Cà Mau đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. |
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Cà Mau luôn quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa cộng đồng, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, chăm lo, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa.
Một trong những giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer chính là việc thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình). Trong năm 2024, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới 2 salatel, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh hiện có 12 salatel đã được xây dựng. Hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của 10 salatel và trùng tu, tôn tạo 2 điểm chùa nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn từ chương trình.
Dự kiến trong năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 1 salatel. Việc đầu tư mới, trùng tu, tôn tạo các salatel và các điểm chùa giúp đồng bào dân tộc Khmer có nơi khang trang để thực hành các nghi lễ truyền thống, cũng như tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào các dịp Lễ, Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm hơn.
Bên cạnh việc đầu tư các thiết chế văn hóa, tỉnh Cà Mau còn quan tâm giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer. Nổi bật là việc duy trì tổ chức chức dạy và học chữ Khmer dịp hè tại các điểm chùa, salatel và các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Tổ chức dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau. |
Đại đức Phạm Minh Thắng - Trụ trì Chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), cho biết: “Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh cũng như UBND huyện đều quan tâm chỉ đạo tổ chức các lớp dạy chữ Khmer dịp hè cho con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, nhà chùa đã phối hợp tổ chức khoảng 50 lớp, với hơn 800 em theo học. Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào phật tử và bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện được nâng lên đáng kể”.
Không chỉ bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, các hoạt động Lễ, Tết cổ truyền đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì tổ chức thường xuyên. Nổi bật là các lễ hội văn hóa truyền thống, Tết cổ truyền, như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đolta, Ok Om Bok, dâng y, dâng bông…
Đại đức Danh Son - Trụ trì Chùa Đầu Nai, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), chia sẻ: Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer, từ các loại hình nghệ thuật đến văn hóa tín ngưỡng, lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Đồng thời, bà con đồng bào dân tộc Khmer luôn có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, chùa có hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo nam tông với lịch sử hình thành lâu đời, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer”.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau tặng quà cho các vị sư tại chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024. |
Văn hóa của các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong thời kì hội nhập và phát triển đất nước.
Có thể nói, với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã và đang được thực hiện, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung không ngừng phát triển trong thời gian tới.
“Bình quân mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trên 22 điểm dạy và học chữ Khmer dịp hè tại các điểm chùa, salatel và các nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với khoảng 35 lớp học và 750 em tham gia. Qua đó, trang bị cho các em học sinh kỹ năng đọc, viết được những câu từ thông dụng, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình. Đồng thời, giúp các em nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán và ý thức giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình", ông Trần Hoàng Nhỏ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết.