Bà Dinh nói, cũng giống như cuộc sống ngoài nội cung, món mứt gừng là cái hồn không thể thiếu trong ba ngày tết ở chốn hoàng cung. Nhưng so với “ngoài dân gian”, món mứt gừng trong cung khác biệt ở chỗ, cung nữ không xắt gừng thành từng lát mỏng mà để nguyên cả củ, dùng kim thợ may tỉ mẩn xăm, ngâm và rất nhiều công đoạn khác, để đến khi lên đĩa, dù vẫn nguyên củ nhưng độ cay nồng lại dịu nhẹ, tinh tế.
Ngoài mứt gừng, trong cung ngày tết có đủ các loại mứt, bánh in làm từ nguyên liệu dân dã như bí đao, hạt sen, quất... tất cả những nguyên liệu này được chọn lọc từ những vùng quê lân cận như Thủy Biều, Thủy Dương, Phú Mậu… Rồi thì bánh chưng, bánh tét - hai vật phẩm dâng cúng không thể thiếu, bởi theo quan niệm của các vua, bánh chưng là loại bánh truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên… Bao giờ mâm cỗ mứt, bánh cũng được bày biện xong trước thời khắc giao thừa thiêng linh, kịp để vua đến kính cẩn quỳ lạy, làm lễ, thắp hương dâng lên tiên tổ.
Sau lễ cúng giao thừa thành kính, không gian Đại Nội và cả Kinh thành Huế bừng lên bởi một trời pháo hoa lộng lẫy, kéo dài cả giờ đồng hồ. “Ngày xưa, thợ làm pháo hoa răng mà giỏi, bắn lên con rồng, con phụng, cờ bay phấp phới, khéo lắm”, mắt bà Dinh lấp lánh cảm xúc. Thời đó, dân chúng tập trung tại Ngọ môn vào thời khắc chuyển giao để ngắm pháo hoa, và coi đó như một đại tiệc hân hoan trời đất, rạo rực lòng người.
Bữa tiệc diễn ra trưa mùng Một Tết là thời khắc những người trong Hoàng gia, các quan trong triều nôn nao chờ đợi nhất. Với họ, ý nghĩa bữa tiệc không chỉ là được thưởng thức các món ăn ngon, lạ, vương giả mà được hưởng ân huệ vua ban. Theo bà Dinh, vua Khải Định vốn tính nghiêm nghị nên trong bữa tiệc thết đãi quần thần, vợ và con cũng không được ngồi cùng mâm với Ngài. Mâm của hoàng thái hậu, của vua, của hoàng hậu, hoàng tử… các đại thần đều riêng biệt. Nhưng đến đời vua Bảo Đại, do ảnh hưởng văn hóa phương Tây, bữa tiệc thết đãi trưa mùng Một tết cũng là bữa cơm quây quần của Ngài cùng mẹ, vợ và các con.
Đặc biệt, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường ăn đồ tây nên đầu bếp của nhà vua cũng phải giỏi nấu món ăn Tây. Điều mà bà Dinh tâm đắc nhất là vua Bảo Đại dù quen lối sống phương Tây nhưng các lễ cúng trong cung được vua thể hiện rất trang trọng, đặc biệt là lễ vật cúng phải hội đủ các yếu tố tượng trưng cho từng vùng miền.
Kiên Thái Vương là phủ duy nhất ở Cố đô nằm ngoài Hoàng thành có đặt bàn thờ của: Khải Định, Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và tới năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại. Số phận của 5 vị hoàng đế nay nhắc lại thấy thương cảm bởi cháu ngoại chẳng còn ai, đằng nội thì sang nước ngoài hết sạch nên bà Dinh tự biết bổn phận của mình phải dốc lòng hiếu thảo dù sức lực cũng đang ngày một cạn kiệt.
“Khổ thân các ngài. Cứ mỗi lần đến ngày giỗ chỉ mỗi thân già này lo bày biện, sắp xếp lễ vật, tuy không đủ đầy như ngày trước nhưng cũng làm ấm lòng tiên tổ. Nếu các ngài linh thiêng thì cũng hiểu mà thông cảm cho tui thôi”, bà Dinh nói trong thở dài và có phần day dứt.