Tỉnh Cà Mau có 33 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với 307.255 hộ, trên 1,2 triệu người; trong đó, có 32 dân tộc thiểu số (DTTS), với trên 12.000 hộ, gần 48.000 người; đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer gần 10.000 hộ, khoảng 39.000 người; tiếp đến là dân tộc Hoa với gần 1.600 hộ, khoảng 7.000 người; còn lại là 30 DTTS khác với khoảng 432 hộ, trên 2.000 người. Giai đoạn 2021 - 2025, vùng DTTS tỉnh Cà Mau còn 05 xã khu vực III (trong đó, có 02 xã an toàn khu), 01 xã khu vực I và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III.
Đồng bào DTTS sống đan xen với nhau ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9.000 hộ, chiếm trên 76%; địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát cuối năm 2022, hộ nghèo đồng bào DTTS vẫn còn là 1.042 hộ, chiếm 14,06% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 8,66% trong tổng số hộ DTTS trên địa bàn.
Bà Quách Kiều Mai - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, thăm hỏi, chúc mừng chùa Cao Dân (tại ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) nhân dịp Lễ Sen Dolta 2023. |
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số số tại tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm và triển khai có hiệu quả. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Quách Kiều Mai – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, cho biết những kết quả đạt được của tỉnh Cà Mau trong việc công tác quản lý nhà nước đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023?
Bà Quách Kiều Mai: Công tác quản lý nhà nước về dân tộc luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, Ban Dân tộc tỉnh tích cực tham mưu quản lý về công tác dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân vùng DTTS của tỉnh có bước đột phá; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS cơ bản đảm bảo các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh trong vùng.
Các chương trình, chính sách dân tộc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; góp quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chung của toàn tỉnh sẽ giảm từ 2% trở lên và đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3% trở lên.
Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện tỉnh Cà Mau được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, từ đó các chính sách triển khai trên địa bàn đem lại hiệu quả cao. |
Các địa phương vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế; các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là đồng bào DTTS được đảm bảo; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”; hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nguồn nhân lực DTTS. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS.
Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng DTTS được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đồng bào dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với chính quyền và cộng đồng; nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác chỉ đạo, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách ở một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; công tác thông tin, báo cáo chưa kịp thời; việc rà soát thống kê chưa được chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, điều hành và chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách.
Vùng DTTS của tỉnh là địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, thiên tai thường xảy ra; từ đó, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ trong vùng.
Bà Quách Kiều Mai – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng trong triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. |
Bà cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý nhà nước đồng bào dân tộc thiểu số trong những tháng cuối năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024?
Bà Quách Kiều Mai: Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn; triển khai thực hiện hoàn thành 100% đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra trong năm 2023.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành đúng thời gian quy định các nhiệm vụ đã được UBND, Chủ tịch UBND tỉnh giao và các nhiệm vụ mới phát sinh đảm bảo thời gian theo quy định.
Tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các Chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch của UBND tỉnh và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Tổ chức đưa Đoàn người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (Đoàn người có uy tín đã xuất phát đi học tập, trao đổi kinh nghiệm vào ngày 18/11/2023 và về vào ngày 28/11/2023); thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo quy định. Tổng hợp kết quả rà soát, đưa ra, thay thế, bổ sung người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2024 của UBND các huyện, thành phố Cà Mau và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tham mưu tổ chức đưa đại biểu tham dự “Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023” (Chương trình đã tổ chức từ ngày 11-13/12 tại Thủ đô Hà Nội) .
Thời gian tới, Ban, Ngành tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời làm tốt công tác dân sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tham mưu tổ chức kịp thời các hoạt động vào các dịp lễ hội truyền thống cho đồng bào các DTTS; Triển khai thực hiện hoàn thành các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách tại các địa phương vùng DTTS theo Kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tại đơn vị bằng các hình thức phù hợp. Thường xuyên khảo sát, nắm tình hình vùng đồng bào DTTS và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức phù hợp. Thông qua đó, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong vùng và hộ dân đồng bào DTTS.
Tổ chức tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024.
Xin cám ơn bà!