Nét đẹp nghề truyền thống
Làng Mrông Yố 1(xã Iaka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), một sáng đầu đông, mùa gặt lúa, mùa thu cà phê bắt đầu. Dọc theo những con đường làng, người dân tất tả theo xe lúa, xe cà phê ra rẫy.
Nhưng đâu đó trên bậc thềm của một vài ngôi nhà trong làng vẫn có những khung dệt kẽo cà kẽo kẹt đều đều. Dưới tay dệt của những người phụ nữ, hoa văn truyền thống trên tấm vải dần dần hiện lên.
Từ xa xưa, nghề dệt thổ cẩm không đơn thuần chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Jrai.
Bản sắc văn hóa ấy như đã ngấm sâu vào "máu thịt" người phụ nữ Jrai, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con gái… Cứ thế nối tiếp theo thời gian. Trong mỗi ngôi nhà, hầu hết đều có từ 1 đến 5 khung dệt, nhà càng nhiều phụ nữ thì số lượng khung dệt càng nhiều.
Ông Rơ Châm Bir (làng Mrông Yố 1, xã Iaka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Trước đây, tất cả con gái, phụ nữ Jrai đều phải biết dệt, đó là điều kiện quan trọng nhất để đánh dấu sự trưởng thành của một người con gái.
Khi còn ở với cha mẹ, nghề dệt thổ cẩm giúp các cô gái làm ra những sản phẩm, đem lên phiên chợ bán hoặc trao đổi các vật dụng khác để phụ lo kinh tế cho gia đình. Khi đến tuổi bắt chồng, mọi cô gái đều phải biết dệt những thứ như: khăn, túi đeo, váy, áo, chăn, vỏ gối… để tự phục vụ cho bản thân và gia đình. Hoa văn trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ, sắc sảo thì càng chứng tỏ được giá trị của người con gái”.
Bà Rơ Mah Thai giới thiệu các thao tác dệt thổ cẩm |
Trước đây, thổ cẩm truyền thống thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng, gai nhuộm sậm, hoa văn cũng bằng chỉ nhuộm phẩm màu tự nhiên do tự tay những người phụ nữ làm ra.
Chỉ riêng công đoạn nhuộm sợi cũng đã thấy lắm công phu. Người dân lấy vỏ hoặc lá của những loại cây rừng khác nhau, mang về đâm nhuyễn, sau đó cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, rồi mang phơi khô. Nhuộm sợi bằng cây rừng cho màu đẹp và bền hơn so với nhuộm màu chế bằng hóa chất.
Tuy nhiên, ngày nay sợi bông đã được thay thế bằng sợi công nghiệp như len, tơ tằm vì dễ dệt hơn, giá cả không cao, cũng không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người dệt đỡ vất vả hơn.
Bà Rơ Mah Thai (52 tuổi, làng Mrông Yố 1, xã Iaka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) tỉ mỉ giải thích từng bộ phận của khung dệt và giới thiệu những thao tác đầu tiên khi dệt thổ cẩm. Dụng cụ dệt vải gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang, tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào một trong hai loại khung là khung ngắn và khung dài.
Khi dệt bắt buộc người phụ nữ phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt; tất cả các đầu nối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào một chỗ chắc chắn như cột nhà, gốc cây, khi dệt người thợ dùng chân và lưng của mình căng sợi…
Đôi tay nhanh nhẹn móc từng sợi chỉ đưa qua đưa lại thoăn thoắt, vừa làm bà Thai vừa vui vẻ nói: “Cũng đã hơn 40 năm bắt đầu từ khi mình biết dệt, đến giờ mình quen với công việc này rồi. Ngày nhỏ cứ nhìn mẹ với mấy cô dệt vải, lâu dần thấy thích lắm.
Ban đầu mình tự mày mò học dệt, sau này lớn hơn, mẹ bắt đầu dạy cho những bước cơ bản, thành quen tay. Giờ già rồi, mắt kém hơn nhiều nhưng tay vẫn cứ thành thói quen nên công việc dệt thổ cẩm này chẳng có gì khó khăn với mình nữa rồi”.
Thổ cẩm của người Jrai không đơn thuần chỉ là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của người đồng bào Jrai. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều mang nét đẹp thiên nhiên, truyền thống dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ Jrai.
Người phụ nữ J'rai thường dệt vào tấm thổ cẩm hình ảnh những vật dụng gắn liền với đời sống của dân tộc mình. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những họa tiết mang tính cách điệu và thường thể hiện bằng các hoa văn chấm dải, gồm các mô típ: Bông hoa, con chim, chiêng, ché, ngà voi… dần hiện ra.
Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có một nét văn hóa riêng, với người Jrai thì thổ cẩm chính là thứ để kể lại cho con cháu đời sau nghe những chuyện của thế hệ đi trước. Tuy nhiên, ngày nay khi đời sống phát triển, thổ cẩm dần dần chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội ít ỏi, điều này đã đưa nghề truyền thống đến với nguy cơ bị mai một theo thời gian.
Nỗi lo mai một
Ông Rơ Châm Thuận, cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Iaka (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Trước đây, thổ cẩm không chỉ là nét văn hóa mà còn góp phần tạo nên nguồn sống cho người Jrai. Phụ nữ trong làng ai cũng biết dệt, nhà nào cũng có ít nhất là một khung dệt.
Còn bây giờ, khi đời sống phát triển, số lượng những người biết dệt giảm đi rất nhiều, ruộng vườn, nương rẫy, ngày mùa bận rộn đã chiếm hết thời gian của mọi người. Dệt thổ cẩm chỉ còn là công việc họ dành ra trong thời gian rảnh sau khi lo hết việc nương rẫy. Người lớn thì tập trung đi làm lo kinh tế, bọn trẻ thì tập trung hết vào học hành…”.
Ngưng lại một chút, ánh mắt không giấu nổi nét đượm buồn, ông Thuận tiếp lời: “Lớp trẻ ngày nay ưng mặc quần áo theo lối hiện đại nên nhu cầu về thổ cẩm trong làng nói riêng và toàn xã nói chung đã giảm đi đáng kể.
Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ lớn lên đứa thì lo làm kinh tế, đứa thì dựng vợ gả chồng, chẳng còn mấy đứa quan tâm hay thích thú với nghề truyền thống. Thổ cẩm chỉ còn được trân trọng trong những lễ hội làng, những dịp giao lưu văn hóa văn nghệ mỗi năm”.
Bà Rơ Mah Thai trong bộ trang phục thổ cẩm do chính bà dệt. |
Bà Poih (ngụ làng Ngó 3, xã Iaka) là người phụ nữ lớn tuổi nhất trong xã còn theo nghề dệt thổ cẩm. Bà Poih nay 85 tuổi, có hơn 70 năm gắn bó với nghề. Vừa luôn tay dệt, bà cụ vừa tâm sự, trước đây do nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong cộng đồng người J'rai còn nhiều nên công việc dệt thổ cẩm có thu nhập ổn định.
Nhưng bây giờ nhiều người đã chuyển sang sử dụng trang phục giống như người Kinh nên nhu cầu về thổ cẩm giảm đi rất nhiều. Vì không thể sống nổi bằng nghề nên ngày càng có nhiều người ngậm ngùi chia tay với thổ cẩm.
Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống đang dần mai một, năm 2010, xã Iaka đã tổ chức một câu lạc bộ dệt thổ cẩm cho các chị em phụ nữ trong xã. Mục đích lập câu lạc bộ này là để chị em có cơ hội được chia sẻ, giao lưu những sản phẩm thổ cẩm với nhau, chia sẻ kinh nghiệm dệt cũng như tăng tình đoàn kết. Hơn hết là để giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng người Jrai nơi đây.
Trao đổi với PV, chị H’Ngoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Iaka cho biết: “Trước đây, câu lạc bộ hoạt động sôi nổi lắm, cũng đã có nhiều cơ sở đến đặt hàng về bán, mỗi bộ trang phục thổ cẩm chị em làm ra cũng bán được 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng, nhiều gia đình từ đó cũng khá giả hơn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thổ cẩm không còn bán được nhiều như trước, các sản phẩm làm ra tồn đọng rất nhiều nên hoạt động của câu lạc bộ trở nên chậm hơn. Dịp này đang vào ngày mùa, đi làm thuê là cách chị em lựa chọn để có tiền ngay, góp phần tăng thu nhập cho gia đình thay vì ngồi dệt và chờ bán được sản phẩm”.
Qua hoạt động của một số câu lạc bộ dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh dễ dàng thấy do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, những sản phẩm may mặc ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã nên người dân dần thay những sản phẩm thổ cẩm bằng quần jeans, áo sơ mi… Những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hàng ngày, thậm chí trong những ngày lễ của người đồng bào cũng ít người mặc.
Điều này đã khiến hoạt động của nhiều câu lạc bộ dệt chững lại hoặc ngưng hẳn. Dù những hội viên làm nghề dệt vải thổ cẩm trong câu lạc bộ đã cố gắng cách tân về mẫu mã để sản phẩm không còn đơn điệu nhưng tình hình kinh doanh vẫn không được cải thiện, sức tiêu thụ của sản phẩm càng ngày càng giảm.
Cũng chính vì lý do đó, trước những thềm nhà, trong các câu lạc bộ dệt vắng dần đi hình ảnh những người phụ nữ miệt mài ngồi hàng giờ với sản phẩm thổ cẩm cùng tiếng khung dệt đều đều. Đây chính là nỗi niềm trăn trở không chỉ của những người tâm huyết với nghề mà còn của cả những người đang làm công tác bảo tồn, phát triển nghề, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ông Ksor Sum, Chủ tịch xã Iaka cho biết: “Để duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, chúng tôi đã khuyến khích các gia đình, nhà trường tiếp tục truyền tình yêu nghề cho con em, thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các hội thi, hội diễn tạo cơ hội cho chị em tham gia để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa”.