Quyết định làm cha đầy xúc động
Một ngày đầu năm 2020, trời mưa rả rích, chị Nguyễn Thị L. (SN 1999, huyện Nghi Lộc) mang bụng bầu vượt mặt, tay bế đứa con nhỏ 10 tháng tuổi đứng trước cổng nhà anh Võ Đức Duẩn xin sự trợ giúp.
Theo lời kể của L. cách đây 7 tháng, người chồng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc). Sang bên đó không lâu, người chồng đã thay đổi tình cảm. Chị L. đã nhiều lần níu kéo chồng nhưng bất thành. Ngay cả đề nghị gửi tiền về để nuôi con của chị cũng không được chồng thực hiện.
Ngoài đau khổ chuyện người chồng bội bạc, chị còn có mối quan hệ xích mích với gia đình chồng. Không tìm được tiếng nói chung, một ngày cuối tháng 12/2019 chị L. quyết định bồng đứa con nhỏ ra đi.
Anh Duẩn trong buổi nhận cha con đầy xúc động |
Bỏ nhà ra đi với hai bàn tay trắng, cộng với bụng bầu đã gần đến ngày sinh nở và đứa con đầu mới 10 tháng tuổi khiến chị L. gặp muôn vàn khó khăn. Qua một số người bạn, L. biết đến ngôi nhà cưu mang những đứa trẻ của anh Duẩn nên tìm đến nhờ giúp đỡ.
Tại đây, nghe kể hoàn cảnh của mẹ con chị L. anh Duẩn đã đồng ý nhận cưu mang.
Nhận được sự giúp đỡ của anh Duẩn trong lúc khó khăn, chị L. đã không kìm được nước mắt. Người phụ nữ chỉ biết ôm con nhỏ khóc. Lần đầu tiên gặp gỡ nhưng bé trai 10 tháng tỏ ra dạn dĩ, nằm yên trong vòng tay cha nuôi của mình.
Trong xúc động, anh Duẩn chia sẻ về cơ duyên việc làm khác người của mình. Theo đó, anh và người vợ Vang Thị Hạnh (SN 1982) lấy nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Đã vài lần, chị Hạnh mang thai nhưng hai vợ chồng lại không có duyên với những đứa con ấy. Điều đó khiến hai vợ chồng buồn bã và càng mong muốn được nghe tiếng trẻ con trong ngôi nhà mình.
Sau một thời gian suy nghĩ, vợ chồng anh quyết định đi tìm những đứa trẻ bị bỏ rơi để nhận về làm con nuôi. “Quá trình đăng thông tin ấy trên mạng xã hội, tôi được một số người bạn chia sẻ đến những hoàn cảnh đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, gặp khó khăn. Thương các em phải chịu số phận bất hạnh nên chúng tôi không cố tìm cách đẻ nữa mà sẽ nhận cưu mang những đứa trẻ này”, anh Duẩn kể. Được sự ủng hộ từ vợ, người đàn ông trẻ càng tự tin hơn để thực hiện "công việc bao đồng".
Tấm lòng nhân ái
Mẹ con chị L. là thành viên thứ 4 trong ngôi nhà đặc biệt của anh Duẩn. Trước đó, anh Duẩn đã 2 lần nhận 2 đứa trẻ khác. Mỗi em đến với ngôi nhà anh có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung sự khổ cực và thiếu thốn.
Đứa trẻ đầu tiên mà vợ chồng anh Duẩn nhận về cưu mang là bé Hoàng Q. (8 tuổi, trú huyện Con Cuông, Nghệ An). Q. sinh ra trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, nhưng tuổi thơ của em không đầm ấm như bao đứa trẻ khác. Khi đứa trẻ này chào đời chưa được bao lâu thì bố mẹ em xảy ra xích mích. Người bố vì nghi ngờ Q. không phải là máu mủ của mình nên khước từ.
Mẹ Q. sau thời gian sinh sống ở quê cũng bỏ lại đứa con nhỏ cho bà ngoại nuôi, ra các tỉnh phía bắc tìm công việc rồi lập gia đình mới. Thiếu vắng tình thương của bố mẹ nên đứa trẻ ấy chịu nhiều thiệt thòi, người gầy ốm, còi cọc.
Chị Hạnh là giáo viên tại xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông) vô tình biết đến hoàn cảnh của em Q. nên đã xin nhận làm con nuôi. Việc ăn học và sinh hoạt hàng ngày của đứa trẻ này đều do vợ chồng anh Duẩn chăm sóc, quản lý.
Không lâu sau, qua bạn bè, anh Duẩn biết đến trường hợp của người mẹ trẻ khác, quê Nghệ An nhưng đang sống ở Đà Nẵng. Cô vào thành phố Đà Nẵng theo học đại học, mang thai ngoài ý muốn khi chưa tốt nghiệp nên có ý định bỏ đứa trẻ đi. Nhận được sự động viên của người đồng hương, cuối cùng cô quyết định giữ lại cái thai trong bụng.
Cuối tháng 10/2019, nữ sinh viên sinh một bé gái bụ bẫm. Vợ chồng anh Duẩn đã bắt xe vào Đà Nẵng để nhận đứa trẻ về nuôi. “Lúc đó, đứa bé mới chỉ 4 ngày tuổi, người đỏ hỏn. Tôi có đề nghị người mẹ cùng về Nghệ An để ở với con mấy ngày. Tuy nhiên, khi về đến Ga Vinh, người mẹ ấy đã bỏ đi đâu không ai rõ”, anh Duẩn cho biết.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh đối với anh Duẩn vô cùng vất vả và nhiều bỡ ngỡ. Vì vợ lên miền núi dạy học, chỉ cuối tuần mới về nên một tay anh Duẩn lo cho bé. Không chỉ tìm sữa cho con, anh còn phải học cách thay tã, hát ru mỗi khi đứa trẻ này uốn khóc. Nhiều đêm anh thức trắng...
Vợ chồng anh đặt tên ở nhà cho bé là Dâu tây. Vất vả là vậy, nhưng anh chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Hàng ngày được chứng kiến bé Dâu tây vui chơi, cười đùa, mọi khó khăn trong anh được vơi đi phần nào. Đó cũng là động lực để vợ chồng anh làm việc, kiếm thêm kinh phí để lo cho các con.
“Ngôi nhà của những đứa trẻ”, sẽ sẵn sàng cưu mang nhưng đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hay có hoàn cảnh khó khăn không kể dân tộc, vùng miền. Những đứa trẻ này sẽ được tôi lo các thủ tục về pháp lý, đồng thời cho ăn học, dạy bảo nên người", anh Võ Đức Duẩn chia sẻ.
Cũng theo anh Duẩn, trường hợp bố mẹ các em có xin lại con, vợ chồng anh sẵn sàng đồng ý với điều kiện họ phải có đủ kinh tế và sức khỏe để nuôi đứa con đó.
"Tôi thực hiện công việc này xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện và mong muốn cho những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn có tương lai tươi sáng hơn. Rất may việc làm của tôi được vợ và anh em bạn bè ủng hộ. Đó là nguồn động viên lớn để tôi vượt qua những khó khăn ban đầu”, anh Duẩn nói.