Chỉ 9% người Thuỵ Điển sử dụng tiền mặt
“Tôi có thể Swish cho bạn được không?” – câu nói đã trở thành một phần trong giao tiếp hàng ngày của Thuỵ Điển. Động từ “swisha” đề cập đến việc dùng ứng dụng điện thoại để thanh toán ngay lập tức các chi phí. Sự phổ biến của ứng dụng Swish được giải thích là do thói quen chia nhau hóa đơn khi đi ăn uống tại các quán bar, nhà hàng. Như một lẽ thường tình, một người trong nhóm thanh toán hoá đơn và những người còn lại sẽ chuyển khoản phần tiền của họ.
Nói về điều này, giáo sư Dân tộc học Ella Johansson của Đại học Uppsala cho biết: “Người Thụy Điển coi việc không rõ ràng tiền bạc và vay tiền là mối đe dọa lớn cho tình bạn. Khác với một số đất nước khác, chẳng hạn như Ý, mọi người sẽ tranh nhau trả tiền để duy trì mối quan hệ hữu nghị”. Từ nhiều năm nay, các quán cafe, cửa hàng và siêu thị đã áp dụng mã QR để khách hàng có thể thanh toán trực tiếp qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Tất nhiên, không chỉ vì sự phổ biến của ứng dụng Swish đã làm nên thương hiệu của Thuỵ Điển, chúng ta cũng phải nhắc đến xu hướng “chuộng” công nghệ và luôn cập nhật các phát minh mới nhất của người dân nước này. Người Thuỵ Điển luôn được mệnh danh là “những người thích nghi sớm”. Trên thực tế, đất nước này nằm trong những quốc gia đi đầu trong công cuộc công nghệ hoá hiện đại hoá ngành ngân hàng.
Máy rút tiền tự động đầu tiên của Thuỵ Điển xuất hiện vào tháng 7 năm 1967, chỉ một tuần sau khi chiếc máy đầu tiên trên thế giới được công bố tại Luân Đôn (Anh). Kể từ đó, đất nước này liên tiếp cho ra đời nhiều sáng kiến công nghệ giúp đơn giản hoá và tiện lợi hoá việc thanh toán.
Xu hướng xã hội thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhắc đến từ lâu trên thế giới. Tại Việt Nam, có lẽ phần lớn dân tài chính đều biết năm 2020 là năm cuối cùng sau 4 năm triển khai “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam” theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu của Đề án. Để cải thiện được điều này, đất nước ta có thể học hỏi được rất nhiều từ “xã hội không tiền mặt” đang tồn tại ở đất nước Thuỵ Điển.
Hầu hết người Thuỵ Điển đều sử dụng BankID – một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép người dùng lưu trữ các dữ liệu nhân thân và các tài khoản ngân hàng để truy cập vào tất cả các dịch vụ công cộng kỹ thuật số, ngân hàng trực tuyến. Thậm chí họ còn có thể ký hợp đồng qua ứng dụng này. Mật mã 6 chữ số hoặc việc sử dụng dấu vân tay trên điện thoại thông minh thực sự đơn giản hoá mọi thao tác đối với người dùng, giúp họ không phải nhớ nhiều mã và mật khẩu để truy cập các dịch vụ trực tuyến.
Hàng nghìn người trẻ Thuỵ Điển đã cấy vào tay của mình con chíp vi mạch. (Ảnh: Der Spiegel) |
Việc tiến tới một xã hội không tiền mặt cũng phải kể đến vai trò quan trọng của “fintech” hay “công nghệ tài chính”. Nhiều công ty fintech nổi tiếng quốc tế được thành lập tại Thụy Điển. Đơn cử như Klarna, một công ty khởi nghiệp về hệ thống thanh toán được thành lập vào năm 2005 với hơn 90 triệu khách hàng trên toàn cầu. Một ví dụ khác là iZettle, công ty chuyên sản xuất các thiết bị thanh toán thẻ giá rẻ, cho phép các nhà bán lẻ nhận thanh toán thông qua ứng dụng chuyên dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Hiện nay có thể kể đến Tink và Rocker (trước đây là Bynk) cũng đang “bùng nổ” và ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp hơn trong mảng fintech. Các ứng dụng thanh toán cũng liên tục được nâng cấp nhằm đơn giản hóa và tích hợp nhiều dữ liệu nhằm hướng tới xây dựng một “xã hội không dùng tiền mặt”.
Thậm chí có hàng ngàn người trẻ Thuỵ Điển đã lựa chọn cấy vào tay một con chíp vi mạch có thể lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau, từ ID, thẻ chìa khoá, vé tàu, đến thẻ ngân hàng để thanh toán không cần tới tiền mặt. Theo số liệu của ngân hàng trung ương Thụy Điển – Riksbank vào năm 2020, trong 10 năm, tỷ lệ người Thụy Điển sử dụng tiền mặt đã giảm từ 40% xuống còn 9%.
Việc sử dụng tiền mặt hầu như bao gồm một số khoản thanh toán nhỏ và đối tượng chủ yếu còn dùng tiền mặt là người cao tuổi. Tại các cửa hàng và quán cafe, người ta nhìn thấy các biển báo “Chỉ thanh toán thẻ” hoặc “Không tiền mặt” phổ biến hơn nhiều so với biển báo “Chỉ thanh toán tiền mặt” như ở nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam. Mặt khác, Thuỵ Điển còn là quốc gia có tỷ lệ mua sắm trực tuyến vào tốp đầu châu Âu. Khoảng 82% dân số nước này có thói quen mua hàng trực tuyến, theo Eurostat.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ một xã hội không tiền mặt. Ông Stefan (73 tuổi), một cư dân Thuỵ Điển, chia sẻ : “Khi tôi đến Systembolaget (cửa hàng bán rượu), tôi không bao giờ thanh toán bằng thẻ, vì tôi không muốn ngân hàng biết tôi chi bao nhiều tiền mua rượu”.
Một số ý kiến khác cho rằng thanh toán điện tử là một phương thức tốt để ngăn chặn rửa tiền, tham nhũng và các hoạt động tội phạm tài chính khác, nhưng việc cấy ghép chíp vi mạch lên cơ thể cần được cân nhắc kỹ càng hơn vì các lý do bảo mật thông tin cá nhân.
Nhiều chuyên gia Thuỵ Điển cho biết, có tồn tại một sự phân hoá rõ ràng trong xã hội không tiền mặt ở nước này, giữa nhóm người trẻ am hiểu công nghệ, dễ thích nghi với việc đổi mới các phương thức thanh toán và nhóm người cao tuổi, chậm thích nghi với xu hướng phát triển nêu trên.
Ví dụ như khi thanh toán vé xe buýt, người dân Thuỵ Điển ngày nay thường đặt mua vé qua ứng dụng Swish hoặc ngân hàng trực tuyến. Điều này rất tiện dụng với những người quen sử dụng điện thoại thông minh nhưng lại là rào cản đối với những người sở hữu điện thoại đời cũ hoặc không sử dụng điện thoại.
Một bộ phận người già ở Thuỵ Điển không đồng tình với xu hướng không tiền mặt. (Ảnh: BBC). |
Xu hướng xã hội không tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính đánh giá, hạn chế lớn nhất ở nước ta vẫn là hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, mặc dù đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Nguyên do thứ hai là thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể về việc thanh toán trong nền kinh tế hàng ngày, nhưng để Việt Nam hoàn toàn tiến đến toàn xã hội thanh toán không dùng tiền mặt như Thuỵ Điển sẽ còn là chặng đường dài.