Hồ Cần Nôm dậy sóng
Trưa 26/5/2013, lợi dụng những người trông coi xưởng gỗ sơ hở, công nhân Sơn Bồ Rót (SN 1988, ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bơi qua hồ Cần Nôm (ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) bỏ trốn. Bơi giữa hồ thì Rót kiệt sức, chết đuối.
Sự việc tưởng sẽ dừng ở mức “tai nạn”, nếu không có người dân địa phương bất bình điện thoại lên đường dây nóng của báo Pháp luật cầu cứu. Theo những người dân, xưởng gỗ đó là "địa ngục trần gian" và những người lao động ở đây bị đối xử như như nô lệ thời trung cổ.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, người dân đã báo cáo chính quyền địa phương nhiều lần nhưng tình hình không được cải thiện. Càng ngày chủ trang trại này càng lộng hành, đỉnh điểm là người lao động không chịu nổi phải bơi hồ bỏ trốn.
Các mũi phóng viên đi về miền Tây để xác minh thông tin từ những lao động của xưởng đã nghỉ việc. Một nhóm phóng viên lên Tây Nguyên để điều tra về một đường dây “bán” lao động tương tự. Một nhóm phóng viên khác được cử “cắm chốt” ở ấp Cà Tông tìm hiểu sự việc. Sau một thời gian tập trung tìm hiểu, những sai phạm của ông chủ xưởng bị phanh phui.
Trần Tấn Phong và “phòng giam công nhân” |
Sự thật được đưa ra ánh sáng khiến nhiều người bàng hoàng. Những công nhân như Sơn Bồ Rót chính là nạn nhân bị lừa bán cho các chủ lao động ở những vùng xa xôi như Dầu Tiếng (Bình Dương) hay Tây Nguyên. Vốn là những lao động nghèo khổ từ miền Tây lên TP.HCM kiếm việc làm, kém hiểu biết, họ bị các đối tượng cò mồi ở khu vực bến xe lừa “bán”. Người lao động phải làm việc từ 12 - 14 tiếng/ngày, công việc vất vả như xẻ gỗ, khuân vác, trồng cà phê tiêu….
Do phải bỏ tiền ra “mua” nên những người chủ luôn sợ lao động bỏ trốn. Thời gian làm việc, các công nhân luôn có người canh giữ. Hết giờ lại bị nhốt trong phòng kín khóa trái cửa. Mọi sinh hoạt vệ sinh ăn uống đều diễn ra trong “nhà tù” chật hẹp. Công nhân phải lao động như khổ sai, thường xuyên bị đánh đập. Tiền công rẻ mạt, trong khi những nhu yếu phẩm, gạo nước, bột giặt… được nhà chủ bán với giá “cắt cổ”.
Điều đó đã khiến những người lao động làm việc cật lực suốt nhiều tháng trời vẫn không thể trả nổi số tiền 500 – 700 ngàn mà chủ lao động bỏ ra “mua” họ. Đường cùng, họ tìm cách bỏ trốn.
Những người dân dũng cảm
Sau khi loạt bài đăng tải, đường dây nóng của Báo đã nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ Bình Dương gọi đến cảm ơn. Dù không phải nạn nhân nhưng trước áp bức, bóc lột với đồng loại, lương tâm và lòng trắc ẩn đã buộc họ lên tiếng.
Bên cạnh sự ủng hộ của những người dân dũng cảm, quá trình điều tra sự việc này, phóng viên đã gặp không ít khó khăn. Ngoài sự đe dọa của phía chủ lao động còn có sự bất hợp tác của chính quyền địa phương, sự bao che, tiếp tay của một số cá nhân có chức quyền và cả những phản ứng trái chiều của báo bạn.
Lúc này, người dân ấp Cà Tông và cả xã Thanh An đều hoang mang. Hơn ai hết, trong suốt chục năm, họ chính là những nhân chứng sống của vụ việc. Vì thế họ không hoang mang vì “tờ báo kia nói đúng hay sai, cán bộ nói đúng hay sai" mà sợ sự việc một lần nữa lại chìm xuồng. Cả tháng trời sau khi sự việc được phanh phui vẫn thấy xưởng gỗ hoạt động bình thường. Chủ xưởng vẫn tự đắc: "Ai dám bắt ta"? Niềm tin của người dân vào công lý phần nào bị lung lay.
Trong hoàn cảnh đó, người dân ấp Cà Tong vẫn luôn sát cánh với PL&TĐ. “Những thông tin chúng tôi cung cấp, chúng tôi chịu trách nhiệm. Nếu phóng viên bị kiện, chúng tôi sẽ đi theo làm nhân chứng. Nếu phóng viên bị đi tù, người dân Cà Tong của chúng tôi sẽ đi tù thay”, một người dân từng nói. Sự mong mỏi, niềm tin của người dân đã tiếp thêm động lực cho những người thực hiện loạt bài.
Chiều 4/7/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đã ra quyết định bắt tạm giam đối với Trần Tấn Phong (SN 1962, ngụ Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Giữ người trái pháp luật”. Sau nhiều lần hoãn xử, đầu tháng 7/2014, Trần Tấn Phong đã bị TAND huyện Dầu Tiếng tuyên 25 án tháng tù giam. Về phía địa phương, Chủ tịch, Bí thư xã bị khiển trách, Trưởng Công an xã bị chuyển công tác.
Trở lại “địa ngục trần gian”
Thanh An giờ đây đã thay đổi nhiều. Phóng viên đến sớm nửa tiếng so với giờ hẹn, nhưng bác Phạm Văn Rơ (64 tuổi) và cô Võ Thị Châu (người dân ấp Cà Tong) đã chỉn chu ngồi đợi sẵn. Bác Rơ cho biết: “Sau khi Phong bị bắt, xưởng gỗ dừng hoạt động đến bây giờ”.
Trần Tấn Phong trong phiên tòa |
Nhớ lại thời điểm xảy ra sự việc, bác tâm sự: “Hồi đó, tôi công tác trong ban mặt trận của xã. Chứng kiến những người lao động bị bóc lột đối xử thậm tệ, tôi đã báo cáo lên lãnh đạo nhưng họ bỏ ngoài tai. Sau này, công nhân trốn ra ngoài, người dân chúng tôi cho họ tiền, đưa ra đường để họ về quê”.
Bác nói tiếp: “Sau vụ Sơn Bồ Rót chết đuối, tôi và bà con rất bức xúc. Nếu không bị đối xử thậm tệ thì anh ta đã không phải bỏ trốn mà chết. Chúng tôi gửi đơn cầu cứu báo chí, cung cấp thông tin cho nhà báo. Thời điểm đó, nhiều lần tôi bị xã mời lên làm việc, họ vận động tôi đứng ngoài cuộc. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ rằng những người lao động bị đánh đập, bóc lột đến chết thảm như vậy thì gia đình họ cũng đau xót như mình. Sau khi sự việc kết thúc, bản thân tôi thấy tuổi cao nên cũng xin nghỉ việc”.
Cô Châu thì cho hay: “Sau khi sự việc xảy ra, tôi cùng bà con trong thôn đã quyên góp để giúp đỡ gia đình nạn nhân. Mười sáu người dân của ấp đã thuê xe xuống tận Sóc Trăng để trao cho gia đình Sơn Bồ Rót 10 triệu đồng và mấy bao gạo”.
Gặp lại người đánh cá đã bất chất nguy hiểm bản thân và sự trả thù của những đối tượng côn đồ, từng chèo thuyền đưa phóng viên qua hồ Cần Nôm để tiếp cận "địa ngục trần gian", ông cười rổn rảng: “Hồi đó, cứ ngày ra báo, từ 6h sáng tôi đã chạy xe lên thị trấn Dầu Tiếng để mua báo. Tôi "vét" sạch tất cả các tờ báo bán ở sạp mang về cho bà con coi. Người này giành coi, người kia mượn nhàu nát hết. Quán photocopy còn chớp thời cơ, mượn tờ báo photo lại bài báo bán với giá 2000 đồng. Thế mà mấy trăm người dân ai cũng bỏ tiền ra mua. Những tờ báo đó tôi vẫn trân trọng lưu giữ”.
Nghe tin phóng viên về, ông Trần Trung Dũng, Bí thư chi bộ ấp Cà Tong rất bất ngờ. Cái bắt tay thật chặt, niềm vui hiện rõ trên nét mặt. "Sự việc nhiều năm nay khiến bà con ở ấp rất bức xúc. Dĩ nhiên chúng tôi không phải vui mừng vì ai đó bị bắt mà vui mừng vì sự việc đã được làm sáng tỏ. Nếu sự việc không được xử lý, người dân sẽ mất niềm tin vào công lý, lẽ phải", ông nói.
Tạm biệt Cà Tong khi trời đã về chiều, dưới ánh hoàng hôn, hồ Cầm Nôm đẹp như một bức tranh. Trong làn nước trong vắt, hàng ngàn bông súng hồng đua nhau khoe sắc. Sau những sóng gió, Cần Nôm lại tĩnh lặng, yên ả.