Mất mùa, chỉ lãi… 4 tỷ đồng
Về Nông trường Thu Phong, hỏi anh Bùi Văn Dũng (SN 1983) thì ai cũng biết, chàng thanh niên trẻ chỉ học hết lớp 10, nhưng Dũng đã vươn lên thành “đại gia” nhờ trồng cam. Tiếp chúng tôi ở vườn cam, ấn tượng đầu tiên về Dũng là chàng nông dân trẻ đi ô tô sang trọng, dùng điện thoại iphone 6.
Dẫn khách đi thăm vườn cam 7ha của mình, Dũng cho hay, năm nay thất thu hơn mọi năm, do thời tiết nắng mưa thất thường nên sản lượng cam giảm. “Ước tính thu hoạch được khoảng 100 tấn cam, trừ các khoản chi phí, chỉ thu về hơn 4 tỷ đồng”, anh Dũng nói bằng giọng đầy tiếc nuối.
Anh Dũng bắt đầu trồng cam từ năm 2007. Trước đó, Dũng đang học dở lớp 10 thì bỏ ngang đi học lái xe tải, rồi vào TP HCM làm tài xế cho mấy doanh nghiệp vận tải. Có tý vốn liếng, anh về quê vay mượn thêm mua một chiếc ô tô 7 chỗ chở khách thuê. Được một thời gian, anh Dũng quyết định bán xe mua 3ha đất Nông trường Thu Phong.
“Không kể ngày đêm, tôi gần như ăn, ngủ cùng cam từ công việc cuốc xới, nhổ cỏ, cào đất đến bón phân, tỉa cành đều một tay làm hết”, anh Dũng chia sẻ. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu trước khi cây cam cho quả, anh trồng xen canh các cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu tương...
Do chưa có nhiều kinh nghiệm, năm 2007 gặp thời tiết khắc nghiệt, dịch hại, lỗ cả trăm triệu đồng. Không nản lòng, anh Dũng dày công học hỏi kinh nghiệm từ các bạn vườn và sách báo. Nhờ sự kiên trì, chịu khó năm 2010, vườn cam của anh cho thu hoạch vụ đầu tiên, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng.
Anh tiếp tục hùn vốn mua đất mở rộng diện tích, giờ anh đã sở hữu đồi cam rộng 7 ha với nhiều giống cam khác nhau: cam Malaysia, cam lòng vàng... Đồi cam của anh góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, vào mùa thu hoạch cam có thể lên tới hơn 40 lao động với mức lương trung bình 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
Hướng tới vườn cam VietGap
Tìm tới nhà anh Bùi Văn Bách (SN 1979 ở khu 3, thị trấn Cao Phong) chúng tôi bị ấn tượng bởi ngôi biệt thự sang trọng và chiếc xe Fotuner mới sáng loáng đậu trước cửa. Gia đình Bách nghèo, học xong cấp III Bách đành phải bỏ học xin gia đình đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với mong muốn thoát nghèo.
Nhưng để sang Hàn Quốc lao động, ngoài có tay nghề, còn cần một khoản tiền lớn. Nhìn bố mẹ vay mượn khắp nơi mà chưa đủ số tiền, Bách quyết định ở lại quê mở mô hình trồng cam ruột vàng Cao Phong.
Năm 2004, Bách bắt tay cải tạo diện tích đất đồi rộng 1ha bỏ hoang của gia đình. Thời gian đầu chưa có tiền để thuê nhân công, anh Bách tự dựng lán trên đồi, hàng ngày ăn cơm nắm khai hoang. Nhiều hôm làm việc mệt quá, Bách không lê nổi chân về nhà, ngủ ngay tại lán.
Sau gần một năm khai hoang, năm 2005, Bách vay ngân hàng 200 triệu đồng mua vật tư cây giống và bắt đầu trồng những cây cam đầu tiên. Nhận thấy nguồn nước ngầm dồi dào tại khu vực núi cạnh vườn, Bách chi 120 triệu đồng xây dựng hệ thống ống dẫn nước tưới. Năm 2007, anh thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 50 tấn cam, bán được gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí, anh lãi được gần nửa.
Có tiền anh thuê thêm 8 ha đất của nông trường, trồng nhiều loại cam đặc sản khác nhau: Cam xã Đoài, cam canh, cam lòng vàng, quýt ngọt… Ngoài ra, anh còn trồng thêm 5 ha mía đường. Với 9 ha đất trồng cam và 5ha đất trồng mía, hiện trang trại của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động trong vùng với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Năm 2014, anh thu hoạch được gần 200 tấn cam, đạt tổng doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
Trần Thanh Xuân (SN 1991) ở thị trấn Cao Phong đã vươn lên làm giàu từ vườn cam của mình. Học hết THPT, Xuân không thi đại học mà quyết định ở nhà cải tạo đồi nhà mình để trồng cam ruột vàng, cam cành,...
“Có nhiều người bảo mình là dại khi quyết định không theo con đường học hành mà muốn làm nông dân. Nhưng mình nghĩ làm gì không quan trọng, miễn là nó có thể giúp bản thân mình vươn lên làm giàu bằng chính công sức mình bỏ ra. Mình đã chọn con đường làm giàu từ thế mạnh của khí hậu, thổ nhưỡng đất vườn nhà để trồng cam”, Xuân nói.
Thời gian đầu, Xuân đã xin đi làm công nhân cho những trang trại cam lớn để học tập kinh nghiệm. Từ 1ha cam của gia đình, đến nay Xuân đã mở rộng mô hình lên 3 ha. Mỗi năm, vườn cam của cậu cho thu hoạch hơn 50 tấn, trừ chi phí Xuân lãi hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, vườn cam của Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng.