Tuổi thơ cơ cực
Căn phòng trọ chưa đầy 10m2 tại xã Xuân Thới Sơn chính là nơi trú ngụ của 8 con người bất hạnh. Căn phòng tuềnh toàng, không quạt máy, không giường chiếu. Người đàn bà thân hình khô quắt, khuôn mặt thiếu sức sống khắc khổ mở lời: “Tôi mới đi tìm thằng cháu bị thần kinh về. Ngày nào nó cũng đi từ 5h sáng, lang thang khắp nơi”.
Sinh ra tại Thừa Thiên Huế, bà Hương là chị cả trong nhà có 6 anh chị em. Cuộc sống cơ cực đeo bám từ những ngày lọt lòng. Khi cô bé Hương 13 tuổi, bố mẹ dắt díu 6 người con vào mảnh đất Cà Mau lập nghiệp mong ước thoát được cái nghèo.
Thế nhưng không như những lời bàn tính ngon ngọt của người cha, sau khi bán hết nhà cửa, người cha bội bạc đã mang hết số tiền đi theo một người phụ nữ khác. Bà Hương nhớ lại tuổi thơ cơ cực:
“Đời mẹ tôi khổ lắm. Ngày ngày với đôi quang gánh trên vai bà đi khắp nơi bán chè, xôi dạo. Chỉ mong kiếm được miếng cơm cho chồng con, thế mà bà lại gặp phải người đàn ông tàn ác như ba tôi. Tôi còn nhớ có lần ba đánh mẹ, ông lấy tóc quấn quanh cổ mẹ rồi cứ thế đập đầu bà xuống nền gạch. Khi đó chúng tôi còn nhỏ, chỉ biết đứng nhìn mẹ đau đớn rồi mấy chị em ôm nhau khóc thét”.
Nơi đất khách quê người, 7 mẹ con không có một chỗ dung thân, dắt nhau lang thang khắp nẻo đường tiện đâu ngủ đó, ngày ngày đi xin từng miếng ăn. Là chị cả trong nhà, gánh nặng nuôi 5 đứa em từ sớm đã đè lên đôi vai nhỏ yếu ớt. Ngày ngày đứa trẻ đã phải đi gánh nước thuê cho người ta, đến từng nhà xin giặt thuê quần áo, quần quật từ sáng đến tối.
Lớn lên trong nỗi thống khổ, cô bé cũng đến tuổi cập kê. Trong những lần đi nhặt ve chai, cô gái được một người phụ nữ trong xóm nhắm cho em trai của mình. Niềm vui chưa được bao lâu thì người chồng trở nên đổ đốn, rượu chè, cờ bạc, đánh đập vợ. Tủi nhục, người vợ trẻ bế đứa con gái mới 3 ngày tuổi lẳng lặng trốn về nhà mẹ đẻ.
Cả nhà người tật nguyền, người bạc mệnh
Trong ký ức bừa bộn, rách bươm của bà, hầu như mỗi cái tên người thân là một nỗi đau thắt ruột. Tai ương bắt đầu ập xuống khi gia đình bà phải gánh chịu cái tang của người em trai. Trong một đêm mưa, người em câm điếc bị xe cán chết khi chạy tìm các con đang lần dò ăn xin trên đường phố Cà Mau.
Bà Hương kể: “Ngày biết tin em trai mất, trong nhà không có đồng nào để lo ma chay. Túng quẫn, tôi phải chạy vạy đi vay 50 triệu đồng mua quan tài, miếng đất để chôn em. Bà con lối xóm cũng giúp được ít, nhưng chẳng thấm vào đâu. Trên bàn thờ nó chưa một lần được đặt những món ngon”.
Người em dâu bị bệnh tâm thần, giờ thêm cú sốc mất chồng nên bệnh tình ngày một trầm trọng rồi bỏ đi biệt tích. Hai vợ chồng họ để lại cho bà Hương “tài sản” là 6 đứa con nheo nhóc, đứa lớn năm nay chỉ mới 14 tuổi. “Sẩy chân theo chú, sẩy mẹ bú dì”, thương sáu đứa nhỏ mồ côi, thiếu phụ nghèo khổ dang tay bao bọc, “hạt muối chia đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Nặng chỉ 25 kg, nhưng đã nhiều lần bà Hương bán máu nuôi cháu |
Bà Hương làm việc quần quật cả ngày, nhưng vẫn không đủ nuôi mấy đứa trẻ. Nhìn mấy đứa cháu nheo nhóc, cả ngày khóc lóc vì đói, trái tim bà cứ như thắt lại. Rồi bà quyết định dắt díu người mẹ già và 6 đứa nhỏ lên Sài Gòn mưu sinh. Người phụ nữ gày gò, nhỏ thó đi trước, phía sau là đàn cháu cùng người mẹ già, xin từng miếng ăn, nằm co ro đầu đường góc chợ. May sao trong một lần đi ngang xã Xuân Thới Sơn, thấy cảnh thương tâm của bà, một người dân ở đó đã cho gia đình bà tá túc.
“Thấy tôi dẫn theo mẹ với 6 đứa cháu quần áo rách bươm, ai đi đường cũng quay lại nhìn rồi nói “dẫn nhau đi đâu mà đông vậy”. Chủ trọ thương tình nên không lấy tiền, còn cho nhà tôi mấy cái nồi, bếp ga. Cả đời này tôi nhớ mãi ơn họ”, bà Hương chia sẻ.
Tai ương nối tiếp, sau sự ra đi của người em trai, bà Hương lại gánh chịu nỗi đau đứa con gái 24 tuổi qua đời. Ngồi ôm tấm di ảnh con gái, bà khóc ân hận: “Giá như tôi có tiền cữu chữa cho con thì nó không chết tức tưởi như thế. Một lần nó đi làm khuya về, không may bị xe đụng, đập đầu xuống đường rồi bất tỉnh. Người đi đường đưa con bé vào bệnh viện thì bác sĩ nói nó có cục máu đông trong đầu, phải nhập viện mổ. Khi đó trong người tôi không có đồng nào, hai mẹ con phải trốn viện về.
Con gái bà Hương vì không tiền chữa bệnh nên tử vong |
Mấy ngày sau nó bị co giật liên tục, van xin tôi: “Mẹ mượn tiền cho con chữa bệnh, rồi sau này con khỏe con nuôi mẹ”. Thế mà chưa kịp lên đến bệnh viện thì nó đã mất. Trước lúc mất nó còn dặn tôi: “Nếu con chết, thì mẹ chôn chứ đừng thiêu con nóng lắm”.Nhưng tôi không có tiền nên đành cắn răng thuê người ta 2 triệu đem con đi thiêu. Thấy lửa cháy trên người con mà tôi muốn chết theo nó”.
Cùng quẫn bán máu nuôi cháu
Sau ngày con gái mất, bà vật vờ như chiếc bóng đi ra đi vào. Nhưng vì thương mẹ và lũ cháu khờ dại, bà “chôn cất” nỗi đau của mình để lăn xả vào đời kiếm miếng cơm. Những đồng tiền chắt chiu từ công việc tạp vụ ít ỏi, bà dành trả món nợ mượn làm đám tang, mua đất chôn em. Lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ mấy chục triệu như dây thòng lọng lửng lơ trước mặt bà. Bữa ăn của gia đình họ đạm bạc, chỉ có chén xì dầu cắt ớt và bột ngọt trộn cơm. “Tôi ước gì có được miếng thịt cho mấy đứa cháu ăn”, bà nghẹn ngào.
Bao phen đến bước đường cùng, người phụ nữ với thân xác khô quắt nặng chưa đầy 25 kg vẫn đến bệnh viện “cầu xin” được bán máu đem tiền về nuôi cháu. Gần hết đời người, bà chưa một ngày được thảnh thơi. Túng quẫn vì miếng ăn của 6 đứa cháu, giờ đây trên vai bà lại thêm gánh nặng bệnh tật của người mẹ già đang nằm bệnh viện. Không thể bỏ việc chăm mẹ, bà Hương giao trách nhiệm này cho hai đứa cháu 13 tuổi túc trực chăm bà nội. Nhiều khi cùng quẫn bà muốn quyên sinh. Nhưng nghĩ đến cảnh côi cút của 6 đứa cháu mồ côi, người mẹ già yếu, bệnh tật lang thang không chốn dung thân, bà lại gắng gượng.
Khi nhắc đến tương lai của 6 đứa nhỏ. Người phụ nữ không giấu được nỗi đau: “Từ ngày em tôi mất, tương lai mấy đứa nhỏ cũng mù mịt lắm rồi. Sáu đứa con, nhưng đứa thì bị tâm thần, đứa tê thấp, rồi bệnh gan. Bệnh tật hành hạ mấy đứa nhỏ không ngày nào được yên. Vì thương cháu, có lần tôi phải cắn răng đưa hai đứa nhỏ nhất vào trung tâm SOS, nhưng chúng khóc lóc: “Đừng bỏ con, cho con ở với cả nhà”. Thấy thế tôi lại phải đem hai đứa nhỏ về. Nhưng giờ đây tôi “thân tàn ma dại”, không biết lo cho chúng được đến bao giờ?”.