Độc đáo nghề làm giấy dó cổ xưa của người Nùng
Cách thành phố Cao Bằng chừng 40km về phía đông, rẽ trái vào 2km, hai bên đường những cây mạy sla (nguyên liệu làm chỉa sla) vươn mình lên với trời xanh, xóm Lũng Ỏ, Dìa Trên hiện ra với những mái nhà sàn san sát, giữa cánh đồng lúa trong xanh đang thời trổ bông. Nhìn bề ngoài hai xóm này trông rất hoang vắng khi được những dãy núi đá cao chót vót bao bọc, thế nhưng nơi đây lại nổi tiếng khắp các huyện trong tỉnh bởi nghề làm giấy dó với kỹ thuật cổ xưa nguyên vẹn của người Nùng an.
Chị Phùng Thị Máy ở xóm Lũng Ỏ, người có thâm niên làm chỉa sla gần 20 năm cho hay: “Xóm Lũng Ỏ có 49 hộ thì có khoảng 30% số hộ làm chỉa sla thường xuyên. Vào những dịp tảo mộ (3 tháng 3 âm lịch), rằm tháng 7, Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ nhiều thì gần như cả xóm làm.
Đây là nghề có từ lâu đời, ngay cả những người già nhất bản cũng không biết chính xác ai là người đầu tiên làm ra chỉa sla, cũng như tuổi đời của nó. Để làm ra tờ chỉa sla người làm tốn nhiều thời gian, công sức, trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu lên rừng tước vỏ cây mạy sla đem về cho vào nồi lớn đun sôi trong khoảng 2 giờ, vớt ra để nguội, tước sạch lớp vỏ đen bên ngoài chỉ lấy lớp trắng bên trong, đem phơi khô. Sau đó gom lại đem vào nồi đun lần thứ hai thời gian đun như lần một. Vớt ra lấy dây buộc thành từng bó mỗi bó to tựa bắp tay rồi đem ra ngoài mương nước ngâm trong vòng 1 ngày. Đủ thời gian vớt lên vò rũ hết phần nhựa còn dính lại đem về nhà dùng cây đòn, chày đập cho nát nhừ rồi cho xuống bể đã đổ sẵn nước.
Tiếp đó dùng một thanh gỗ khuấy đều để chất giấy tan ra trong nước. Khi chỉ còn sót lại lớp xơ vỏ cây thì vớt lên, một lớp giấy còn ướt hiện hình trên khung. Một tay giữ khung, tay còn lại dùng một mảnh gỗ cong như cái lược “cắt” làm thành 2 tờ chỉa sla. Sau đó úp khuôn lên chồng chỉa sla trên thành bể. Khi trong bể không còn chỉa sla người dân thu dọn đồ nghề đem hai sấp chỉa sla còn ướt lên sàn nhà, hai tay nhẹ nhàng gỡ từng tờ chỉa sla dán lên bức vách gỗ trước cửa nhà chuyển sang công đoạn làm khô giấy”.
Chị Máy cho biết thêm, làm nghề chỉa sla khá vất vả bởi trải qua nhiều công đoạn. Gặp thời tiết thuận lợi thì đỡ tốn công, tốn thời gian hơn. Mỗi bể chỉa sla sử dụng 2kg vỏ cây mạy sla làm được 40 - 50 tao (tệp) chỉa sla thành phẩm. Với giá bán 10.000 đồng/tao mỗi mẻ người dân thu được 450-500 nghìn đồng. Việc làm giấy dó không gây ô nhiễm môi trường, bởi sau khi chặt cây mạy sla, tước lấy vỏ, tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò. Làm giấy dó không mất nhiều vốn đầu tư, chỉ phải xây một lò sấy, 1 cái bể nước rộng chừng 2m2, cao khoảng 0,5-1 mét là có thể làm giấy.
Bảo tồn nghề cha ông là giữ gìn bản sắc văn hóa
Việc làm giấy dó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa. Những quyển sách của các ông thầy mo, thầy tào dùng trong các đám ma được đóng bằng chỉa sla. Có quyển có tuổi đời hàng trăm năm.
Ông Trương Công Bằng người ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, người đang cất giữ những cuốn sách chữ Hán Nôm từ đời ông cụ để lại chia sẻ: Sách được đóng bằng chỉa sla, viết bằng mực Tàu không làm phai mực, kể cả sách bị ướt cũng không làm nhòe mực.
Làm giấy dó là một nghề độc đáo miền sơn cước, bởi trên thị trường hiếm có thứ hàng hóa tương tự cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ hầu khắp các huyện trong tỉnh, giá trị của nó cũng rất cao đối với bà con các dân tộc trong tỉnh. Giấy dó rất hữu dụng trong đời sống hàng ngày như gói ghém các loại bánh, xôi, bỏng ngô, thóc… Ngoài ra giấy dó còn được sử dụng giống như một loại giấy lau miệng cao cấp trong các bữa ăn, đám ma, đám cưới, bởi nó không chỉ mỏng, dai có mùi hương đặc trưng của núi rừng và không thấm dầu mỡ. Tính an toàn cao bởi không sử dụng hóa chất tẩy trắng, chất thơm.
Ông Nông Văn Khoày, trưởng xóm Lũng Ỏ cho biết: Sở dĩ nghề làm giấy dó của xóm được duy trì và phát triển là nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vào dịp Tết Nguyên đán, lễ tảo mộ 3/3 âm lịch, rằm tháng 7 trong mỗi gia đình không thể thiếu vài ba tệp chỉa sla dùng để gói ghém bỏng lúa, ngô, cắt tiền giấy, tiền để treo mộ. Đối với các ông thầy làm tào, mo khi cần “chăn pham” (lễ giải khi động thổ, sửa chữa nhà cửa…), giấy cắt hình con ngựa để dán lên chỗ động, nhất là ở cửa chuồng chăn nuôi gia súc, nhất thiết phải dùng chỉa sla, không thể dùng các loại giấy khác thay thế được.
Giấy dó được làm vào những lúc nông nhàn. Dịp cuối năm người làm giấy dó bận rộn nhất. Để có đủ giấy dó cung cấp cho thị trường tiêu thụ các huyện trong và ngoài tỉnh người dân phải chuẩn bị nguyên liệu làm giấy hàng mấy tháng. Sau khi gặt lúa xong, người dân rủ nhau lên núi kiếm nguyên liệu, một ngày đi lấy nguyên liệu, mấy ngày làm giấy liên tục. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi hộ gia đình xóm Lũng Ỏ bán ra thị trường hàng nghìn tao chỉa sla, thu về hàng chục triệu đồng.
Cũng theo lời ông trưởng xóm Lũng Ỏ, mỗi khi trong xóm có đám cưới, đám tang người dân toàn sử dụng giấy dó thay cho các loại giấy lau sử dụng chất tẩy làm trắng bày bán trên thị trường để lau bát, đũa, miệng, gói ghém thức ăn… nhằm đảm bảo vệ sinh, đồng thời giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa.
Nghề làm chỉa sla đang được người Nùng an bảo tồn và phát huy đem lại thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình nhờ làm nghề giấy dó đã mua sắm được nhiều trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ đời sống, xóa được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu bằng nghề cổ xưa từ đời ông cha để lại.