Phần cực Bắc đất nước nằm trong Vòng Bắc Cực, trong khi khu vực phía nam chủ yếu là biển đảo, với khoảng 179.000 hòn đảo lớn nhỏ. Với đặc điểm địa hình đa dạng như vậy, chính phủ Phần Lan đặt nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học ngang tầm với chiến lược quốc gia về bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
Các loài bị đe doạ ở Phần Lan đều đang hồi phục
Đạo luật Bảo tồn Thiên nhiên đầu tiên của Phần Lan có hiệu lực vào năm 1923, đánh dấu mốc những nỗ lực bảo tồn đầu tiên của đất nước này nhằm bảo vệ các loài cá thể và các di tích, danh thắng tự nhiên, tạo tiền đề thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên. Đạo luật được sửa đổi vào năm 1997, quy định rõ ràng, toàn diện về nhiệm vụ bảo tồn đa dạng tự nhiên tại đất nước này.
Hiện nay, mạng lưới Natura2000 bao gồm 1.900 khu vực bảo tồn ở Phần Lan, có tổng diễn tích khoảng 5 triệu ha trên tổng diện tích 34 triệu ha của đất nước này. Mạng lưới bao gồm 37 khu vườn quốc gia, 19 khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt, 12 khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã và hàng trăm các khu bảo tồn khác tương ứng với các cảnh quan đầm lầy, biển, đảo, rừng, đồng cỏ ….. Hiệu quả quản lý các khu bảo tồn được đã được đánh giá hai lần theo Khung Hiệu quả Quản lý Khu Bảo tồn (PAME) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), lần đầu tiên vào năm 2007, lần thứ hai vào năm 2010.
Phần Lan bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên để bảo vệ đa dạng sinh học. |
Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Phần Lan là một trong những cơ quan thành lập IUCN vào năm 1948. Ngoài ra, 6 tổ chức thành viên IUCN của Phần Lan bao gồm: Bộ Môi trường, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Phần Lan, BirdlLife Phần Lan, Vườn thú Helsinki, Hiệp hội Thiên nhiên và Môi trường Phần Lan, và Cơ quan Động vật Hoang dã Phần Lan. Phần Lan là một trong những đất nước hỗ trợ tích cực nhất cho các chính sách bảo vệ đa dạng sinh học của IUCN.
Trong hàng trăm năm qua, nguyên nhân chính khiến một số loài sinh vật đã bị tuyệt chủng ở các nước Bắc Âu có thể kể tới sự thay đổi trong hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, ô nhiễm không khí và nguồn nước, và biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia châu Âu có số loài bị đe dọa thấp nhất, bất bao gồm thực vật, côn trùng, nấm, chim, v.v.
Phần Lan có khoảng 45.000 loài động vật và thực vật, chiếm 29% tổng số loài sinh vật được thống kê tại châu Âu, chiếm khoảng 3% tổng số loài sinh vật trên thế giới. Đến năm 2010, khoảng 21.400 loài đã được các cơ quan quản lý chuyên môn về môi trường theo dõi và đánh giá, phát hiện 10% trong số này nằm trong danh sách các loài bị đe doạ.
Sách đỏ các loài bị đe doạ Phần Lan cập nhật mới nhất năm 2019. |
Tuy nhiên, việc hạn chế săn bắn và các chính sách bảo tồn tích cực đã cải thiện số lượng của các loài sinh vật này trong những năm gần đây. Một nguyên nhân khác là hơn một nửa số lượng các loài đe doạ được tìm thấy sinh sống trong rừng, nên việc Phần Lan đẩy mạnh các chính sách bảo tồn và phát triển rừng đã tạo môi trường sống thân thiện cho những loài sinh vật này. Các công ty khai thác lâm nghiệp tại Phần Lan đều ý thức được và làm việc tích cực để đảm bảo sự tồn tại của các loài sinh vật trong khu rừng của họ.
Ví dụ cụ thể có thể ghi nhận, tất cả các loài động vật ăn thịt cỡ lớn ở châu Âu như gấu nâu, sói xám, linh miêu, chồn sói…. Các chuyên gia cũng phát hiện ra quần thể duy nhất và cuối cùng của loại hải cẩu đặc hữu của hồ Saimaa – loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, cũng đang xuất hiện tại Phần Lan.
Giám sát đa dạng sinh học: 96% nỗ lực ở công dân
Đa dạng sinh học được giám sát và quản lý như thế nào vốn là một câu hỏi khó, nhưng giới chức Phần Lan phải trả lời được câu hỏi này thì mới giải quyết được bài toán bảo vệ đa dạng sinh học và đạt được kết quả như hiện nay. Đáng nói, vào khoảng 14 năm trước, Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ cho một dự án có tên là EUMON nhằm thu thập tất cả các dữ liệu giám sát về loài và sự phát triển loài trong mọi hệ sinh thái tại châu Âu. Tuy dự án này đã không thể đạt hiệu quả như mong đợi.
Các nhà chuyên môn tại Phần Lan giải thích rằng, dữ liệu đa dạng sinh học tại nước này được thu thập từ ít nhất 10 nguồn khác nhau, bao gồm các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, khoa học công dân, ….
Do vậy, đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa các nguồn dữ liệu này. Tại Phần Lan, hay hầu hết tại các nước Bắc Âu, kiến thức chung của xã hội về loài đạt mức cao. Đồng thời, Internet và các phương tiện truyền thông đều sẵn có kho dữ liệu khổng lồ để cung cấp đủ các loại kiến thức về sự đa dạng sinh học để người dân có thể tự thu thập thông tin và thực hiện bảo tồn loài theo cách của mình.
Từ đó, mô hình “khoa học công dân” phát triển mạnh mẽ, hiểu đơn giản là những nghiên cứu khoa học được thiết kế để công chúng không chuyên có thể chủ động tham gia cùng tạo ra tri thức, hay ai cũng có thể tham gia làm khoa học.
Quần thể cuối cùng của loại hải cẩu đặc hữu của hồ Saimaa xuất hiện tại Phần Lan. |
Mặt khác, nói về mô hình quản lý các khu bảo tồn đa dạng sinh học cũng tương đối phức tập. Các nhà lập pháp Phần Lan đưa ra nhiều công cụ pháp lý để bảo vệ thiên nhiên, trong đó tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà một số khu vực bảo tồn sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn những khu vực khác.
Ông Petri Ahlroth, Giám đốc Trung tâm Môi trường Tự nhiên thuộc Viện Môi trường Phần Lan (SYKE), nhận định dù đã trải qua gần 100 năm, công tác bảo vệ đa dạng sinh học Phần Lan vẫn tồn tại rất nhiều thách thức. Đơn cử, công tác bảo vệ đa dạng sinh học thường rất tốn kém ngân sách, các mô hình giám sát và quản lý đều phải được thực hiện toàn diện và triệt để.
Chưa kể, nguồn nhân lực và vật lực cho công tác này lúc nào cũng thiếu thốn so với quy mô khổng lồ của hệ sinh thái. Trong khi đó, việc bảo vệ đa dạng sinh học sẽ hạn chế các cơ hội phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp trong một số cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có những xung đột phát sinh giữa các nhóm người khác nhau cùng chia sẻ nguồn tài nguyên rừng, ví như thợ săn, du khách ngắm cảnh, nhiếp ảnh gia chụp môi trường, các nhà nghiên cứu, …
Một vấn đề đáng đề cập là truyền thông thông tin về đa dạng sinh học đến cộng đồng còn cần cải thiện ở nhiều mặt. Các nhà khoa học có thể đưa ra nhiều dữ liệu hữu ích về hiện trạng đa dạng sinh học ở nước này nhưng cách thể hiện của họ còn quá cứng nhắc và hàn lâm, không thể tiếp cận đến đại bộ phận công chúng. Mặt khác, cũng có nhiều nghiên cứu khoa học đã được công bố chỉ ra những hành động khẩn cấp phải thực hiện ngay nhưng các cơ quan chức năng lại coi nhẹ những thông tin ấy và không hành động kịp thời.
Ngay cả tại các nước có trình độ dân trí cao như Phần Lan, công tác truyền thông trong xã hội để đẩy mạnh nhận thức của mọi người về đa dạng sinh học vẫn gặp nhiều thách thức. Lựa chọn bảo vệ đa dạng sinh học chính là lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai.
Công tác này cần sự tham gia xuyên suốt của toàn xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và nghiên cứu đến từng gia đình, cá nhân. Theo thống kê, hoạt động kiểm kê và giám sát của các cơ quan chức năng Phần Lan chỉ chiếm khoảng 4% và 96% nỗ lực còn lại thuộc về trách nhiệm của công dân.