Mẹ tôi vốn là giáo viên ở Thanh Hóa, khi lấy cha tôi là bộ đội đóng quân ở Đà Nẵng mẹ đã phải bỏ nghề để theo chồng. Đồng lương của cha tôi eo hẹp nên mẹ là lao động chính gồng gánh nuôi cả gia đình với 5 miệng ăn. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả, bố thì biền biệt công tác xa nhà, tôi là con cả muốn bỏ học để đỡ đần mẹ, nhưng mẹ khóc và bảo: “Đời mẹ khổ, nhất định các con phải được học nên người”. Càng thương mẹ, anh em tôi càng phấn đấu học thật giỏi.
Năm 1986 cha tôi chuyển công tác vào đơn vị mới ở Vũng Tàu. Cả gia đình tôi lại lần nữa chuyển đến nơi ở mới với muôn vàn khó khăn. Thời gian lặng lẽ trôi như chứng kiến bao nhọc nhằn của cả gia đình. Năm 1993 đơn vị chia cho bố tôi một mảnh đất rộng 100m2, cha mẹ tôi vay mượn để làm nhà mới. Ngôi nhà dựng lên giữa một đống nợ nần.
Rồi khó khăn cũng qua khi cả ba anh em tôi lần lượt vào đại học, khi ra trường tôi đỡ đần mẹ nuôi em được một phần. Nhưng cũng đúng thời điểm được an nhàn và bớt khổ hơn thì mẹ tôi ngã bệnh. Tôi là một sỹ quan hải quân, con trai cả trong gia đình, vốn cứng rắn là thế mà đã phải khóc khi bác sĩ nói: “Mẹ em vừa bị sỏi thận lại bị suy tim độ 3, hẹp hở van tim hai lá, nghẹt van tim, phải mổ thay van tim thì mới sống được. Phải điều trị tim trước khi mổ lấy sỏi thận”.
Biết bệnh của mình, mẹ rất buồn nhưng bề ngoài cố giữ bình tĩnh sợ ảnh hưởng đến việc học tập của hai em tôi. Mẹ đã đề nghị bác sĩ được về nhà điều trị ngoại trú. “Điều quan trọng nhất bây giờ là việc học tập của các con. Mẹ không muốn vì mẹ mà các con xao nhãng việc học hành.
Gia đình tôi như nhà có đám. Cha con tôi bảo nhau bằng mọi cách phải cứu mẹ, dù có phải bán nhà. Nhờ sự giúp đỡ của anh em họ hàng, lối xóm, gia đình tôi vay được 45 triệu đồng. Ngày hội chẩn cuối cùng, mẹ vừa khóc vừa nói: “Mẹ có nguyện vọng là không mổ, vì nhiều người sau mổ sức khỏe yếu hơn và hai năm sau phải mổ lại”. Được các bác sĩ bệnh viện tư vấn và theo nguyện vọng của mẹ, bố con tôi đưa mẹ về uống thuốc nam, coi như tiền mổ dùng để uống thuốc.
Tháng 5/2004, bệnh suy tim biến chứng khiến mẹ bị nhũn não, người lệch một bên. Sau đó mẹ bị tắc mạch máu ổ bụng, hai chân tự nhiên cứ khô đi. Sau cuộc phẫu thuật, mẹ vĩnh viễn mất đi đôi chân lành lặn, từ đó làm bạn với chiếc xe lăn. Ba anh em tôi ra trường, có gia đình, giữa bộn bề lo toan cho công việc và tổ ấm, từ sâu thẳm lòng mình, chúng tôi vẫn dành tình yêu, sự quan tâm cho mẹ.
Đó là câu chuyện 6 năm về trước. Mùa Vu Lan năm nay, thêm một lần nữa tôi cảm nhận sự mất mát khi mẹ đã lìa xa gia đình tròn 6 năm. Mặc dù nỗi đau dịu dần theo dòng chảy của thời gian nhưng hình bóng mẹ, những điều mẹ dạy bảo thì không bao giờ phai nhạt. Mẹ đã cho tôi hành trang vào đời, hành trang ấy được chắt lọc từ bao khổ đau, trải nghiệm đầy nước mắt của mẹ, đó là đức hy sinh, lòng nhân ái, tình thương yêu và ý chí kiên cường, là niềm tin vào con người và cuộc sống. Để rồi mùa Vu Lan về, con lại càng thêm nhớ mẹ. Mẹ ơi!