Kế hoạch gây tranh cãi
6 ngày một tuần, 13 tiếng mỗi ngày, bà Chen Quingling (56 tuổi) cùng chồng dọn dẹp hành lang và nhà vệ sinh của một tòa văn phòng ở Bắc Kinh để nuôi sống bản thân và gia đình con trai của họ.
Trong khi những người bạn của ông bà dành thời gian nghỉ hưu để đi du lịch, tham gia các lớp học khiêu vũ, học về văn hóa trà và hội họa Trung Quốc, bà Chen không có tiền tiết kiệm hoặc lương hưu để sống những năm tháng tuổi xế chiều một cách thoải mái. Bà Chen chia sẻ: “Con trai tôi vẫn đang hồi phục sau chấn thương và con dâu ở nhà chăm sóc ba đứa con nhỏ. Nếu tôi không làm việc, ai sẽ nuôi 5 miệng ăn? Bố chồng tôi năm nay 89 tuổi mỗi lần đi khám ở bệnh viện cũng tốn nhiều tiền”.
Trong khi đó, cụ bà Gu Qunzhen (69 tuổi, nhân viên kế toán đã về hưu) bắt đầu ngày mới với một công việc ở khu chợ ở ngoại ô thành phố Thiên Tân (miền Bắc Trung Quốc), chồng bà năm nay 75 tuổi.
Bà Gu bị mờ mắt do đục thủy tinh thể. Căn bệnh này có thể dễ dàng điều trị bằng phẫu thuật nhưng bà đã từ chối. “Mọi thứ vẫn ổn. Tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ. Những người về hưu như chúng tôi nên sống đạm bạc và cố gắng tránh trả các hóa đơn y tế. Tôi đang tiết kiệm cho các con trai và cháu của mình...”, bà Gu chia sẻ.
Nỗi lo ngại của bà Gu hoàn toàn có cơ sở. Nguyên nhân được cho là trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc từ một nước nông nghiệp trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Số người cao tuổi ngày càng gia tăng và những đóng góp vào hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang ngày càng giảm đi.
Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố mới đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang già hóa nhanh chóng. Năm 2020, Trung Quốc có khoảng 263 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng dân số, theo điều tra dân số được công bố năm 2021. Cách đây 10 năm, con số đó là 178 triệu, tương đương 13,3% dân số.
Dân số trong độ tuổi lao động năm 2020 đã giảm khoảng 5% so với năm 2011. Khi người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí giảm, thì số người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 119 triệu người năm 2010 lên 191 triệu người năm 2020. Điều đó có nghĩa 13,5% dân số phải sống dựa vào quỹ phúc lợi năm 2020.
Với việc ngày càng ít người lao động đóng góp vào hệ thống lương hưu công cộng mà số người cao tuổi cần hỗ trợ ngày một tăng, quỹ hưu trí của quốc được dự đoán sẽ bị thiếu hụt trong hai thập kỷ tới. Viện Khoa học Trung Quốc (CASS) năm 2019 dự đoán rằng quỹ hưu trí thành thị của Trung Quốc sẽ cạn tiền vào năm 2035, buộc Chính phủ Trung Quốc phải đặt ra kế hoạch thay đổi.
Chính phủ đã thông báo kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu để giải quyết khủng hảng nhân khẩu học và tìm ra cách để những người cao tuổi có thể tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên mới chỉ là kế hoạch thôi nhưng vấp phải sự phản đối từ nhiều lao động, đặc biệt là những lao động từ nông thôn lên thành thị sinh sống và làm việc. Nếu kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu được chấp thuận, đối với họ việc nghỉ hưu dường như chỉ có trong tưởng tượng vì thiếu tiền tiết kiệm và mức lương hưu hạn chế.
Nỗi niềm của người già
Không chỉ vậy, sự bất bình đẳng giàu nghèo và lương hưu, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn, đã buộc nhiều người sắp đến tuổi nghỉ hưu ở các vùng nông thông Trung Quốc phải tiếp tục làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình.
Guo Youmi (55 tuổi, ở Datong, tỉnh Sơn Tây) cho biết: “Tôi đã lái taxi 20-30 năm và chưa bao giờ có kế hoạch nghỉ hưu. Tôi không nghĩ quá xa về tương lai. Bây giờ, tôi phải tiếp tục làm việc để có thể nuôi bản thân và dành dụm cho đám cưới của con trai”.
Hay bà Zeng Wenjing (65 tuổi, ở một ngôi làng tại Tứ Xuyên) nhận lương hưu hàng tháng 60 tệ. Sống với con trai và cháu gái ở Bắc Kinh, bà cho biết đã phải tiết kiệm cả đời. Zeng Wenjing không mua bộ quần áo mới nào cho bản thân trong thập kỷ qua. “Những người nông dân chúng tôi bị gạt ra khỏi mạng lưới phúc lợi xã hội, phải sống dựa vào đất đai và con cái khi về già. Giờ có lương hưu cũng tốt, nhưng chưa đủ. Tôi luôn nói với con trai phải tiết kiệm và tiết kiệm từng xu để chuẩn bị cho những ngày sau nghỉ hưu vì thu nhập sẽ thấp hơn đáng kể”.
Còn đối với trường hợp của ông Meng (48 tuổi) mong được nghỉ ngơi sau tuổi 60, nhưng thất vọng khi chính phủ muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Là nhân viên thực thi pháp luật cấp thấp ở thành phố Nam Xương (Giang Tây), ông Meng thường xuyên phải đuổi bắt những người bán hàng rong trái phép trên phố, nhiệm vụ khiến ông mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, trong khi mức lương rất khiêm tốn. Sắp bước vào tuổi ngũ tuần, Meng mong ngóng đến ngày về hưu để có thể nghỉ ngơi một cách thanh thản, dù có thể chỉ nhận được khoản lương hưu ít ỏi.
Bởi vậy, khi chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ tăng tuổi nghỉ hưu, Meng tự hỏi liệu với tình trạng thể chất của mình, ông có thể tiếp tục công việc trật tự đô thị này bao lâu nữa và liệu ông có bị sa thải trước khi đủ điều kiện nhận lương hưu hay không. “Thực lòng mà nói điều này cực kỳ bất lợi đối với những lao động cấp thấp”, Meng nói về thông báo tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ.
Không giống như nhiều nước phát triển, hầu hết người Trung Quốc dựa vào hệ thống lương hưu công. Bà Chen, ông Guo... hàng năm đóng một khoản tiền cho Bảo hiểm hưu trí mới cho nông thôn, một chương trình bảo hiểm xã hội của chính phủ được đưa ra vào năm 2009. Nhưng khi về hưu, họ sẽ chỉ nhận được chưa đến 100 tệ (16 USD)/tháng. Số tiền này không đủ chi cho 3 bữa ăn ở Bắc Kinh và gần như không đủ trang trải chi phí hàng tháng.
Ngoại trừ công chức và trí thức có tay nghề cao vẫn được thuê sau khi nghỉ hưu, không phải tất cả những người về hưu ở thành thị có thể thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là những người chỉ có một con.
Với anh Zhang Cheng (45 tuổi, giám đốc marketing tại một công ty Internet ở Bắc Kinh) cho biết, anh rất sốc khi nhận ra cuộc sống sau nghỉ hưu sẽ không như tưởng tượng. “Cuộc điều tra dân số giống như một hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi nghĩ mình sẽ có thể tiếp tục lối sống của tầng lớp trung lưu sau khi nghỉ hưu - đi xem hát, cắm trại với bạn bè vào cuối tuần, lái xe vòng quanh Trung Quốc và thi thoảng đi nước ngoài với con gái. Bây giờ nó có vẻ như là một giấc mơ không thực tế”, anh nói.
Zhang là trụ cột duy nhất của gia đình, chỉ dựa vào tiền lương để nuôi vợ và con gái 8 tuổi. Anh nhận lương 30.000 tệ một tháng (108 triệu đồng). Sau khi nghỉ hưu, Zhang phải sống dựa hoàn toàn vào khoản lương hưu chưa bằng một nửa lương hiện tại. “Tôi phải làm việc chăm chỉ hơn trước khi có quyền nghỉ hưu vì tuổi nghỉ hưu bắt buộc sẽ tăng. Có trời mới biết sự cạnh tranh sẽ mạnh mẽ thế nào khi 35 đã bị coi là già trong lĩnh vực internet của Trung Quốc”, anh nói.
Lương hưu trung bình hàng tháng ở Bắc Kinh là 4.365 tệ vào năm 2020, trong khi một viện dưỡng lão ở thủ đô tốn hơn 5.000 nhân dân tệ một tháng, không bao gồm chi phí ăn uống và y tế. Số tiền có thể nhiều hơn nữa nếu người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt. Zhang Jing(người sáng lập nền tảng giáo dục về hưu trí và lương hưu “80 yanglao”) cho biết, ngay cả ở các thành phố, nhiều người nghỉ hưu vẫn muốn làm việc vì họ không muốn làm gánh nặng cho con cái.