- Trước những vướng mắc mà bạn chia sẻ, luật sư xin tư vấn như sau: Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam và nữ được quyền kết hôn với nhau khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 8 và không thuộc trường hợp cấm tại Khoản 2 Điều 5. Cụ thể, Điều 8 quy định về điều kiện kết hôn: 1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. 2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Tại Khoản 2 Điều 5 quy định cấm kết hôn trong các trường hợp sau: a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Ngoài các điều kiện trên của Luật Hôn nhân và Gia đình, tại Quyết định số1275/2007/QĐ-BCA ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì: yếu tố lý lịch được mang ra để đánh giá điều kiện kết hôn; nếu như gia đình của người bạn đời chiến sỹ công an có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng thì việc kết hôn sẽ không thực hiện được.
Khi kết hôn với người công tác trong ngành công an thông thường phải thẩm tra lý lịch 3 đời. Nếu trong gia đình bạn có một hoặc nhiều đảng viên thì thẩm tra 2 đời cũng được (tùy thuộc vào người đi thẩm tra). Các điều kiện được coi là cấm, không được kết hôn với người trong ngành công an gồm: Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, ngụy quân, ngụy quyền; Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù; Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành...; Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa; Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch).
Như vậy, nam nữ trong ngành công an hoặc kết hôn với người trong ngành công an muốn kết hôn với nhau thì phải thỏa mãn quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình đồng thời đáp ứng điều kiện lý lịch do Bộ Công an quy định.
Theo Luật sư được biết, dù pháp luật chỉ quy định bố mẹ hoặc bản thân người đó đang có tiền án hoặc đang chấp hành hình phạt tù nhưng hầu hết các địa phương đều đưa ra tiêu chuẩn rất chặt chẽ theo đó nhân thân người đó và cha mẹ phải tốt, nghĩa là phải gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trường hợp bản thân hoặc cha mẹ đang có tiền sự cũng rất khó được chấp nhận. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của những người ngành Công an để biết rõ thêm.
Tuy nhiên, luật sư cũng lưu ý với bạn, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tiền sự sẽ được xóa trong vòng 1 năm kể từ ngày bị xử phạt vi phạm hành chính nếu người vi phạm không mắc tiếp những sai phạm. Vậy nên luật sư khuyên các bạn có thể gắng chờ đợi đến khi cha của bạn xóa tiền sự mới tiến hành kết hôn. Chúc bạn sức khỏe!