Cuối tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ra quyết định phạt Vietnam Airlines (VNA) và VietJet Air (VJ), mỗi hãng 15 triệu đồng.
Chưa “tâm phục, khẩu phục”?
VNA bị phạt do thông tin chậm tới hành khách trong trường hợp chuyến bay VN1370 từ TP HCM đi Huế chậm gần 9 giờ so với kế hoạch vì thời tiết xấu tại Huế, nhưng hãng không thông báo đầy đủ về giờ khởi hành dự kiến cho khách.
Tương tự, VJ cũng bị “án phạt” vì chuyến bay VJ321 từ Phú Quốc đi TP HCM ngày 9-3 bị chậm giờ do máy bay gặp lỗi kỹ thuật. Mặc dù Cục HKVN đánh giá VJ đã thực hiện đúng quy trình trong trường hợp chuyến bay bị chậm như: phục vụ ăn uống, thông báo phát thanh, hỗ trợ tự nguyện 300.000 đồng/người… Tuy nhiên, lỗi của hãng là thông báo không đầy đủ về sự việc cho hành khách. Cụ thể, trong lần thông báo số 2, lúc 10 giờ, VJ đã không thông báo cho hành khách thời gian cất cánh dự kiến.
Đây là lần đầu tiên Cục HKVN ra quyết định xử phạt “tội danh” này. Mức phạt tuy không cao nhưng lý do xử phạt chưa thuyết phục vì chuyến bay trễ giờ nhưng lại phạt do lỗi phát thanh. Một chuyên gia kỳ cựu trong ngành phân tích: vận chuyển hàng không có nhiều tình huống dẫn tới chậm, hủy chuyến bay, trong đó nghiêm trọng nhất là do thời tiết xấu hoặc lỗi kỹ thuật.
Ở tình huống đó, chuyến bay sẽ bị hoãn cho tới khi đạt đủ các điều kiện an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế mới được cất cánh. Rất khó để xác định giờ khởi hành mới vì không thể biết khi nào máy bay được sửa chữa xong, càng không thể biết khi nào thời tiết hết xấu vì “nắng mưa là chuyện của trời”, kỹ thuật dẫn đường cũng chỉ có giới hạn. Với đặc thù này, yêu cầu hãng hàng không phải thông tin chính xác giờ cất cánh tiếp theo xem ra lại là “đánh đố”.
Cần hướng tới các chuẩn quốc tế
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu về phát triển, ông Nguyễn Tiến Đức, cũng cho rằng “án phạt” này chưa thuyết phục bởi tiêu chuẩn hàng không quốc tế cũng không quy định hành khách chỉ tiếp cận thông tin chuyến bay qua hệ thống phát thanh. Hành khách thường tự cập nhật thông tin về chuyến bay qua việc hỏi nhân viên của hãng ngay tại cửa ra máy bay; nghe thông báo qua loa phát thanh và phổ cập nhất hiện nay tại các sân bay quốc tế là xem bảng điện tử.
Theo đó, hãng hàng không phải cập nhật thông tin chuyến bay trên hệ thống này và về phía hành khách phải có “kỹ năng” đọc thông tin chuyến bay của mình trên đó. Còn ở Việt Nam, quy định thông tin bằng hệ thống phát thanh 15 phút/lần khi chậm, hủy chuyến là chưa phù hợp với xu hướng chung và gây ô nhiễm âm thanh ở sân bay.
Cho nên việc phạt hãng hàng không vì lỗi phát thanh khi chậm, hủy chuyến có thể sẽ thúc đẩy các hãng “tăng cường loa phát thanh” để đối phó. Việc này sẽ đi ngược lại xu thế chung của hàng không quốc tế mà chúng ta đang cố gắng hội nhập.
Về phía các hãng hàng không cũng có phần lo ngại sau sự kiện này, hành khách lại có thêm “cớ” để có những ứng xử chưa văn minh mỗi khi chậm, hủy chuyến, gây áp lực cho nhà vận chuyển. “Tại các sân bay quốc tế, được thông báo chậm, hủy chuyến thì đa số hành khách giở sách ra đọc hoặc tranh thủ nằm ngủ. Còn ở sân bay nội địa, khách hay sốt ruột truy hãng hàng không khi nào được bay, thậm chí nổi khùng” - đại diện một hãng hàng không cho biết.
Thông báo qua bảng điện tử sẽ văn minh hơn?
Chị Oanh Lê, một doanh nhân có mặt tại sân bay Phú Quốc thời điểm chuyến bay VJ321 chậm giờ, cho biết chị đếm được 6 lần VJ thông báo về chuyến bay này. Chị cũng như một số hành khách khác khá khó chịu vì sự ầm ĩ của loa phát thanh.
“Thông báo qua bảng điện tử sẽ văn minh hơn. Còn hành khách phải tự trang bị kỹ năng đọc bảng thông báo điện tử ở sân bay, nếu không sẽ dễ bị lạc khi có dịp đi ra nước ngoài. Vì chẳng còn sân bay nào trên thế giới phát loa oang oang nữa. Chúng ta muốn hội nhập thì cũng phải hội nhập cả phương thức đi lại, nếu hành xử khác người chính là tự đóng cửa với chính mình” - chị Oanh Lê nói.