ” 45 năm tuổi Đảng bị treo quyền công dân từ năm 2003.
Vụ án sai ngay từ khâu tố tụng
Báo PLVN số ra ngày 29/12/2014 khởi đăng loạt 4 bài về vụ ông Đào Ngọc Tỉnh (sinh năm 1949, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cơ khí điện, điện tử, tàu thủy, thuộc TCty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam kêu oan với những chứng cứ và sự phân tích sát sao cùng những kết luận “không đủ chứng cứ để kết tội” bị cáo sau 2 phiên phúc thẩm của TANDTC. Ngay sau đó, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm thứ ba (ngày 13/1/2015), sau 2 lần hoãn… theo quy định.
Trước phiên sơ thẩm, Luật sư Lê Hồng Lam (Cty Luật TNHH Lạc Việt) khẳng định “vụ án này đã sai ngay từ khâu tố tụng” (dùng hồ sơ photocopy để truy tố, buộc tội bị cáo), đồng thời e ngại trong phiên sơ thẩm này, luật sư có thể không được cất tiếng nói bảo vệ bị cáo. Diễn biến phiên tòa sau đó đúng như dự đoán của Luật sư Lam khi Thẩm phán hỏi bị cáo được 20 phút rồi quyết định “dừng phiên tòa để trả hồ sơ điều tra lại”.
Trong loạt bài 4 kỳ đã đăng, chúng tôi đã đề cập và phân tích về việc suốt 4 năm bổ sung điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã không bổ sung thêm được thông tin gì để củng cố, kết tội bị cáo nhưng VKSNDTC vẫn một mực truy tố đối với ông Tỉnh.
Một vị kiểm sát viên cho biết, ông tiếp cận hồ sơ vụ án này ngay từ đầu và thấy rằng không đủ chứng cứ để kết tội bị cáo. Chính ông đã đấu tranh để ông Tỉnh được tại ngoại sau hơn 1 năm tạm giam.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng Luật sư Trịnh) cũng khẳng định: “Không đủ chứng cứ kết tội ông Tỉnh nhưng chắc cũng sẽ không có cơ quan nào tuyên ông ấy vô tội. Vì tuyên ông ấy vô tội cũng đồng nghĩa với việc phải bồi thường danh dự cho ông. Và bồi thường bao nhiêu cho đủ 12 năm oan sai, bao nhiêu lương và cả danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” mà ông vinh dự, tự hào được trao”. Liệu có phải vì lý do này mà vụ án kéo dài đến hơn 12 năm vẫn chưa có lối thoát?
Tiếng kêu cứu tuyệt vọng
Sau 12 năm theo kiện, gia đình ông Tỉnh lâm vào cảnh không nhà, không cửa. Bản thân ông đau ốm bệnh tật, tuổi cao nhưng vẫn phải cùng người vợ ngày ngày đi kêu oan khắp nơi. Một vụ án hình sự qua 12 năm mà qua 3 phiên sơ thẩm được mở, 2 phiên phúc thẩm đều tuyên hủy án để rồi vụ án rơi vào thế bị đẩy đi đẩy lại giữa Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an và Cơ quan điều tra của VKSNDTC.
Mới đây, qua Văn bản số 629/C46 (P12) của Tổng cục Cảnh sát (Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm Kinh tế và Tham nhũng) do Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Hiền ký ngày 14/5/2015 được biết vụ án này Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có bản kết luận bổ sung ngày 24/3/2014 và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Vụ 1B (VKSNDTC). Như vậy, hồ sơ vụ án này đang ở Vụ 1B dù phiên tòa sơ thẩm thứ ba ngày 13/1/2015 đã tạm dừng, trả hồ sơ để điều tra lại. Vậy lý do gì mà đã hơn 5 tháng trôi qua, hồ sơ vụ án vẫn ở lại Vụ 1B?
Trong suốt 12 năm qua, năm nào ông Tỉnh cũng gửi đơn kêu oan đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng đáp lại vẫn chỉ là những phiếu chuyển đơn đến các cơ quan liên quan mà không có bất kỳ một động thái nào cho thấy có sự vào cuộc điều tra, xem xét lại vụ án.
Ngay cả Cơ quan điều tra của VKSNDTC, đơn vị liên quan trực tiếp đến vụ án, khi nhận được đơn kêu oan của ông Tỉnh lại chuyển đơn sang Vụ Khiếu tố, VKSNDTC. Chính những phiếu chuyển đơn vô cảm này (dù có thể đúng thủ tục, quy trình) đang trở thành trở ngại đối với quá trình kêu oan suốt 12 năm qua của ông Tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cũng đã gửi công văn kiến nghị về vụ án ông Tỉnh kêu oan đến Viện trưởng VKSNDTC nhưng “đến nay vẫn chưa có hồi âm”. Liệu công văn trên đã đến được tay Viện trưởng VKSNDTC trước khi ông đăng đàn xin lỗi những người oan sai?