Hạnh phúc chẳng tày gang
Sinh ra tại quê ngoại Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), gia đình nghèo khó nên ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1960) chỉ học đến lớp 7 (hệ 7/10) rồi đi làm thuê, làm mướn phụ giúp cha mẹ. Bươn chải đủ mọi nghề, cậu bé Lượng ngày nào đã trở thành một chàng lực điền với vóc dáng khỏe khoắn, siêng năng, cần cù gấp hai, gấp ba lần người khác. Duyên đến, anh Lượng gặp gỡ và cưới chị Trần Thị Hường, một cô thợ may thùy mị, nết na. Hạnh phúc tưởng chừng trọn vẹn khi anh chị lần lượt sinh 4 người con trai: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Văn Linh.
Nhưng tai họa đột nhiên ập xuống gia đình. Bà Hường sơ suất bị ngã khi đang mang thai. Vợ chồng ông bà mất đi một đứa con... Quá đau xót, bà Hường đổ bệnh rồi biến chứng thành tâm thần phân liệt. Bà cứ lẩn thẩn, lúc nhớ, lúc quên. Có những lúc bệnh nặng, bà gào thét rồi đập phá hết đồ đạc trong nhà. Mọi gánh nặng dồn lên đôi vai gầy của ông Lượng. Một mình ông cáng đáng mọi việc trong - ngoài, vừa chăm vợ bệnh tật, vừa lo cho bốn con ăn học đến nơi đến chốn.
Chuyển nhà vào quê nội ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị từ năm 1995, ban đầu ông thuê vài mảnh ruộng nhỏ để trồng trọt. Nhưng chỉ trông vào vài mảnh ruộng thì chẳng đủ để nuôi các con ăn học nên ông mạnh dạn thuê những mảnh ruộng hoang rồi tự tay cải tạo, canh tác. Thời gian qua đi như gió thoảng, đến nay ông đã có 4 mẫu ruộng, một đàn gà gần trăm con, một chuồng lợn gồm 30 con cả thịt lẫn nái, 2 trâu cày… Ông còn giúp bà con xóm làng con giống và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.
Tấm lòng cao cả của người cha
Nhìn lại những năm tháng đã qua, ông Lượng cười hiền: “Cái số tôi cực khổ từ xưa đến giờ rồi. May mà các con của tôi thương bố mẹ nên chăm ngoan, học giỏi cả. Cứ nghĩ tới con là tôi như hết buồn phiền, mệt nhọc. Tôi tự nhủ phải cho con học hành đến nơi đến chốn, các cháu phải có kiến thức thì mới làm được việc lớn”. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, bốn người con trai của ông Lượng đều chăm làm, chăm học. Các con ông Lượng nức tiếng trong vùng bởi thành tích học tập xuất sắc.
Người con đầu của ông Lượng là Nguyễn Văn Tuấn đang là sinh viên năm thứ 2 ngành Cơ khí động lực học, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tuấn chia sẻ: “Chúng em luôn động viên nhau học đạt kết quả cao để làm vui lòng bố mẹ và cũng là để có được tương lai tươi sáng hơn. Chúng em thay phiên nhau giúp bố từ cắt cỏ cho trâu ăn đến mở nước vào kênh mương. Làm được việc gì là chúng em đều cố làm”.
Người con thứ hai, em Nguyễn Văn Anh vừa thi đỗ vào hai trường đại học: Học viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội với 25 điểm và ngành Y đa khoa Huế (ĐH Huế) với 24,5 điểm. Các bạn cùng trang lứa ai cũng trầm trồ thán phục khi nhắc đến em. Con trai thứ ba, em Nguyễn Văn Khánh đang học cấp 3, luôn là học sinh xuất sắc của trường. Em mới đạt giải ba Học sinh giỏi của tỉnh môn toán.
“Tôi phải chắt chiu từng hạt gạo để nuôi các con ăn học. Tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày thôi” - ông Lượng chia sẻ. Nói về ông Lượng, chị Phương hàng xóm thân thiết của gia đình cho biết: “Mọi người trong vùng ai cũng nể phục anh Lượng một mình nuôi bốn đứa con trai ăn học đàng hoàng, lại còn chăm sóc vợ ốm đau. Anh ấy là người chồng, người cha tốt”.
… Ông Lượng lại quày quả ra đồng dù nắng chang chang quyện với gió Tây Nam ào ạt khiến không khí buổi trưa càng oi nồng. “Nắng thế này, nước ngoài đồng đã khô cạn, trơ đất nứt nẻ. Tôi phải kiểm tra hệ thống kênh mương thường xuyên để lúa không một giờ thiếu nước” - ông cho biết.
Ông Lượng hiện là Phó Bí thư chi bộ, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh. Ngoài việc nhà, ông luôn làm tròn trách nhiệm được người dân giao phó. Thái độ nhiệt tình với công việc và dáng tất tả trên đường của ông như minh chứng câu nói của ông Nguyễn Đăng Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhĩ Trung: “Dù “gồng mình” chăm sóc người vợ bị tâm thần phân liệt và nuôi bốn người con ăn học, anh Nguyễn Văn Lượng vẫn luôn là một cán bộ mẫn cán, tâm huyết với công việc chung, được người dân tin yêu. Anh là tấm gương của người dân thôn chúng tôi!”.