Giảm thiểu bất bình đẳng giới ở miền núi
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây là dự án đầu tiên và có đặc thù riêng về giới được đưa vào chương trình MTQG. Trong đó, hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng là 1 trong 4 nội dung chính của Dự án 8.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ của tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và người dân. Trong đó, các cấp hội thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, tổ chức các chiến dịch truyền thông, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi...
Nhiều hình thức tuyên truyền vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” đã góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. |
Đơn cử như tại huyện miền núi Trà Bồng, trong giữa tháng 11 vừa qua, các cấp ngành địa phương với chủ công là Hội LHPN huyện đã tổ chức hội thi Tìm kiếm các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Hội thi đã tạo ra sân chơi ý nghĩa, là dịp để hội viên phụ nữ thuộc 13 đội đến từ 13 xã thuộc vùng Dự án 8 được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, nâng cao kỹ năng và đổi mới cách thức tuyên truyền, triển khai các hoạt động hội để thực hiện hiệu quả của dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Bồng, thời gian qua, đơn vị tích cực chỉ đạo các cấp hội ở địa phương tích cực đẩy mạnh truyền thông, cung cấp những thông tin, chính sách để các hội viên, phụ nữ nắm bắt. Nhờ đó, nhận thức của người dân, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và xóa bỏ các tập tục lạc hậu... ngày càng được nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường sống đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Nhờ các chính sách thiết thực của Dự án 8 mà hội viên, phụ nữ miền núi Quảng Ngãi có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. |
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi Lê Na, trong 3 năm qua, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 đã hướng dẫn thành lập được 187 tổ truyền thông cộng đồng, với hơn 1.800 thành viên và hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông; giúp xây dựng 3 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho 160 phụ nữ dân tộc thiểu số. Cùng với đó là, củng cố và thành lập 23 địa chỉ tin cậy cộng đồng, với gần 450 thành viên; thành lập và ra mắt 25 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với hơn 700 thành viên. Đồng thời, tổ chức 31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn; tổ chức 26 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.600 cán bộ huyện, xã, thôn về bình đẳng giới...
Nâng cao quyền năng chính trị người phụ nữ
Là một trong những cá nhân uy tín, trải qua nhiều vị trí công tác ở xã Ba Thành (huyện Ba Tơ) và được nhiều người tín nhiệm, bà Phạm Thị Minh Đôi được bầu làm Chủ tịch UBND xã này.
Với sự thấu hiểu, hoạt động trực tiếp tại cơ sở nên bà Đôi nắm rõ những rào cản làm hạn chế sự sự phát triển của phụ nữ vùng cao. Chính vì vậy, người đứng đầu chính quyền xã Ba Thành luôn tìm ra những giải pháp để nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, trong đó, chú trọng triển khai có hiệu quả Dự án 8.
Phụ nữ miền núi tham gia hoạt động chính trị. |
Bà Đôi cho hay, với người đồng bào miền núi nói chung và ở xã Ba Thành nói riêng, trước kia họ rất ngại tiếp xúc với mọi người và tự ti. Nhiều chị em làm tốt nhưng họ ngại không làm được. Do đó, để chị em phụ nữ đồng bào Hrê địa phương tiến bộ, địa phương sẽ tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các hoạt động. Đây là cơ hội để họ có suy nghĩ, nhìn nhận tiến bộ hơn.
Ở xã Ba Thành, bà Đôi là tấm gương sáng để phụ nữ Hrê ở địa phương học hỏi và noi theo. Hiện nay, nhiều phụ nữ Hrê đã tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở xã để khẳng định bản thân trong gia đình và cộng đồng.
Chị Phạm Thị Sung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Teng, (xã Ba Thành) cho hay, chị rất vinh dự khi được giao trọng trách này và tin tưởng sẽ có nhiều người phụ nữ miền núi khác được giao các trọng trách quan trọng hơn. Phụ nữ có thể tự chủ trong suy nghĩ của mình, tham gia chính trị, tham gia phát triển kinh tế tế xã hội, tự chủ trong gia đình…
Chị Phạm Thị Sung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Teng phát triển kinh tế bằng nghề dệt thổ cẩm. |
Tại các địa phương huyện miền núi Quảng Ngãi, phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị. Đặc biệt, nhiều phụ nữ giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, đã phát huy được vai trò của người đứng đầu, kịp thời triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Những năm gần đây tái tạo nguồn cho cán bộ nữ ở vùng đồng bào DTTS có những chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tiêu biểu như ở huyện Sơn Hà, Ban chấp hành đảng bộ huyện có 37 cán bộ thì có đến 10 cán bộ là nữ, chiếm tỷ lệ hơn 22%; Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy có 10 cán bộ thì có 2 cán bộ là nữ. Ngoài ra, còn có 11 cán bộ là nữ giới giữ các chức danh trưởng, phó phòng ở các cơ quan, đơn vị, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương. Đóng góp của phụ nữ đã được khẳng định với những kết quả nổi bật.
Quảng Ngãi chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng truyền thông cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS. |
Tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng truyền thông, giải quyết vấn đề cho đội ngũ cán bộ, dẫn trình viên, tuyên truyền viên nòng cốt địa phương. Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm tăng tỉ lệ cán bộ nữ là người có uy tín tại cộng đồng, tăng số lượng nữ giới trong hệ thống chính trị tại địa phương, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ đồng bào DTTS.