Theo con số được nêu ra, tỷ lệ giải quyết các vụ việc đạt khá cao, trên 80%. Ta có quyền hoài nghi con số này, giống như hoài nghi các số liệu tổng kết khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này, xin nói vào dịp khác. Báo Pháp luật Việt Nam với “sứ mệnh” tuyên truyền phổ biến pháp luật đã rất kiên trì về chủ đề này.
Những ngày này, “câu chuyện Thủ Thiêm” lại “nóng” trên báo chí. Ngày 14/11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lần thứ 3 đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ngồi bên cạnh Chủ tịch TP HCM là Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. “Sau nhiều năm rồi khó mà sửa lại như cũ. Những khuyết điểm, lỗi lầm nào tha thứ được thì mong bà con tha thứ để cùng hợp tác với chính quyền làm tốt nhất. Không phải lúc nào chính quyền cũng đúng”, ông Trưởng ban chân thành.
Nói hai câu chuyện trên để khẳng định rằng, từ xa xưa Bác Hồ đã nói: “Đồng bào có oan ức mới KNTC” là một chân lý. Không ai rỗi hơi đi KNTC, vạ vật trên đường, rơi vào cảnh “ăn đói, nhịn khát”... Thậm chí, dân KNTC còn bị “quy chụp” là “do thế lực thù địch xúi bẩy”.
Phải nói rằng KNTC (nhất là khiếu nại về đất đai, tố cáo về tham nhũng) ngày càng phức tạp, điều này cũng là quy luật, phát sinh do quá trình đô thị hóa, thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị. Giải quyết KNTC của dân ngày càng trở thành một nhiệm vụ nặng nề của chính quyền các cấp, theo luật định.
Nhận thức rõ điều này, về mặt pháp luật, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, pháp luật về KNTC ngày càng được bổ sung. Trước đổi mới, năm 1981, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các KNTC của công dân. Từ đó đến nay, sửa đổi nhiều lần và “hành lang” pháp lý bây giờ có Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, hiện nay là Luật Tố cáo 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019). Ngoài ra, “tiếp công dân”, trước đây quy định trong 2 luật vừa dẫn cũng đã được nâng lên thành Luật Tiếp công dân 2013.
Ai có trách nhiệm tiếp công dân? Điều 4 Luật Tiếp công dân ghi rõ đó là trách nhiệm của người đứng đầu từ Chính phủ cho đến các tổ chức chính trị. Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc “Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh”. Luật pháp ghi sờ sờ như vậy, đáng tiếc không ít người đứng đầu chính quyền địa phương “trốn” trách nhiệm.
Hiện nay có 3 vấn đề đáng lo: KNTC vượt cấp, tái khiếu, KNTC kéo dài, khiếu nại đông người nhất là khi nguyên nhân khiếu nại liên quan đến lợi ích của nhiều người. “Câu chuyện Thủ Thiêm” là minh chứng sống động.
“Nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như của người nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế”, hoan nghênh Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha (ĐB tỉnh Nam Định) khi ông nói ra điều này.