“Mình mất 10 ngàn còn tiếc”
Chiều 5/2/2015, sắp đến Tết Nguyên Đán, anh Thanh đi đến huyện Cam Lộ lấy tiền công làm gỗ tràm thuê. Tới đây do ông chủ vắng nhà, trời lại mưa lớn nên anh đành ở lại đợi.
Sáng sớm hôm sau, khoảng 5h30, anh chạy chiếc xe máy “cà tàng” về nhà, đi được hơn chục cây số đến địa phận thôn Cồn Tiên (xã Hải Thái, huyện Cam Lộ) thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đường vắng, anh Thanh thấy một cái ba lô nhỏ màu đen nằm giữa đường. Quan sát xung quanh cũng không có ai nên anh đem cái túi về nhà.
Anh kể: “Lúc đó, tôi cũng sợ vì không biết trong đó đựng thứ gì. Trong đầu tôi nghĩ ra đủ thứ nào là xác hài nhi, lựu đạn hay đồ khủng bố. Nhưng lại thấy túi còn mới, khá đẹp, mang về đựng áo quần thì nhất, đồng thời lúc đó không có vật gì để mở khóa, cũng chẳng thấy ai đi lại nên tôi mới đưa về nhà”, anh kể.
Anh Thanh cùng các con phải lấy thanh sắt mở khóa mở ba lô, bên trong có 3 sợi dây chuyền kim loại, một lắc vàng, một áo dạ nữ màu nâu còn mới, một máy ảnh, bốn cuốn sổ tay, một cuốn kinh thánh, bút viết cùng hộ chiếu mang tên Doron, sinh ngày 14/6/1993, quốc tịch Israel.
Anh Thanh nhiều lần nhặt được của rơi đều trả lại. |
Anh vui vẻ: “Khi mở ra, tôi phát hoảng vì có nhiều thứ bên trong. Mấy đứa con tôi thấy dây chuyền đẹp đều xin cha cho con đeo, nhưng nhìn kỹ nghi đó là vàng nên tôi liền thu lại. Đó là một tài sản lớn mà cả gia đình nằm mơ cũng không thấy. Tôi không đắn đo quyết định nhờ con rể chở lên UBND xã Gio Sơn để trả lại cho người mất”.
Số vàng anh Thanh nhặt được ước tính hơn 20 triệu đồng. Ông Đỗ An Chung (Chủ tịch UBND xã Gio Sơn) cho biết: “Ngày 9/3, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đã trao bằng khen và biểu dương anh Thanh trước toàn dân vì có thành tích nhặt được của rơi trả cho người bị mất”.
Giải thích lý do cứ nhặt được của rơi là trả lại, anh Thanh kể: “Tôi từ lớn đến bé chưa hề bị mất tài sản nào. Đứa con gái có lần mất 10.000 đồng vào năm 2013, mọi người đều tiếc đứt ruột. Mất ít như vậy mà đã buồn cả nhà, huống gì là một số tiền lớn, nên lượm được của rơi là tôi trả lại”.
Sau vụ nhặt vàng vào ngày 6/2, hai ngày sau, trong lúc chở vợ đi chợ, anh Thanh lại nhặt được một chiếc điện thoại “xịn” của một người ở thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh). Anh Thanh liền liên lạc với những số điện thoại có trong danh bạ để tìm “khổ chủ” trả lại.
Trước đó, năm 2013, tại xã Hải Thái (huyện Gio Linh), anh cũng nhặt được một cái ví có 4,6 triệu đồng. Anh vào quán nước kể chuyện, có khá nhiều người tới xin nhận lại, nhưng anh hỏi số tiền, số giấy tờ trong ví thì không ai nói đúng.
Sau, có một người đàn ông khoảng 40 tuổi, đi xe tay ga biển số TP.HCM nói đúng mọi thứ trong ví nên anh trả lại cho ông. Ông ta cảm kích đưa cho anh Thanh 1 triệu, nhưng anh chỉ lấy 100 nghìn trả tiền nước cho mọi người ở quán.
Chị Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi, vợ anh Thanh) nét mặt đầy tự hào kể tiếp: “Hè năm 2014, tôi cùng chồng đi làm ở thị trấn Bến Quang (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đi giữa đường, chúng tôi nhặt được một túi đựng hồ sơ bệnh án, một bao ni long bên trong đựng tiền.
Đoạn đường rất vắng, chúng tôi đi một đoạn thì có người hỏi: “Anh chị có thấy cục tiền tôi rớt không”? Anh Thanh nói luôn: “Ừ! Mới lượm được”.
Mở túi ra có 9 triệu đồng, chúng tôi vui vẻ trả cho họ, đó là tiền người ta mang vào Huế chữa bệnh cho mẹ. Nếu chúng tôi nói dối không trả lại chắc cũng không ai biết, nhưng họ sẽ khổ lắm đây. Tôi rất tự hào về chồng”.
Hỏi những lần nhặt được của rơi đó có được khen thưởng không, anh Thanh cười xòa: “Nhặt xong tôi đưa lại họ liền. Đến cái tên của họ tôi cũng không biết nên chính quyền địa phương cũng không biết mà khen. Ngoại trừ người dân ở những nơi tôi lượm được thì họ đều biết tôi cả. Người ta không may làm rơi, mình đem trả lại thôi. Chuyện có to tát chi mô. Ai nhặt được chắc cũng làm như tôi thôi mà”.
Việc làm của anh Thanh đã được UBND huyện Gio Linh khen ngợi. |
15 năm liên tục hộ nghèo
Nhà anh nông dân “chê” vàng nằm ở chân núi, xung quanh bạt ngàn cao su. Phóng viên đến nhà đúng lúc có người tới đòi nợ vợ chồng anh Thanh vì khoản vay nặng lãi để mua thuốc trừ sâu từ lâu.
Vợ chồng anh trước sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 1996 mới về đây. Từ năm 2000 đến nay, nhà anh Thanh đều thuộc diện hộ nghèo, còn được xây nhà tình nghĩa vào năm 2006.
Không có vườn, hàng ngày anh Thanh lên rừng khai thác tràm cho người ta, còn vợ đi mua lá chuối về bán, thu nhập bấp bênh. Hiện anh chị còn nợ ngân hàng 21 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh, Ban công tác mặt trận thôn Lạc Sơn, cho biết: “Gia đình anh Thanh rất nghèo, đến nỗi dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi chỉ có hai đòn bánh tét của hàng xóm cho, mứt gừng hay hạt dưa cũng không có. Mới đây, Chi hội phụ nữ của thôn đã cho vợ chồng anh vay 1 triệu để sửa lại căn nhà dột nát. Họ tuy nghèo nhưng hòa thuận, luôn đạt gia đình văn hóa của thôn. Mong vợ chồng anh mau đỡ bệnh tật để vượt qua giai đoạn khó khăn này”./.