Nhớ ngày xưa, bố tôi thường là người đầu tiên mang Tết về nhà qua bánh pháo, qua mấy bộ quần áo mới được mua trong cửa hàng Mậu Dịch. Đêm giao thừa, sau tràng pháo nổ giòn giã, mẹ sẽ mang những bộ quần áo mới đưa cho các con, để sớm hôm sau, chị em tôi xúng xính trong những chiếc áo còn thơm phưng phức mùi vải.
Những bộ quần áo Tết, chẳng khi nào vừa vặn, áo thì trùm kín mông, quần kiểu gì cũng phải xắn lên vài gấu. Không phải mẹ vụng về không biết chọn, mà ở cái thời khó ấy, quanh năm có được bộ quần áo mới là tốt lắm rồi, nên phải mua trừ hao cho các con có lớn nhanh như thổi thì cũng vẫn mặc vừa cho đến tận Tết năm sau.
Hình minh họa (Internet) |
Sáng sớm ngày Mùng 1, bố mẹ tôi dậy thật sớm. Bố mở cửa cho không khí thanh tịnh của ngày đầu năm ùa vào, rồi châm đèn, đốt hương, thay trà nước trên bàn thờ. Còn mẹ tôi xuống bếp làm mâm cỗ đầu năm.
Chẳng đợi bố mẹ gọi vì sợ “dông” cả năm, chị em tôi đứa lớn đứa bé lục tục theo nhau dậy phụ giúp mẹ. Đứa nhặt rau, đứa bóc bánh, đứa bày đĩa mứt kẹo. Dù muộn hơn ngày thường một chút, nhưng trời vừa sáng là nhà tôi đã có mâm cỗ nghi ngút khói dâng lên cúng ông bà tổ tiên.
Hương tàn, ăn xong bữa sáng đầu năm, nhà tôi bắt đầu đi chúc Tết. Bố tôi không chọn giờ xuất hành đầu năm, cứ khi nào ăn xong bữa sáng, các con đã quần áo mới chỉnh tề, đặc biệt là khi nghe ngoài đường đã bắt đầu có tiếng người, tiếng xe tíu tít… là bố tôi bước chân ra cổng. Chúng tôi líu ríu theo sau, đứa xách túi cau trầu, đứa cầm thẻ hương.
Điểm đến đầu tiên của gia đình tôi bao giờ cũng phải là nhà bác Cả – nơi có ban thờ ông bà, các cụ nội của chúng tôi. Bố thường tự tay bày trầu cau và thắp hương trên ban thờ. Chúng tôi yên lặng chờ đợi để cùng hành lễ. Trong mùi hương trầm mặc của buổi sáng đầu năm, bố con tôi cầu xin được các cụ phù hộ độ trì, năm mới luôn được mạnh khỏe, bình an, học hành tấn tới…
Rời nhà bác Cả, chúng tôi cùng bố đến nhà các ông bà, các bác, các chú khác trong họ. Dẫu có nhà chỉ cách nhà tôi một hàng rào cây duối, dẫu có người vừa mới gặp đêm qua… nhưng cuộc gặp gỡ buổi sáng đầu năm rất lạ kỳ. Ai ai cũng vồn vã chào hỏi, như thể đã lâu lắm rồi mới được gặp nhau, nói với nhau những câu từ rất chỉn chu, bặt thiệp. Lũ trẻ con như cũng nghiêm trang, chỉnh tề hơn trong đoàn người đi chúc Tết.
Nhà tôi đông họ hàng, anh em, nên thường phải đến giữa buổi chiều, bố con tôi mới hoàn thành phần lễ bên nội. Bố về nhà tiếp khách, còn bọn trẻ chúng tôi sẽ được tự do chơi với đám bạn, ra đình xem đánh búng, đu quay…
Mùng 2 Tết, cũng sau bữa cơm sáng, chúng tôi lại rồng rắn theo bố đi chúc Tết. Lần này, bố sẽ dẫn chúng tôi đi lễ Tết bên ngoại – bên ngoại của bố, và bên ngoại của chúng tôi.
Ở quê tôi, gọi là đi chúc Tết cũng được, mà là đi lễ Tết cũng được. Bởi dường như ai đi chúc Tết cũng cầm theo quả cau lá trầu và thẻ nhang. Việc đầu tiên khi đến nhà nhau là thắp hương, làm lễ trước bàn thờ gia tiên, sau đó mới ngồi vào bàn uống nước, chuyện trò.
Bố tôi bảo, Tết là dịp ông bà tổ tiên về với con cháu. Vì thế, đến nhà ai cũng phải vái lạy gia tiên, lễ người đã khuất, sau đó mới là chào người sống, chúc cho nhau năm mới sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn, gia đình an khang thịnh vượng.
Nhiều người nhìn vào sẽ bảo làng tôi phiền phức, khi đến bây giờ cũng vậy, Tết đến cứ rồng rắn nhau cả đoàn đi chúc hết nhà này đến nhà nọ. Anh em bên nội thì đã đành, ở bên ngoại, chúng tôi không chỉ đến nhà ông bà ngoại mình, mà sẽ đến cả nhà các ông bà là chú, bác của mẹ, nhà các cậu, các dì anh em của mẹ. Rồi lại còn đi lễ các nhà thông gia, nhà hàng xóm… Đi đến mỏi rã rời cả chân, nhưng bố an ủi: Có Tết thì mới được đến nhà nhau, ngày thường tất bật, có muốn đến thăm nhau cũng khó
Sang đến ngày Mùng 3, năm nào cũng vậy, bố tôi đi chúc Tết với một sự trang trọng khác thường. Ngày này, bố không cho chúng tôi đi theo, mà bố đi cùng bạn bè, những người đồng môn của bố. Nghe kể, ngày xưa bố theo học vỡ lòng của một thầy đồ trong làng. Năm nào cũng vậy, ngày mùng 3 Tết, nhất thiết bố tôi phải vào chúc Tết cụ. Sau này cụ mất rồi, bố tôi vẫn giữ thói quen ấy, cứ sáng mùng 3 là vào thắp hương lễ cụ, nhấp ngụm trà với con cháu cụ rồi thanh thản đi về.
Không phải bố chỉ có một người thầy, nhưng đây là người bố tôn kính nhất, người bố coi như cha mẹ của mình. Hơn nữa, thời bố đi học loạn lạc chiến tranh, người còn người mất, bố cũng chẳng biết có thể tìm được thầy mình ở nơi đâu…
Bố tôi cũng là một nhà giáo. Ngày Mùng 3 Tết, nhà tôi cũng được đón tiếp rất nhiều khách là học trò của bố tôi. Họ không phải là những người học trò đến nhà thầy để “điểm danh” cho phải phép, như kiểu phong trào 20/11 của học sinh thời nay. Họ là những người học trò cũ, những người đã để cái ân cái tình thầy trò lắng sâu tận đáy lòng, và chỉ có thể trỗi dậy đầy tình nghĩa vào những ngày đầu năm mới rất thanh tịnh, linh thiêng.
Năm này đến năm khác, bố tôi chờ đón học trò mình trong ngày mùng 3 như chờ mong những đứa con xa quê trở về. Tình thầy trò như lộc xuân nảy trong lòng bố tôi, để đôi mắt già nua của Người ánh lên, và những nét cười sáng bừng trên khuôn mặt.
Rất có thể với người này, người kia, kỳ nghỉ Tết sẽ là cơ hội để nghỉ ngơi, trốn khỏi những cuộc hẹn hò, chúc tụng, bằng một chuyến du lịch dài ngày. Cũng có người trốn những cái Tết quê rườm rà nghi lễ trong những căn nhà hộp trong phố, nhưng tôi vẫn cứ bảo thủ mà cho rằng, chỉ có những phong tục truyền thống, mới là cách tốt nhất để làm giàu có thêm cho tâm hồn những người con của Tết Việt.
Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy, liệu có ai còn nhớ… Cái lộc xuân ấy, cái tình xuân ấy lan tỏa vào lòng tôi từ khi nào chẳng biết. Nó như một thứ men say, thứ gây nghiện khiến tôi đau đáu nỗi nhớ quê khi năm cũ sắp qua. Để rồi mỗi khi Tết đến, tôi lại dắt những đứa con mình về quê, đi lễ nội, lễ ngoại, dắt các con đến nhà những người thầy mà tôi biết ơn, yêu kính như cha mẹ của mình./.