Vụ này, Cao Phong (Hòa Bình) vẫn vàng ruộm màu cam. Nhưng trong ánh mắt những người trồng cam, đã hiện rõ sự lo lắng về tương lai của vùng cam nổi tiếng này. Làm thế nào để điệp khúc “được mùa mất giá” không tái diễn, và làm sao để cam Cao Phong có chỗ đứng chắc trên thị trường?.
Giáp Tết, nhiều vườn cam vẫn còn trĩu quả chín. |
Qua những mùa trái ngọt
Vườn cam của hộ gia đình ông Vũ Xuân Khoa (đội Tây Phong, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) rộng hơn 5.000m2 – diện tích chuẩn mà đa số các hộ trồng cam ở đây được giao. Năm nay, 250 gốc cam vườn nhà được mùa, ông Khoa ước tính sẽ thu được chừng 20 tấn quả, nhiều hơn năm trước 5 tấn.
Cam Cao Phong có nguồn gốc từ giống cam Xã Đoài (Phủ Quỳ, Nghệ An), nhưng có lẽ do hợp đất, hợp nước, khi mang ra Cao Phong trồng, loại cam này to, ngon và ngọt hơn cả cam gốc. Những năm 70 của thế kỷ XX là thời kỳ hoàng kim của giống cam này. Cam Cao Phong nức tiếng khắp miền Bắc, được thị trường Liên Xô, Đông Âu đón nhận.
Huyện Cao Phong giờ có khoảng 700 ha trồng cam. Những năm qua, cam Cao Phong đã giúp nhiều gia đình nông dân làm giàu. Vụ cam trước – năm 2010, cam Cao Phong có giá bán cao nhất từ trước đến nay, bình quân 1kg thu mua tại vườn đạt 12.000 đồng. Mấy năm nay, người dân Cao Phong giàu lên từ trồng cam. Doanh thu từ cam góp phần nâng thu nhập của bình quân của thị trấn lên 22 triệu đồng/người/năm. Người trồng cam ở thị trấn đạt doanh thu từ 0,5-3 tỷ đồng có hơn 20 hộ, còn từ 100-500 triệu nhiều vô kể.
UBND huyện Cao Phong ước tính, sản lượng cam của Cao Phong vụ này cỡ từ 7.000-8.000 tấn, như vậy nếu giá cam tương đương năm trước, doanh thu sẽ đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư từ 25-30%, người nông dân cũng sẽ thu về cỡ vài chục tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2010, thương hiệu cam Cao Phong đã được Hội Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt. Trước đó, vào năm 2007, cam Cao Phong đã dược Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức công nhận lôgô nhãn hiệu hàng hoá.
…Hiện hữu những nỗi lo
Nhưng những bài tính đẹp đẽ và đơn giản đó lại không phải lúc nào cũng đúng với người nông dân “một nắng hai sương”.
Trung tuần tháng Giêng năm 2012, đi khắp vùng cam Cao Phong, vẫn dễ dàng nhìn thấy những vườn cam trĩu quả chín vàng ruộm. “Những trái cam này lẽ ra phải được bán xong từ cách đây cả tháng rồi. Giờ để chín lâu quá trên cây, trái đã bắt đầu xuống mã” – ông Vũ Xuân Khoa phàn nàn – “Mỗi ngày, mấy tạ cam rụng xuống, phải bán đổ cho những người bán lẻ hoa quả với giá 2 ngàn đồng một cân”.
Những năm trước, người trồng cam không phải lo lắng nhiều về đầu ra, vì đến mùa sẽ có thương lái tới tận vườn mua. “Người ta bảo chuyển cam tới Vinh, tới Hưng Yên. Cũng có lúc tôi băn khoăn không biết người mua có biết đây là cam Cao Phong không, hay là lại được giới thiệu cam Vinh, cam Hưng Yên” – ông Khoa bày tỏ.
Nhà ông Khoa bắt đầu trồng cam năm 2005, và đây là vụ thu hoạch thứ 3 của vườn cam nhà ông. Đây cũng là năm đầu tiên mà cam Cao Phong “ế” nhiều như thế này. “Vào vụ, thương lái chỉ mua khoảng 6000 – 7000 đồng một cân, mà cũng chưa mua nhiều” – ông Khoa nói – “Chúng tôi trồng theo giống do Cty rau quả nông sản Cao Phong hướng dẫn, nhưng công ty lại không định hướng đầu ra, nên khi thương lái không đến tận vườn mua, nhiều hộ trồng cam chúng tôi bị thụ động”.
Mỗi vụ, hộ gia đình trồng vườn 5000m2 như nhà ông Khoa sẽ phải đầu tư chừng 50 triệu tiền mua phân bón, vật tư nông nghiệp và khoảng vài chục triệu tiền công chăm bón, thu hái. Năm 2009, khi vay 30 triệu từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc vườn cam, ông ước tính sau 1 – 2 vụ yên ổn, sẽ trả xong phần nợ này. “Nhưng năm nay, cam được mùa, giá lại giảm đi, nên người trồng cam cũng không thu được hiệu quả kinh tế như mong đợi” – ông nói. Đã thế, cây cam thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mùa sau. Đất không kịp hồi, cây không kịp nghỉ, quả cam mùa tới sẽ không được ngon, được đẹp.
Hộ ông Khoa cũng như nhiều người trồng cam khác không khỏi băn khoăn bày tỏ, nếu tình trạng “được mùa, mất giá”, đầu ra mong manh như năm nay tái diễn, thì vùng cam Cao Phong có thể gặp tình cảnh như vùng vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn nhiều năm trước.
Cách nhà ông Khoa không xa, hộ gia đình chị Phí Quỳnh Hoa là một trong những hộ sớm “giải phóng” được vườn cam và giờ đang chuẩn bị đất cho vụ tới, bởi chị đã bán “vo” cho thương lái ngay từ đầu vụ. Nhưng cách làm kiểu “bán lúa non” này chỉ có thể là giải pháp tình thế, chứ không thể là lựa chọn lâu dài cho các hộ trồng cam Cao Phong.
Hiện nay, UBND huyện cùng với Cty Rau quả nông sản Cao Phong đã và đang đi tìm hướng phát triển, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ta ổn định cho vùng đặc sản này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tiến tới xây dựng vùng cam Cao Phong sạch sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã đẹp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
H.Thủy