Theo dấu chân của đội trưởng Nguyễn Văn Bồng (65 tuổi), chúng tôi về khóm 7, thị trấn Khe Sanh và dạo qua một vòng xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi từng có nhiều khu rừng bị tàn phá thành đồi trọc…
“Trả nợ” cho rừng
Sớm tinh mơ, đội “kiểm lâm không lương” đã bày biện lễ vật cúng mở cửa rừng. Họ thành kính chắp tay khấn vái “thần rừng”, mong phù hộ cho sức khỏe để bảo vệ được nhiều cánh rừng khỏi sa vào tay “lâm tặc”. Kết thúc buổi lễ, người đội trưởng thắp hương đọc lời cầu khấn, sau đó mọi người chia nhau tản ra những khu rừng được dự đoán có nguy cơ bị phá trong ngày.
Theo chân nhóm tuần tra của người đội trưởng, được nghe ông rủ rỉ kể chuyện đến với nghề. Từ ngày xuất ngũ, ông đã có nhiều năm làm thợ sơn tràng. Ngày thường đốn củi khô bán khắp các chợ và quán xá trong làng xã, hết đợt lại đi làm thuê khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỉ đến khi Lâm trường huyện Hướng Hóa vận động chiến dịch “trồng cây thông lấy nhựa”, xem như ông mới có một công việc ổn định.
Gia đình ông đấu thầu, trồng được mấy hecta thông. Qua mấy năm chăm sóc, bắt đầu được khai thác nhựa thông. Được Lâm trường giao khoán khai thác lượng nhựa thông, ngay từ buổi đầu, những người như ông Bồng đã thành lập một đội với hai nhiệm vụ: Thứ nhất là khai thác để lấy nhựa; thứ hai, kết hợp với cán bộ lâm trường bảo vệ những khoảnh rừng được giao.
“Chú thấy đó, đội khai thác nhựa thông của chúng tôi lên đến 14 thành viên, mỗi anh em đều được phân một khu vực cụ thể, có người lên tới 4-5ha... Hàng ngày, công việc của chúng tôi là đi cạo nhựa, vì vậy cây thông nào chúng tôi cũng biết, có xê dịch gì là trực tiếp báo cáo với Lâm trường ngay”, giọng người đội trưởng hào sảng.
Khi người dân có rừng thông để trồng trọt làm kinh tế cũng là lúc “lâm tặc” hoạt động trên diện rộng với các chiêu bài như: Trộm nhựa, đốn nhiều cây thông đang phát triển về làm đồ sinh hoạt hoặc củi đun.
Một đồng nghiệp của ông Bồng chêm vào câu chuyện, cho biết trước đây rừng thông thường xuyên bị xâm phạm. Người dân trong vùng hạ cây xẻ ván đóng chuồng gà, chuồng lợn. Có đám liều lĩnh hơn còn vác cả cưa, đục vào “xẻ thịt” rừng thông bán làm ván xây dựng cho những ông chủ ngoài thị trấn.
Đây là khu vực rừng trồng, hầu hết các cây đều gần 30 tuổi, một vòng tay người lớn ôm không xuể. Thế nên, chỉ cần hạ một cây, “lâm tặc” đã kiếm được một món hời khá lớn. Ngoài nhiệm vụ khai thác, đội “kiểm lâm” còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tất cả họ đều từng đi rừng lâu năm, hiểu biết hết mọi ngõ ngách của nhiều khu rừng trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Ngày trước, họ chỉ mang một cây rựa đi để bảo vệ rừng, nhưng nay, do “lâm tặc” ngày càng hung hãn, họ phải trang bị thêm nhiều “đồ nghề”. Không thể thiếu là một đàn chó săn cực kỳ tinh khôn. Chỉ cần thấy hơi người lạ, chúng sủa ầm ĩ cả một khoảng rừng. Mỗi thành viên trong nhóm đều sở hữu vài chú chó như thế.
Theo chia sẻ, đàn chó săn của ông Nguyễn Văn Tuân là đông đảo, thiện chiến nhất. Nhiều lần chúng đã làm cho “lâm tặc” phải khiếp vía. Như để biểu diễn, chỉ sau vài tiếng huýt sáo và tiếng “xuỵt” từ chủ nhân, đàn chó đã thi nhau quần thảo, dữ tợn nhe nanh, sủa vang cả một vạt rừng.
Chuẩn bị bữa trưa tạm bạc trong căn chòi tạm. |
Ông Tuân tâm sự: “Làm nghề gì cũng khổ chú à, địa hình ở đây dốc lắm, đi đứng không cẩn thận là ngã dúi dụi. Khó khăn vậy mà chỉ cần sơ hở một chút, “lâm tặc” lại kịp đốn một cây mang đi. Chúng tôi sống nhờ rừng, cứ chặt phá tràn lan như thế gia đình lấy gì mà sống. Thế nên cố bảo nhau ra sức mà giữ gìn, chả đòi lương bổng hay trợ cấp gì cả”.
Trong lúc trò chuyện, có thành viên trong đội còn bồi hồi về quá khứ: “Lúc trước bọn tôi là “lâm tặc” cả đó, ngày xưa có biết gì đâu… thiếu củi là vào rừng chặt phá, thiếu chỗ trồng cây là đi khai hoang bừa bãi. Giờ nghĩ lại thấy mình có lỗi với rừng nên phải chú tâm bảo vệ, cũng là trả nợ rừng mà thôi”.
Giấc mơ “Đà Lạt thứ hai”
Chiến tranh đi qua gần 40 năm. Đội “kiểm lâm” có những người từng là lính Trường Sơn. Tất cả họ đều ý thức được rừng quan trọng thế nào ở thời chiến cũng như thời bình. Chính nhờ họ, những cây thông trước đây thường xuyên ứa nhựa vì bị cạo trộm, giờ vết thương gần như đã lành. Những cánh rừng hoang từng bị tàn phá nay đã được phủ xanh mát bằng những đồi thông ngút ngàn.
Vừa rảo bước, người đội trưởng vừa “bật mí”: “Chú biết tại sao cả mấy anh em không ngại khó, ngại khổ để bảo vệ rừng thông này không? Đó là bởi mơ ước một ngày nào đó, miền biên ải này sẽ là “Đà Lạt thứ hai” với thông reo vi vu trong sương rừng, khí núi. Đà Lạt đẹp và thơ mộng nhờ những cánh rừng thông. Ở đây cũng vậy, thông rất nhiều nên chúng tôi muốn giữ vẻ đẹp cho con cháu sau này”.
Giấc mơ của những người quanh năm ẩn mình trong rừng chỉ đơn giản như vậy. Dù nhiều người chưa bao giờ đi ra địa phận tỉnh, chứ đừng nói được đến thành phố Đà Lạt nổi tiếng mộng mơ kia.
Đi vòng vèo một hồi xuyên qua cánh rừng cũng là lúc đồng hồ điểm 12h trưa. Đội “kiểm lâm” bắt đầu lấy điện thoại thông báo tập trung về địa điểm đầu xuất phát. Tại đây, họ đã làm tạm một căn chòi dùng để nghỉ, thay phiên nhau trực trong đêm để chống lâm tặc. Trong căn chòi, một thành viên đang chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. Những người còn lại vắn tắt thông báo cho nhau nghe tình hình của buổi tuần rừng.
Bỗng từ xa xa, có nhiều cụ cao niên trong thôn Đại Thủy (xã Tân Liên) đến góp vui. Các cụ cho biết nghe nói có nhà báo đến để viết về đội “kiểm lâm không lương” nên phải đến nói giúp. Theo đó, nhờ có các anh mà hiện tượng gỗ thông bị cưa xẻ và tuồn ra ngoài giảm hẳn, chặt “đứt đuôi” bọn phá rừng.
Cụ ông Lê Quận Thám (thôn Duy Hòa), hiện là Chủ tịch Hội Người mù huyện Hướng Hóa tâm sự: “Tôi mù lòa đến nay đã mấy chục năm. Thời mắt còn sáng, những cây thông mới bén rễ, giờ đã ôm một vòng không hết. Có được cơ ngơi như hôm nay đâu phải đơn giản. Rừng có sẵn phải giữ đã đành, rừng trồng cũng phải giữ, không thì “lâm tặc” nó đốn sạch”.
Những thành viên của đội “kiểm lâm” dù cuộc sống còn nghèo nhưng ai cũng có tình yêu rừng tha thiết. Thông thường, nếu hạ trót lọt một cây thông khoảng một vòng tay ôm, có thể đủ tiền uống rượu cả tháng. Vài ba gùi củi thông giữa thời buổi khó khăn cũng là cách đỡ đần cho gia đình, vợ con.
Tuy nhiên, những người như ông Bồng, ông Tuân hay các thành viên trong đội đều tâm niệm rằng mình là những “kiểm lâm”. Họ bảo vệ rừng “không công” với hy vọng một mai không xa, vùng đất đầy nắng và gió Lào này sẽ trở thành những cánh rừng bạt ngàn đẹp đẽ./.