Thật ra, ngoài Mỹ thì các nước thành viên của WTO đã nhất trí bầu bà Okonjo-Iweala làm người đứng đầu mới của WTO từ cách đây cả mấy tháng rồi. Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự phủ quyết người phụ nữ này và vì thế WTO bị khuyết lãnh đạo cao nhất trong thời gian khá dài, thậm chí cả tòa án trọng tài của WTO cũng bị tê liệt.
WTO có được người lãnh đạo mới nhờ có sự chuyển đổi chính quyền ở Mỹ từ ông Trump sang ông Joe Biden. Trong WTO, mọi quyết định đều phải được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối giữa tất cả các thành viên.
Bà Okonjo-Iweala là nhà kinh tế đã từng làm việc nhiều năm với trọng trách lớn trong nhiều tổ chức, thể chế tài chính và tiền tệ đa phương quốc tế. Trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo của người phụ nữ này là không có gì phải nghi ngờ. Ông Trump và cộng sự cự tuyệt sự ủng hộ cần thiết dành cho bà Okonjo-Iweala không phải vì cá nhân người phụ nữ này mà vì không ủng hộ WTO nói chung. Khác với những người tiền nhiệm và người kế nhiệm hiện tại, ông Trump luôn cho rằng WTO không phục vụ lợi ích của Mỹ mà phục vụ trước hết lợi ích của Trung Quốc và vì thế không những chỉ có bất lợi cho Mỹ mà còn gây tổn hại cho Mỹ.
Chính ông này đã không ít lần công khai tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi WTO. Trên thực tế, ông Trump không muốn WTO hoạt động thuận lợi, không muốn WTO gây dựng và phát huy vai trò đầu tầu và sự đảm bảo cho tự do hoá thương mại trong thế giới toàn cầu hóa.
Ông Biden trái ngược quan điểm với ông Trump về WTO vì chủ trương cùng các đồng minh như EU, Nhật Bản, Australia... dùng WTO để khép Trung Quốc và một số đối tác khác vào khuôn khổ và hành lang kinh tế đối ngoại quốc tế chung. Đúng là ông Biden muốn thông qua cách tiếp cận đa phương để khôi phục ảnh hưởng quốc tế của Mỹ và gây dựng lại vai trò dẫn dăt thế giới về chính trị cũng như kinh tế và thương mại, nhưng đồng thời cũng còn dùng cách tiếp cận này để đối phó và kiềm chế Trung Quốc.
Dù thế nào thì WTO hiện cũng có được cơ hội mới với người đứng đầu mới để tự chứng tỏ là không hết thời và lỗi thời mà vẫn rất quan trọng và cần thiết đối với thế giới. Đồng thời, người đứng đầu mới của WTO có cơ hội để thúc đẩy những cuộc cải cách về tổ chức, thể chế và định hướng hoạt động của WTO cho thời mới.
Bảo hộ thương mại, xung khắc thương mại, dịch bệnh toàn cầu, suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới, bảo vệ khí hậu trái đất, công nghiệp 4.0... đều là những vấn đề và thách thức hiện tại đối với WTO. Chúng đòi hỏi WTO phải cấp thiết cải tổ thật sự cơ bản và thực chất thể chế, phải nhanh chóng khôi phục hoạt động đầy đủ của tòa án trọng tài, phải đóng được vai trò chính và quyết định nhất trong cả việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình tự do hoá thương mại trên thế giới lẫn trong việc xử lý các tranh chấp và xung khắc thương mại song phương cũng như đa phương giữa các thành viên.
Ở thời mới này, sứ mệnh trước hết và cấp thiết hàng đầu của WTO là góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi dịch bệnh và khắc phục mọi tác động và hệ luỵ tiêu cực của dịch bệnh đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới. Người mới bây giờ nắm trong tay vận mệnh tương lai của WTO.