Ngành Giao thông sắp không còn doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải đã có một năm IPO thành công. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải đã có một năm IPO thành công. Ảnh minh họa
(PLO) - Trên đà việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Tổng Cty Hàng không Việt Nam thành công với toàn bộ hơn 49 triệu cổ phiếu đã được bán với giá bình quân 22.307đồng/cổ phần, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để năm 2015 về cơ bản ngành Giao thông Vận tải không còn doanh nghiệp nhà nước.
Một năm, hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp
Trong tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước năm 2014, IPO Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, vì danh tiếng của DN này từ lâu là một sự “đảm bảo” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
Ngày 14/11/2014, Vietnam Airlines đã hoàn thành IPO theo đúng phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ hơn 49 triệu cổ phần đã được bán thành công với giá bình quân 22.307đồng/cổ phần. 
Ngay sau đó, Tổng Cty thực hiện bán cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn theo quy định, đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, dự kiến quý I/2015 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, quý II/2015 sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty cổ phần.
Theo ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2013 Bộ đã triển khai cổ phần hóa 11 Cty mẹ - tổng Cty, trong đó 10 Cty mẹ - tổng Cty là TCty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã thực hiện phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi bán đấu giá phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, đến tháng 6/2014, đã hoàn thành đăng ký DN chuyển sang hoạt động theo hình thức Cty cổ phần. 
“Trong năm 2014, Bộ tiếp tục triển khai cổ phần hóa 53 DN trong tổng số 143 DN cổ phần hóa cả nước. Cụ thể, Bộ đã trực tiếp tổ chức thực hiện cổ phần hóa 41 DN, đơn vị sự nghiệp đạt 152% kế hoạch năm (kế hoạch 27 DN), trong đó có 03 Cty mẹ - Tổng Cty là Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy và 38 Cty thuộc Bộ và các Tổng Cty” – ông Vũ Anh Minh cho biết.
Đối với các DN do các Tổng cty Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam thực hiện, Bộ đã chỉ đạo 02 Tổng Cty thực hiện cổ phần hóa 12 DN thành viên. Đến nay, đã thẩm định, phê duyệt giá trị DN cho 50 DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa 39 DN thành Cty cổ phần, trong đó 37 DN đã hoàn thành IPO. 
Các DN còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015. “Như vậy, năm 2014 Bộ đã hoàn thành IPO 48 DN trên tổng số 76 DN của cả nước. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các DN nhà nước” - ông Minh nói.
Nhanh, nhưng phải đúng luật
Năm 2015, ngành Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang Cty cổ phần đối với các DN đã thực hiện IPO trong năm 2014. 
Thực hiện cổ phần hóa 15 DN đã triển khai năm 2014, trong đó có 2 Cty mẹ - Tổng Cty Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, 02 Cty con của Vinalines, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, 01 Cty con của Tổng Cty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc..., đồng thời triển khai cổ phần hóa 07 Cty con và Cty mẹ Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy sau khi hoàn thành tái cơ cấu tài chính. 
Một loạt tên tuổi của ngành Giao thông cũng nằm trong danh sách 29 DN triển khai thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015 này, gồm Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng Cty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, Bệnh viện Nam Thăng Long... 
Còn các Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy, Hàng hải Việt Nam và Đường sắt Việt Nam cũng đang nằm trên con đường triển khai chuẩn bị cổ phần hóa.
Ngành Giao thông Vận tải xác định mục tiêu trong năm 2015, những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành Cty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường. 
“Vấn đề không phải là chỉ báo cáo số lượng cổ phẩn hóa, sắp xếp, số lượng tiền thoái mà quan trọng là hiệu quả cả về kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội… – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói – Quyết liệt, tiến độ nhanh nhưng phải đảm bảo thủ tục pháp lý chặt chẽ”./.

Đọc thêm

Thu phí không dừng tất cả các làn tại Sân bay Nội Bài

Dịch vụ thu phí không dừng sẽ được triển khai tại tất cả làn thu phí ô tô ra vào Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
(PLVN) -Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống các làn thu phí không dùng tiền mặt và thu tự động không dừng dịch vụ dừng/đỗ ô tô tại đây đã hoàn tất thời gian vận hành thử nghiệm, chính thức áp dụng trên toàn Cảng.

353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang

 353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang
(PLVN) - Chiều ngày 18/12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến bấm nút triển khai vận hành hệ thống camera giám sát, xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ông Giang Thanh Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
(PLVN) - Ngày 14/12, tại tỉnh Bình Phước diễn ra Lễ động thổ khởi công công trình Đường cao tốc TP HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước và công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, đồng thời khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự các sự kiện.