Từ phiên chợ “độc nhất vô nhị”...
Dạo quanh một vòng chợ, trước mắt tôi như choáng ngợp bởi đâu đâu cũng thấy những chiếc lồng, bên trong là nhiều loài chim với màu sắc khác nhau như họa mi, khướu, vẹt, sáo,... Chợ chỉ họp một lần mỗi tuần, nét “độc” ở phiên chợ này đó là “kẻ bán, người mua” đều là cánh mày râu.
Một điểm chung đó là hầu hết những người tìm đến nơi đây đều thích chơi chim hoặc muốn chiêm ngưỡng và tận hưởng những “bản nhạc rừng” thánh thót vang lên. Mọi người có thể bình phẩm những chú chim “độc”, cái “độc” ở đây chính là tiếng hót, màu sắc,... Ngoài ra, những người tìm đến chợ chim có thể trao đổi với nhau về cách chọn chim hay học hỏi cách chăm sóc chúng.
Những chú chim được đem đến chợ này hầu hết là chim bắt được ở trên rừng. Trước khi đem đi bán, chúng đều được ông chủ chăm sóc chu đáo, con nào cũng có bộ lông óng mượt,có giọng hót khỏe và thánh thót. Được chủ nhân thuần hóa nên chim không còn cảm giác sợ sệt, xa lạ khi có người đứng cạnh.
Giá bán có sự chênh lệch lớn, điều này tùy thuộc vào độ thông minh và vẻ đẹp của từng con chim. Có những chú chim được chủ nhân rao bán tiền triệu, thậm chí có những chú chim giá cả chục triệu đồng, còn chim được đưa đến đây bán rẻ nhất cũng từ 2 trăm nghìn đồng trở lên.
....Đến những ấn tượng khó phai
Anh Châu A Sử - dân tộc H’Mông, chủ những chiếc lồng chim - bật mí rằng, ở phiên chợ chim Bắc Hà, loài chim đắt và được ưa chuộng nhiều nhất là chim họa mi. Loài chim này vừa có vóc dáng đẹp, vừa có giọng hót hay lại thiện chiến.
Trong rừng, chim họa mi có cách sống rất hay, mỗi quả đồi chỉ có một đôi (một trống, một mái) và không bao giờ chúng xâm phạm lãnh thổ của những con khác. Những chú chim họa mi cũng thách đố nhau bằng tiếng hót; khi có con nào đó đến xâm chiếm lãnh thổ của mình, chúng sẵn sàng đánh đổi tất cả để giành lại lãnh địa.
Dân chơi chim tìm đến đây đều có “nghề”, chỉ nhìn đặc điểm bên ngoài là biết chú chim đó giỏi khoản nào. Đối với chim nuôi hót, nên chọn con có họa dài, dáng thanh thoát, sắc lông vàng mượt, giọng hót trong trẻo, không bị đứt đoạn. Với chim chọi, nên chọn chim hiếu chiến, có vóc dáng to khỏe, chân và mỏ to, tướng chim dữ dằn, gặp đối thủ nào cũng không sợ hãi mà dám rung cánh hót khiêu khích đối phương thì đánh được. Còn những chú chim nào khi hót đứng cầu thật oai vệ, đuôi xòe hoặc cụp chặt vào cầu là chim tốt.
Ở nơi đây, chợ chim Bắc Hà vừa là sân chơi cho những người thích chơi chim, vừa là nơi kiếm sống của người dân. Ngoài việc bày bán những chú chim, họ còn bán những chiếc lồng chim hầu hết được làm bằng trúc và các loại thức ăn cho chim như sâu, dế mèn,...
Chợ chim Bắc Hà luôn thu hút nhiều cánh mày râu (Ảnh minh họa) |
Anh Thào A Sở là người trong “nghề”, anh đã bán lồng chim được hơn chục năm ở chợ chim Bắc Hà. Mỗi tuần một lần, cứ đến phiên chợ chim là anh lại có mặt, thường thì anh bán được 3-4 cái lồng một tuần, mỗi cái khoảng 100.000 đồng tùy kích cỡ của lồng. Số tiền kiếm được anh lại dùng mua lương thực, thực phẩm về nuôi gia đình.
Gần trưa, chợ chim càng thêm nhộn nhịp, những “bản nhạc rừng” hòa vào tiếng người tạo nên sự du dương, trầm bổng như muốn níu chân du khách. Anh Nguyễn Văn Long (ở TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cũng đã từng một lần đến với chợ chim Bắc Hà để thưởng thức những “bản nhạc rừng”. Anh tâm sự: “Tôi chắc rằng những ai đã đến đều không muốn rời và những ai chưa đến họ sẽ muốn mình được một lần đặt chân đến. Lên đó, mình được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài chim, được nghe những “bản nhạc” vang lên.
Một lần đặt chân đến phiên chợ chim Bắc Hà mà tôi ấn tượng mãi không quên, ở đó vừa có cái gì đó nguyên sơ lại vừa quyền quý. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải tìm đến nơi đây một lần nữa”.
Sắc xuân đang về trên khắp các bản làng miền Tây Bắc, chợ chim càng thêm náo nhiệt, đông vui hơn. Sự náo nhiệt dường như làm con người có mặt ở nơi đây quên đi cái giá lạnh của đất trời, tạo nên một nét độc đáo giữa không gian bao la của núi rừng, đó cũng là điểm khác giữa phiên chợ chim Bắc Hà với những địa danh khác…/.