Thách cưới – “thủ phạm” giết tình yêu
Tuy là cán bộ hội phụ nữ nhưng chị Ma Chiều người dân tộc Churu ở thôn Ma Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cũng không thể “đấu tranh” nổi với tục thách cưới khi làm lễ hỏi chồng cho con gái Ma Hương. Ngày làm lễ hỏi chồng, cả nhà gái và chú rể đều tá hỏa khi nghe nhà trai công bố tiền thách cưới là 70 triệu đồng. Thương con, chị Ma Chiều đành chạy vạy lo đủ số tiền trên và từ ngày bắt chồng cho con gái đến nay, cả nhà chị đầu tắt mặt tối gánh gồng trả nợ. Vợ chồng Ma Hương không dám sinh con khi chưa trả hết nợ đám cưới.
Quá hoảng sợ trước tình cảnh của bạn mình, Ma Loan, bạn gái của Ma Hương quyết định không lấy chồng. “Mình thương cha mẹ phải còng lưng làm trả nợ” – Ma Loan cho biết.
Do hậm hực vì bị thách cưới quá cao nên khi cuộc sống hôn nhân trục trặc, nhiều người chồng lôi vợ ra tòa để đòi lại tiền thách cưới là thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi. Năm 2012, Tòa án huyện Hoàng Su Phì, Lào Cai, xét xử một vụ ly hôn của cặp vợ chồng trẻ. Lò Thị Dơi, SN 1990, được cha mẹ mai mối với một chàng trai kém hai tuổi cùng xã từ năm 2009 tên là Lò Seo Nam. Do mâu thuẫn hai vợ chồng ra tòa ly hôn.
Bên cạnh việc từ chối phán quyết của tòa về nghĩa vụ cấp dưỡng vì cho rằng đứa trẻ không phải con mình, Lò Seo Nam còn liệt kê số tiền các khoản sính lễ cưới gần 20 triệu đồng đề nghị Tòa án buộc nhà gái phải trả gia đình Nam.
Là một xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, với trình độ dân trí thấp, tình yêu của nam nữ thanh niên Nậm Khắt cũng bị tục thách cưới cao ám ảnh. Ngoài 20- 25 triệu đồng tiền mặt thì các cha mẹ khi có con cái kết hôn còn thách cưới 80 – 100 kg thịt lợn và 20 - 30 lít rượu…, nên sau đám cưới, kinh tế kiệt quệ không đủ điều kiện trả nợ. Có những gia đình quá nghèo không đáp ứng được yêu cầu thách cưới nên con không lấy được vợ.
Bức xúc trước thực trạng này, tổ chức đoàn của huyện, xã kết hợp với chính quyền đã tổ chức xây dựng điểm và ra mắt mô hình chi đoàn “4 không”: “Không có đoàn viên thanh niên sinh con thứ 3, không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn và không thách cưới cao”. Mô hình này không chỉ được thanh niên mà đông đảo người dân ủng hộ.
Khi nào thách cưới phạm luật?
Thách cưới là một tục lệ có từ lâu đời trong đám cưới truyền thống Việt Nam. Ở một góc độ nào đó, thách cưới được xem như là một biện pháp để thử lòng chàng rể tương lai và thể hiện danh giá của người con gái, số tiền thách cưới lớn đồng nghĩa với việc người con gái đó có phẩm giá cao, đức hạnh tốt. Ngày nay, số đông xã hội chỉ xem thách cưới như một thủ tục tượng trưng để nhà trai tỏ lòng tôn trọng nhà gái.
Ở góc độ pháp luật, thách cưới được xem là phong tục, tập quán về hôn nhân gia đình và Luật Hôn nhân – Gia đình hiện hành quy định nếu phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định của luật thì được tôn trọng và phát huy.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này quá chung chung nên không phân định được đâu là phong tục, tập quán tốt đẹp cần duy trì và đâu là hủ tục cần loại bỏ. Vì thế, Luật Hôn nhân-Gia đình vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã chỉ rõ “yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ” (Khoản 12 Điều 3).
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật cũng quy định việc thách cưới thể hiện bản sắc của dân tộc trong nghi thức cưới hỏi và không gây cản trở hôn nhân tự nguyện của nam nữ thì được công nhận. Luật nghiêm cấm áp dụng việc thách cưới có sự đòi hỏi về mặt vật chất một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện của nam nữ. Bên đưa ra yêu sách về của cải phải trả lại tài sản đã nhận khi cha, mẹ hoặc người kết hôn chịu thách cưới có yêu cầu.