Mặc dù trong một số năm gần đây, pháp luật đã một số lần tăng mức phạt vi phạm pháp luật về giao thông, tuy nhiên, các vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn nhiều. Đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến tăng nặng mức xử phạt với các hành vi gây tai nạn giao thông, cố ý xâm phạm TTATGT...
Nhiều vi phạm được đề xuất phải bị phạt tiền gấp nhiều lần trước đây. Ví dụ với hành vi vượt đèn đỏ, với ô tô mức phạt cũ 4 - 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới 9 - 11 triệu đồng; với xe máy mức phạt cũ 800.000 đến 1 triệu đồng, mức phạt mới dự kiến 4 - 6 triệu đồng.
Theo một báo cáo của Cục CSGT, một số hành vi vi phạm TTATGT nghiêm trọng như đi ngược chiều, đi xe máy lên đường chỉ dành riêng ô tô, uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, khi CSGT phát hiện thì luồn lách bỏ chạy. Tình trạng phương tiện vượt đèn đỏ, không chấp hành tín hiệu giao thông và hiệu lệnh của CSGT làm nhiệm vụ vẫn nhức nhối. CSGT dù đã được tăng cường có mặt vào những giờ cao điểm nhưng có lúc cũng không thể dừng phương tiện giữa dòng xe để xử phạt một vài cá nhân vi phạm. Nếu tình trạng này không được chấm dứt, TTATGT ở một số nơi sẽ hỗn loạn.
Cần phải thiết lập lại kỷ cương, ngăn chặn kịp thời vi phạm, không để những hành vi này tiếp diễn đe dọa tính mạng người khác. Chấp hành các quy định pháp luật nói chung, pháp luật về TTATGT nói riêng phải bắt đầu từ ý thức trách nhiệm xã hội của công dân, hình thành văn hóa giao thông văn minh trong đời sống đô thị. Trong khi một bộ phận công dân chưa có ý thức, cần tăng cường cưỡng chế, xử phạt. Kinh nghiệm trong xử lý nồng độ cồn là một bài học hữu ích. Chính vì chế tài rất nghiêm khắc, có thể lên đến vài chục triệu đồng, nên đã hạn chế đáng kể tình trạng người uống rượu, bia chạy xe.
Để hạn chế tình trạng vi phạm TTATGT, cơ quan chức năng đã, đang đầu tư lắp đặt các hệ thống camera giám sát giao thông, để có thể phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc tăng mức xử phạt, cần công bố công khai những người vi phạm, từ đó tăng tính minh bạch, để người dân có thể giám sát. Nếu những biện pháp này được triển khai đồng bộ, chắc chắn sẽ hạn chế được vi phạm; ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng cao.