Dùng mọi thủ đoạn để được tị nạn
Bài toán về di cư đang là một trong những vấn đề khó giải quyết đối với nhiều quốc gia, đặc biệt đối với nước Mỹ. Ngược dòng thời gian, vào tháng 5/2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định triển khai chính sách “không khoan dung” (Zero-tolerance) nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn.
Thống kê cho thấy trong suốt 6 tuần sau khi thực hiện chính sách này, đã có gần 2.000 trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị tách khỏi cha mẹ chúng hoặc những người bảo hộ. Điều đó làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của công luận Mỹ. Một cuộc khảo sát của đài CBS cho thấy 67% người Mỹ được hỏi đã bày tỏ sự phản đối chính sách của ông Trump.
Từng trả lời trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS, Thượng nghị sĩ Susan Collins nhấn mạnh chính sách này nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới những người di cư trái phép, nhưng đồng thời gây tổn thương tới những đứa trẻ vô tội và điều này đi ngược lại với những giá trị ở Mỹ.
Trước những phản ứng dữ dội của dư luận, ngày 21/8/2019, Chính phủ Mỹ công bố các quy định mới cho phép giới chức nước này tạm giữ các gia đình người di cư vô thời hạn trong khi đơn xin tị nạn của các gia đình này đang được xét duyệt.
Các quy định này sẽ thay thế cho một thỏa thuận pháp lý được thực thi từ năm 1997 (Flores Settlement Agreement) cho phép giới hạn thời gian các cơ quan nhập cư của Mỹ được phép tạm giữ trẻ em di cư trong vòng 20 ngày, đồng nghĩa với việc các gia đình có trẻ em cũng phải được trả tự do trong vòng 20 ngày.
Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về nhập cư. Ảnh: AFP |
Chính quyền Washington cho rằng thỏa thuận đó góp phần làm gia tăng làn sóng di cư tới Mỹ, đặc biệt là các gia đình Trung Mỹ và khuyến khích các gia đình mang theo trẻ em để có cơ hội được trả tự do sớm hơn khi đơn tị nạn của họ vẫn đang được xét duyệt. Thông thường, các gia đình di cư phải đợi vài tháng để tòa án xét duyệt hồ sơ xin tị nạn.
Quy định khi đó cho phép Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) tiếp tục tạm giữ những gia đình di cư cho tới khi tòa hoàn tất quá trình xét duyệt. Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kevin McAleenan (năm 2019) cho biết, quy định mới cho phép giới chức điều chuyển các gia đình bị tạm giữ tới những cơ sở phù hợp hơn và để các gia đình được tạm giữ cùng nhau.
Ông cho rằng những trường hợp được trả tự do đã gián tiếp khuyến khích các gia đình di cư mang theo trẻ nhỏ và Chính phủ Mỹ tin rằng quy định mới sẽ có tác dụng ngăn chặn tình trạng này.
Một số gia đình bị phát hiện có hành vi lừa đảo về quan hệ huyết thống với trẻ được mang theo sau khi tiến hành thí điểm chương trình thử ADN với một số người di cư.
Quan chức này cho rằng trẻ em không nên bị sử dụng như những “tấm hộ chiếu” để vào Mỹ.
Đi tìm giải pháp
Tuy vậy, vào thời điểm đó, Liên Hợp quốc khi đó đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại toàn bộ các chính sách di cư của nước này và tìm giải pháp thay thế việc bắt giữ trẻ em di cư.
Người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc, bà Shamdasani đã ghi nhận quyết định của Mỹ về việc dừng chia cắt trẻ em di cư khỏi bố mẹ. Tuy nhiên, cơ quan này hiểu rằng chính sách di cư của chính quyền Washington giờ đây sẽ chuyển thành bắt giam trẻ cùng với bố mẹ chúng. Bà Shamdasani nhấn mạnh không bao giờ nên bắt giữ một đứa trẻ do tình trạng di cư của bố mẹ chúng.
Có lẽ, từ những phản ứng gay gắt của dư luận về chính sách nhập cư của ông Donald Trump mà vào ngày 2/2/2021, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm cải tổ quy trình nhập cư của Mỹ, hủy bỏ những chính sách hà khắc trước đó của người tiền nhiệm Donald Trump.
Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó đã phê chuẩn đề nghị đưa trẻ em di cư không có người nhà đi cùng tới các căn cứ quân sự ở bang Texas trong bối cảnh số người di cư tại biên giới Mỹ-Mexico nhập cảnh vào nước này tăng mạnh theo chủ trương mở cửa của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngay trong 2 tháng đầu năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải tháo gỡ những thách thức liên quan đến người di cư dọc biên giới Mỹ-Mexico do chính sách siết chặt nhập cư của người tiền nhiệm Donald Trump.
Nhiều người đã dùng trẻ em như những “tấm hộ chiếu” để vào Mỹ (Ảnh minh họa). |
Thời điểm đó giới chức Mỹ đang tìm kiếm nơi ăn, chốn ở cho hàng nghìn trẻ em di cư không có người đi cùng, mà rất nhiều trẻ em trong số đó vẫn bị mắc kẹt tại các trung tâm biên giới giống như nhà tù trong trong khi chờ đợi bố trí nơi ở trong những khu nhà ở tạm hiện trong tình trạng quá tải.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/3/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử một đoàn công tác tới biên giới Mexico, đồng thời thừa nhận làn sóng trẻ em nhập cư vào Mỹ là vấn đề lớn cần giải quyết.
Tổng thống Joe Biden đã áp dụng những chính sách mềm mỏng về vấn đề di cư, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, những quyết định nới lỏng về vấn đề nhập cư của ông Joe Biden lại đưa vị tổng thống này vào thế khó.
Lời hứa về một chính sách nhập cư nhân đạo khiến Tổng thống Joe Biden bị chỉ trích khi số lượng người di cư vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ tăng đột biến, bất chấp hành trình dài và đầy nguy hiểm khi họ có thể trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hay tội phạm có tổ chức. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2021, hơn 100.000 người nhập cư tại biên giới với Mexico đã bị bắt giữ, trong đó có gần 9.500 trẻ không có người thân đi cùng.
Ông Joe Biden ngay khi lên nắm quyền cũng đã ngừng xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico và đề xuất luật giúp gần 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ được cấp quốc tịch.
Chính quyền cũng khởi động lại chương trình “Trẻ vị thành niên Trung Mỹ” cho phép trẻ em chạy trốn khỏi bạo lực ở El Salvador, Guatemala và Honduras nộp đơn ở nước sở tại để định cư ở Mỹ.
Đáng nói, dù mang ý nghĩa nhân đạo nhưng những quyết định trên của ông Biden lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía đảng Cộng hòa, những người cho rằng chính sách sẽ làm tăng mạnh số người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ và gây nên một cuộc khủng hoảng ở biên giới.
Tổng thống Biden thừa nhận “không có câu trả lời dễ dàng” cho thách thức trong vấn đề người di cư. Tuy nhiên, ông khẳng định ông không thể để trẻ em “chết đói và bị kẹt lại ở bên kia biên giới”. Ngoài ra, ông cũng cho biết, các gia đình có con nhỏ được phép ở lại Mỹ do Chính phủ Mexico “từ chối tiếp nhận họ trở lại”.
Mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng khó khăn nhất của ông Biden là sử dụng tiền của và quyền lực của Mỹ để hy vọng giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đã khiến người dân ở các nước Trung Mỹ di cư đến Mỹ, bắt đầu với nguyên nhân nghèo đói và bạo lực. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ mất nhiều năm hay nhiều thập niên.