Bị “lừa” góp vốn cho dự án trên giấy
Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Tùng, một khách hàng bị Cty cổ phần đầu tư xây dựng 573 (Cty 573) chiếm dụng vốn, năm 2009 ông Tùng và Cty 573 ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp HH1 tại khu đô thị Mễ Trì Hạ, Hà Nội. Theo hợp đồng, ông Tùng góp vốn để được mua một sàn căn hộ tại dự án với số tiền xấp xỉ 18 tỷ đồng.
Thực hiện hợp đồng, ông Tùng nộp cho Cty 573 gần 11 tỷ đồng. Cty cam kết khởi công xây dựng công trình vào đầu quý III/2009 và dự kiến hoàn thành trong 25 tháng. Theo hợp đồng này, chậm nhất là cuối tháng 9/2011, ông Tùng sẽ nhận được sàn căn hộ gần 1.000m2 mà ông góp vốn đầu tư.
Song, tiền thì nộp đúng tiến độ nhưng ông Tùng và nhiều khách hàng khác không thấy Cty 573 có động thái khởi công và sau nhiều lần hứa hẹn nhưng Cty 573 vẫn không thực hiện. Mặc dù dời thời điểm khởi công đến quý IV/2014 nhưng đến nay dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, văn phòng và căn hộ cao cấp HH1 vẫn là bãi đất trống.
Thấy Cty 573 liên tục vi phạm thời hạn khởi công, bàn giao theo cam kết, ông Tùng đã yêu cầu Cty này chấm dứt hợp đồng, hoàn trả vốn góp và lãnh đạo Cty 573 phải chấp nhận chấm dứt hợp đồng và cam kết hoàn trả tiền vốn góp cho ông Tùng. Ngoài ra, theo cam kết với ông Tùng, Cty phải trả tiền lãi theo mức lãi suất phạt quá hạn tại thời điểm năm 2012 lên đến 21%/tháng và số tiền lãi mỗi tháng phải trả khoảng 187 triệu đồng.
Ông Tùng không phải là khách hàng duy nhất trở thành nạn nhân bị Cty 573 chiếm dụng vốn. Bà Đỗ Ngọc Chi và bà Trần Thị Phượng cũng góp vốn đầu tư và nộp cho Cty 573 gần 11 tỷ đồng, cũng đã có đơn yêu cầu hoàn trả tiền vốn góp. Điều đáng nói là ngoài số tiền “nhỏ giọt” trả cho ông Tùng, Cty 573 chưa hoàn tiền cho khách hàng góp vốn vào dự án này.
Dự án HH 1 nằm ở vị trí đắc địa, gần các cao ốc HH3, HH4 và Keang Nam |
Quá trình đòi tiền vốn góp bị chiếm dụng của ông Tùng kéo dài suốt 4 năm qua nhưng chưa có kết quả và càng gặp khó khăn khi người chịu trách nhiệm chính đối với việc trả tiền là ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Cty 573 được Bộ GTVT cho lên giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (CIENCO 5) thay ông Thân Đức Nam từ 1/7/2013.
Theo ông Tùng, sau khi ông Du “lên chức”, những lãnh đạo của Cty 573 đã né tránh việc trả tiền cho ông. Trong nửa đầu năm 2015, nhiều lần lãnh đạo Cty này cam kết lộ trình trả lại tiền nhưng cũng chỉ “cam kết suông” chứ thực tế không có tiền trả lại cho ông Tùng. Thậm chí, lãnh đạo Cty 573 còn tráo trở khi từ chối trả lãi suất mà trước đây họ đã cam kết.
Với sự vi phạm trắng trợn cam kết trong hợp đồng góp vốn đầu tư cũng như cam kết trả lại tiền cho khách hàng, ông Tùng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra đề nghị làm rõ việc Cty 573 chiếm dụng hay chiếm đoạt tiền của ông.
Theo đơn tố cáo gần đây của ông Tùng, sự việc Công ty 573 đã nhận của khách hàng nhưng không sử dụng vào việc xây dựng công trình HH1 mà đem sử dụng vào mục đích khác của Công ty và của lãnh đạo Công ty này không còn là việc nợ nần theo thỏa thuận dân sự giữa hai bên mà có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân. Do đó, ông đề nghị cơ quan điều tra làm rõ và xử lý trước pháp luật đối với các cá nhân chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này, đặc biệt là trách nhiệm của ông Bạch Ngọc Du, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 573.
Nói về việc này, Luật sư Trần Việt Hùng, Văn phòng Luật sư Trí Việt cho rằng, việc tố cáo không phải không có căn cứ vì số vốn mà Công ty 573 nhận của khách hàng để đầu tư xây dựng tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp HH1 đã không được sử dụng đúng mục đích.
Đặc biệt, nếu Cty 573 chưa đủ điều kiện để huy động vốn và số tiền của khách hàng bị sử dụng “bất hợp pháp” dẫn đến không có khả năng trả nợ thì người ra quyết định liên quan đến việc sử dụng tiền cần phải bị truy cứu trách nhiệm. Để làm rõ việc lãnh đạo Cty 573 có “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay không, cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để làm rõ những đồng tiền góp vốn của ông Tùng và các khách hàng khác đã “bốc hơi” đi đâu.