Năm 2019, cuộc tranh cãi lớn nổ ra, xoay quanh câu chuyện Bà Nà được được tập đoàn du lịch Sun Group tôn tạo, phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp hay đang khiến thiên nhiên, núi rừng bị phá hoại, bị “tấn công”?
Cùng năm 2019, khu nhà dừng chân 7 tầng Panorama trên đèo Mã Pí Lèng trở thành mục tiêu công kích mạnh mẽ của dư luận khi nằm “ngạo nghễ” trên sườn đèo, gây ra nguy cơ về viễn cảnh hàng loạt công trình sẽ phá nát vẻ đẹp hoang sơ của núi đồi.
Cũng trong năm nay, hình ảnh lâu đài nguy nga tráng lệ nằm trên đỉnh Tam Đảo cũng đứng trước búa rìu dư luận, bị coi là một công trình “xôi thịt”, thách thức thiên nhiên…
Trở về trước mấy năm, khi dự án Fansipan bắt đầu được triển khai đã vấp phải không ít cuộc tranh cãi. Rồi dự án cầu kính cao 600m qua đèo Ô Quy Hồ vẫn bị dân du lịch cho là một dự án can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.
Cho đến nay, những dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng hay cáp treo lên cao nguyên đá Đồng Văn đứng trước luồng dư luận phản đối âm thầm nhưng mạnh mẽ, những chữ kí phản đối online vẫn tỏa đi khắp nơi.
Có thể thấy, bảo tồn thiên nhiên hay phát triển du lịch vẫn là hai luồng quan điểm nghịch nhau đang song song tồn tại. Và các tập đoàn du lịch với những dự án “khủng”, có thể ở khía cạnh này là người có công trong khai phá du lịch, phát triển địa phương, nhưng lại là “tội đồ” của môi trường sinh thái, trong mắt nhiều người. Lẽ nào, việc phát triển du lịch luôn đồng nghĩa với việc phải “hy sinh” phần nào cảnh quan, với những cánh rừng ngã xuống, những dòng sông bị lấp, những ngọn núi bị san?
Thực tế, tại rất nhiều nước trên thế giới, đây cũng là vấn đề được đặt ra và cũng không ít quốc gia đã thành công trong trong việc dung hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tự nhiên.
Đó là Chiang Mai ở Thái Lan, thu hút du lịch rất mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ nguyên những cánh rừng, dòng thác quanh thành phố, bao nhiêu năm phát triển vẫn phủ một màu xanh lên đô thị đang phát triển mạnh mẽ. Đó là Phuket với vịnh Maya, mỗi ngày tiếp hơn 5000 du khách với doanh thu khủng, nhưng vẫn chấp nhận đóng cửa, “nghỉ” tiếp du khách hơn 4 năm trời, chỉ vì lo lắng cho những rặng san hô có nguy cơ hủy hoại.
Hay như làm du lịch kiểu Sangapore, chỉ trồng thêm cây, mang thêm cây vào trung tâm thành phố chứ không chặt bỏ một gốc cây nào. Khó có thể trách phản ứng của người dân trong nước khi mà những năm gần đây, không biết bao cánh rừng, bao gốc cây, bao rặng san hô bị hủy hoại.
Làm du lịch bền vững, nghĩa là làm du lịch một cách bài bản, có tầm nhìn, có kế hoạch, cân đối giữa sự phát triển và bảo tồn, không vì lợi ích nhất thời mà hy sinh thiên nhiên. Thực tế, nếu không có những tập đoàn du lịch lớn, thì vẫn có hàng ngàn doanh nghiệp du lịch manh mún, nhỏ lẻ âm thầm xâu xé thiên nhiên để làm lợi cho mình, như vụ việc ngôi nhà Panorama hay những công trình homestay trái phép mọc trong hồ, trong núi Đà Lạt.
Nếu có hoạch định rõ ràng, nếu có sự ràng buộc, quy định nghiêm, thì làm sao có chuyện công trình du lịch trái phép mấy năm trời mới bị bắt tháo dỡ, gây lãng phí. Nếu có tiêu chí để có thể vừa dung hòa hai khía cạnh lợi ích, thì có lẽ chẳng mấy doanh nghiệp lựa chọn cách thức phải gây tổn hại thiên nhiên để làm giàu túi tiền của mình.
Không cần phải hy sinh thiên nhiên để phát triển du lịch, đó là điều chắc chắn. Chủ yếu là những người đứng đầu ngành du lịch, đứng đầu địa phương lựa chọn “ngắn hạn” hay dài hạn, lựa chọn đường khó hay dễ mà thôi.