81 tuổi vẫn phải gạt tuyết nhặt rác
Tuyết rơi ngày một dày trên những con phố của thủ đô của Hàn Quốc. Hầu hết mọi người đều không ló mặt ra ngoài để tránh cái lạnh âm độ nhưng cụ bà họ Kim vẫn lầm lũi bước qua những con hẻm nhỏ để nhặt giấy vụn và rác. Đã 81 tuổi nhưng cụ vẫn phải làm công việc đó để kiếm sống. Mỗi ngày, cụ đều đặn “lượn” bộ quanh thành phố đến vài vòng, nhặt được khoảng 100kg rác. Với mỗi kg rác như vậy, cụ được trả 100 won (gần 0,09USD). Tức là, sau mỗi ngày làm việc cật lực như vậy, cụ kiếm được gần 9 USD.
Khoản tiền trên ở một số nơi có thể được xem là đủ nhưng lại là quá ít ở một trong những thành phố phát triển nhất và có mức sống đắt đỏ nhất ở châu Á. Và, hoàn cảnh của bà Kim cũng không phải là cá biệt.
Với khoảng 3 triệu người già ở Hàn Quốc đang sống trong cảnh đói nghèo, đây là cách mà nhiều người đang sống sót qua những ngày cuối đời. “Tôi làm việc vì tôi cần tiền để mua thuốc men và đồ ăn. Nếu đói quá, tôi cũng chỉ dám mua món gì đó rẻ tiền, uống nhiều nước cho đầy bụng rồi sau đó lại làm tiếp”, bà Kim cho hay. Mỗi bữa, bà chỉ dám ăn chưa đến 2 USD.
Theo một thống kê kinh tế của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có đến gần 1 nửa dân số già từ 65 tuổi trở lên tại Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói. 1/4 trong số họ sống một mình. Nhiều người phải vật lộn với nỗi cô đơn và trầm cảm.
Hiện nay, người già đang mới chỉ chiếm khoảng 13% dân số của Hàn Quốc nhưng theo các dự báo, con số này sẽ đạt mức 40% vào năm 2060. Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề nghèo đói ở người già nếu không được quan tâm xử lý đúng mức sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề với nền kinh tế và hệ thống phúc lợi của công dân Hàn Quốc.
Thế hệ cống hiến
Trong mấy thập kỷ qua, Hàn Quốc đã vượt qua hàng loạt những cuộc khủng hoảng, từ chiến tranh cho tới khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, để trở thành cường quốc công nghệ như hiện nay. Sự phát triển của nước này vẫn được xem là phép màu kinh tế. Theo Giáo sư Lee Ho-Sun tại trường Đại học Soongsil Hàn Quốc ở Seoul - người từng có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống phúc lợi cho người già ở Hàn Quốc, sự thịnh vượng của Hàn Quốc chính là “thành quả của những người chăm chỉ làm việc” mà nay đã thành những cụ ông, cụ bà.
Và đến nay, những người già đó vẫn không ngừng làm việc. Trên những đường phố ở thủ đô Seoul, không khó để thấy cảnh tượng những cụ ông tóc đã bạc trắng vẫn làm bảo vệ, những cụ bà làm nhân viên vệ sinh hay những người đi gom rác miệt mài làm việc ở quanh những tòa nhà cao tầng.
Đó chính là số phận của một “thế hệ bị lãng quên” - những người sinh ra quá sớm ở thời kỳ đất nước gặp khó khăn, lại quá muộn để có thể được tận hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế của đất nước khi những biến cố đã qua đi. “Tất cả mồ hôi và máu của họ đã giúp đất nước được như hôm nay nhưng giờ đây họ lại phải sống trong cảnh khổ sở”, Giáo sư Lee nói.
Nhiều người già tại Hàn Quốc tự ti và dằn vặt vì không giúp được gì cho con cái (ảnh minh họa). |
Hầu hết những người thuộc thế hệ này đều vẫn đang trong độ tuổi lao động khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tại Hàn Quốc, đẩy khoảng 2 triệu người vào cảnh thất nghiệp. Nhiều người khác lại trở thành nạn nhân của tình trạng chủ doanh nghiệp buộc lao động nghỉ hưu sớm để thay thế bằng những lao động trẻ hơn, giá rẻ hơn.
Trong khi đó, hệ thống lương hưu cho người già chỉ được áp dụng tại Hàn Quốc từ cuối những năm 1980. Mức trợ cấp hiện đang rơi vào khoảng 176 USD/tháng và không áp dụng với những người có con cái. Vì vậy, ở đất nước mà tuổi thọ trung bình của người dân là ngoài 80 tuổi, rất nhiều người già đã buộc phải tìm sinh kế. Trong một số trường hợp cùng cực, một số cụ bà thậm chí còn buộc phải bán dâm để kiếm sống.
“Tôi không muốn làm phiền chúng”
Theo ông Shin Sun Ho (quản lý của Hội hợp tác tình nguyện bạc - một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp các dịch vụ phúc lợi như bữa trưa miễn phí, hỗ trợ tài chính hoặc tư vấn cho người già ở thành phố Incheon), trên thực tế, phần lớn những người tìm đến tổ chức của ông thậm chí còn không liên lạc với con cái.
Điển hình trong số này có thể kể đến bà Yim (86 tuổi), cũng là một người nhặt rác như bà Kim. Sau khi gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên, bà Yim lưu lạc làm thuê trên khắp các trang trại ở Hàn Quốc. Sau khi kết hôn, chồng bà kinh doanh nhưng đều thất bại. Mọi gánh nặng nuôi 5 đứa con gần như đổ lên vai bà. Tuy nhiên, bà vẫn nuôi dạy con tử tế, cho các con đi học đại học.
Nhưng đến khi kết hôn, các con bà đều chuyển tới các thành phố khác sống. 3 năm trước, chồng bà qua đời, để lại bà một lần nữa lâm vào cảnh phải một mình xoay sở. “Các con gái của tôi thường hẹn nhau để đến cùng một dịp rồi tất cả lại cùng đi. Các cháu ngoại thì sợ phải đến thăm tôi. Chúng phàn nàn về việc nhà tôi có gián. Tôi thực sự rất cô đơn và chán nản”, bà cụ kể. Theo lời khuyên của một số người bạn, bà Yim bắt đầu đi nhặt rác để “đỡ chán”. Theo ông Shin, nhiều người già làm công việc nhặt rác viện lý do như vậy để tránh đề cập đến nguyên nhân thực sự: sợ trở thành gánh nặng cho con cái và những người xung quanh.
Một báo cáo do cơ quan thống kê Hàn Quốc thực hiện năm 2015 cho thấy có đến 58,5% người già ở nước này phải tự lo hết chi phí sinh hoạt trong khi 30% những người từ 65 tuổi trở lên vẫn phải làm việc. Một lý do khác được nhiều người đề cập, đó là nhiều người già tự ti với suy nghĩ rằng họ đã không làm được nhiều cho con cái nên không đáng nhận sự giúp đỡ. “Sao tôi có thể nói chúng hỗ trợ tôi khi cả tôi và chồng tôi không mang lại cho chúng được gì nhiều khi chúng còn nhỏ?”, bà Yim nói.
Theo ông Shin, chính sự tự dằn vặt này là nguyên nhân dẫn tới một vấn đề khác: sự xói mòn những giá trị xã hội truyền thống trong xã hội Hàn Quốc. “Không phải là thế hệ trẻ ích kỷ mà chỉ là chúng không được dạy văn hóa hỗ trợ xã hội. Vì vậy nên nếu cha mẹ với chúng rằng họ ổn thì chúng cũng nghĩ là mọi việc vẫn ổn”, ông này lý giải. Bà Yim cũng thừa nhận rằng bà đang chật vật với cuộc sống. “Các con gái nghĩ rằng tôi vẫn khỏe nhưng sau mỗi ngày làm việc về đến nhà, lưng tôi đau nhừ, cả người ê ẩm. Tôi chỉ nói tôi ổn vì không muốn chúng phải lo lắng”, bà nói.
Theo Channel News Asia, Hàn Quốc đã đưa vào triển khai chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn vào năm 2008 nhằm hỗ trợ những người già gặp khó khăn chi trả chi phí khám chữa bệnh nhưng theo quy định, những người muốn tham gia phải nộp đơn và phải khám sàng lọc trước khi được đăng ký. Vì quy trình phức tạp nên nhiều người không muốn tham gia, hoặc không biết đến sự tồn tại của những chương trình như vậy. Họ vẫn tự chăm sóc bản thân, cố dành ra một khoản nhỏ để lo hậu sự khi nhắm mắt xuôi tay.