Khi lòng tin bị lợi dụng
Đầu năm 2019, dư luận vẫn chưa quên vụ việc chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) ở ngay trung tâm Hà Nội “lùm xùm” trong việc tổ chức dâng sao giải hạn. Đáng nói, đây không phải trường hợp hy hữu, mà rất nhiều ngôi chùa khác trong cả nước cũng tồn tại hiện tượng này hàng năm.
Lợi dụng mong muốn hành hương về chiêm bái, lễ Phật, cầu bình an; từ các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng đến các lễ hội cổ truyền đều có thể trở thành địa điểm cho nhiều đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan.
Theo quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường, khi người dân hoặc du khách có nhu cầu tìm đến các địa điểm tâm linh nhằm cầu xin danh lợi sẽ xuất hiện những đối tượng cung cấp “dịch vụ buôn thần, bán thánh” để phục vụ nhu cầu này.
Ví như, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vốn ra đời để tưởng nhớ công đức của một người phụ nữ đã khéo tích trữ lương thực, trông nom kho lương triều đình. Nhưng ngày nay, nhiều người quan niệm đến đây chỉ để mưu cầu lợi ích làm ăn kinh tế, vay vốn, thoát nợ, hoặc đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) được biết là nơi thờ thần vệ quốc - vị anh hùng đã đánh tan giặc phương Bắc, bảo vệ dân làng. Thế nhưng, nhiều đối tượng đến đây lại dâng lễ cầu lộc cho hoạt động lô đề, buôn lậu, làm ăn phi pháp.
Hoặc nghi lễ khai ấn ở đền Trần (Nam Ðịnh) chẳng biết từ khi nào được “biến tấu” thành “lá bùa phù trợ” cho đường quan lộ. Trong khi đó, xuất phát từ điển tích xa xưa thời nhà Trần, nhà vua muốn thông qua nghi lễ này nhắc nhở quần thần phải chu toàn bổn phận của mình trước dân chúng.
Chính tâm lý ấy đã tạo động lực cho nhiều đối tượng tổ chức các trò mê tín, dị đoan như bói toán, rút thẻ, xem xăm, đồng bóng, gọi hồn…, đặc biệt tăng mạnh mỗi khi lễ hội mở ra. Kèm theo là các tệ nạn khác như cờ bạc, gây gổ, cướp giật, thậm chí là cay cú, chém giết lẫn nhau.
Bên cạnh đó, tệ nạn nói trên có phần nguyên do từ sự lỏng lẻo trong tổ chức quản lý của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp. Trước tình trạng mê tín diễn biến tự phát hoặc có tổ chức theo chiều hướng phức tạp, các khâu giám sát, xử phạt vẫn còn nhiều chậm trễ. Vấn nạn ngày càng trở nên nhức nhối qua nhiều năm, mà vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.
Bài toán nan giải
Đáng nói, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã nhấn mạnh ngành Du lịch Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Khách du lịch quốc tế đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ.
Du lịch Việt Nam cũng giành được nhiều giải thưởng lớn như: Du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á… Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện nay đứng thứ 63/140 nước (tăng được 12 bậc).
Bên cạnh đó, “tư lệnh” ngành Du lịch cũng cho rằng, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Ngày càng có nhiều hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội…
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có rất nhiều địa điểm liên quan tới du lịch Phật giáo, có thể trở thành thế mạnh. Tuy nhiên, so sánh với nhiều nước cũng khai thác lĩnh vực này như Ấn Độ, Bhutan, Thái Lan, Tây Tạng… thì nước ta vẫn còn nhiều hạn chế; trong đó công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn còn lỏng lẻo, tự phát, tạo điều kiện cho những cái xấu xuất hiện làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của lễ hội.
Rất nhiều du khách hành hương về nguồn cội tâm linh sau khi đến Việt Nam đã không mong muốn quay trở lại. Mê tín dị đoan chính là một mặt trái gây nên hệ quả này. Một số liệu thống kê gần đây cho thấy, dù du lịch tâm linh ở Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chính sách khuyến khích của chính quyền và nỗ lực của các nhà đầu tư, kinh doanh; khách du lịch tâm linh chủ yếu là nội địa, du khách quốc tế chưa chiếm tỉ trọng cao.
Tuy nhiên, hiện nay xu hướng khách nội địa tìm đến trải nghiệm tâm linh ở nước ngoài ngày càng tăng. Không chỉ bởi họ ái ngại những tệ nạn liên quan tới du lịch tâm linh trong thời gian gần đây, du khách còn mong muốn có những trải nghiệm hành hương về cội nguồn một cách đích thực. Những hoạt động mê tín, làm ăn chụp giật không thể bền vững về lâu dài.
Ngành VH-TT&DL cho rằng, cần kiên quyết đẩy mạnh tuyên truyền, vạch trần thủ đoạn mê tín dị đoan, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương khi để xảy ra những hiện tượng này. Tuy nhiên, xử lý vấn đề này không thể chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn cần có sự tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Song song, cũng cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để nhận thức được, phòng tránh, không sa đà những hoạt động mê tín, lừa bịp. Do đó, toàn thể xã hội cần phải chung tay đẩy lùi vấn nạn này.