Trung thu Việt xưa có gì?
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Quốc. Có 3 truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung thu bắt nguồn từ thời Xuân - Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Quốc và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.
Rực rỡ sắc màu ở "phố Trung thu" Hàng Mã 2020. |
Nói về Trung thu Việt Nam xưa người ta thường nhớ tới làm trại thu, múa lân, bày cỗ, làm đồ chơi như đèn kéo quân, mặt nạ, rước đèn ... Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, do tục truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.
Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, “nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân”.
Tiết mục múa Lân trong Tết Trung thu xưa của Việt Nam. |
Từ thế kỷ 19 vào ngày Trung thu, dân ta ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là hai món bánh nướng và bánh dẻo cùng với đó dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.
Ảnh Tết Trung thu năm 1989 của thế hệ 7X, 8X Việt. |
Trong dịp này người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Cùng với đó, mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Hà Nội, Hội An và Sài Gòn xưa nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu.
Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình.
Ngoài ra còn có các mô hình tàu thủy đồ chơi. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...
Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la...
Các nước châu Á vào ngày lễ Trung Thu
Trung Quốc được xem là "cha đẻ" của lễ hội Trung thu, với nhiều sự tích, truyền thuyết li kì về tết Trung thu, về chị Hằng và Thỏ Ngọc trên cung trăng... Tương tự người Việt, mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu được hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng.
Người Trung Quốc thường treo lồng đèn trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. Trong đêm rằm, người ta thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Họ cũng có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân sư rồng,…
Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, tuy nhiên Tết Trung thu vẫn được tổ chức rầm rộ và được gọi là Lễ ngắm trăng (Otsukimi). Vào ngày Otsukimi này, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng, còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Tết Trung thu tưng bừng, rực rỡ ở Trung Quốc. |
Bánh Tsukimi Dango là loại bánh được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm, với xốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre và uống kèm trà xanh. Truyền thuyết về tết Trung thu ở Nhật chỉ xuất hiện hình ảnh chú thỏ ngọc thay cho hình ảnh chị Hằng, chú Cuội và cả thỏ ngọc dễ thương như ở Việt Nam và hầu hết các nước Châu Á khác.
Ngày lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. kéo dài trong 3 ngày, là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ. Trong ngày lễ Chuseok, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, còn trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.
Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng,…
Mâm cỗ Trung thu của người Hàn Quốc. |
Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.
Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn, thường là vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía…
Trong lễ hội người ta thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn. Dù có sự khác biệt về các phong tục trong ngày lễ Trung thu ở các nước châu Á nhưng sự háo hức và niềm vui của con trẻ dù ở đâu cũng luôn như vậy.