Trên thực tế, sự phụ thuộc này đã bộc lộ nhiều hạn chế ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, hay nói cách khác, “lỗ hổng” về quyền tham gia của trẻ em đã đến lúc cần phải lấp đầy.
Không muốn nghe trẻ nói
Đó là tâm lý của nhiều người lớn, trong đó có cả thầy cô giáo ở trường và cha mẹ ở nhà. Theo số liệu điều tra năm 2010, ở các tỉnh miền Nam 77,4% cha mẹ được hỏi có thái độ lắng nghe ý kiến của trẻ em, 52% khuyến khích trẻ tham gia ý kiến, 6% không muốn nghe trẻ em nói và 5,7% trách mắng trẻ. Ở các tỉnh miền Bắc tỷ lệ lắng nghe và khuyến khích trẻ tham gia ý kiến thấp hơn miền Nam: 42,6% và 40,1%, tỷ lệ không muốn nghe trẻ em nói và trách mắng trẻ em cao hơn.
Tháng 8/2015, Chính phủ đã phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sẽ có ít nhất 100 câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em được thành lập, tổ chức hoạt động tại nhà trường và cộng đồng.
Với người Việt Nam, thói quen trói buộc trẻ em dường như đã trở thành một “căn bệnh nan y” mà không phải ai cũng nhận ra. Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai trách phụ huynh mong muốn con em mình thành đạt.
Thế nhưng, nhiều người để thực hiện được mong muốn của mình đã mặc quyền thay con định đoạt mọi chuyện với quan niệm “rút kinh nghiệm đời bố, củng cố đời con”.
Vì thế, mới có những câu chuyện mỗi mùa thi cử, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là chọn nghề theo đam mê hay theo ý của bố mẹ, bố mẹ ép đi du học, bị bắt làm những điều mà các em không muốn… Thậm chí, ngay cả mặc gì, ăn gì, chơi như thế nào, nhiều đứa trẻ cũng không được quyền tự chọn.
Tại chương trình đối thoại “Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” diễn ra ngày 16/3/2017, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) thẳng thắn nêu ra vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) để minh chứng cho việc quyền trẻ em bị xâm phạm. Theo bà Linh, học sinh ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua bị áp đặt tham gia vào cuộc khảo sát với sự chỉ đạo của người lớn. Các em đã bị tước đi quyền của mình và thậm chí không được nói “không tham gia”.
Nói về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Hoàng Mai, Hà Nội, Luật sư Lê Văn Luân nhận định, trong vụ việc ở Hoàng Mai, có nhân chứng chứng kiến, trên cơ thể nạn nhân có dấu vết phù nề, có sự thừa nhận của nghi can trong băng ghi âm. Nhưng không phải vụ xâm hại tình dục trẻ em nào cũng có được “may mắn” nhiều chứng cứ như vậy. Trong khi đó, hiện nay các cơ quan điều tra trọng chứng hơn trọng cung, luôn yêu cầu phải có “dấu vết vật chất”, còn lời khai nạn nhân là trẻ em bị xem nhẹ vì thế mà nhiều vụ dâm ô trẻ em mãi bị “chìm xuồng”.
Trong nhiều trường hợp, trẻ em cũng được quyền tham gia nhưng chỉ dừng lại “ở mức độ thông báo, hỏi cho có, thậm chí các em cũng không biết có hay không. Do đó, sự tham gia của trẻ em mang tính chất hình thức chứ không trực tiếp”, theo bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD).
Luật “vá lỗ hổng” về quyền tham gia của trẻ em
Quyền tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền quan trọng được quy định trong Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia).
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này. Nhóm quyền tham gia bao gồm: quyền được hình thành quan điểm riêng và tự do phát triển những quan điểm đó về các vấn đề có tác động đến trẻ em; quyền tự do bày tỏ ý kiến (không trái với pháp luật); quyền tự do giao kết, hội họp tụ tập một cách hòa bình. Tại Công ước này, Liên Hợp quốc cũng khuyến khích cha mẹ cùng con cái giải quyết vấn đề về các quyền của trẻ em “một cách phù hợp với khả năng tư duy của trẻ”.
Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 khẳng định, trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được tham gia vào các vấn đề của trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập cụ thể về quyền được chăm sóc nuôi dưỡng của trẻ em, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Bộ luật Hình sự có nhiều điều quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình trực tiếp và gián tiếp liên quan đối với việc lạm dụng thể chất của trẻ em.
Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 dành hẳn một chương để thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” quy định về quyền tham gia của trẻ em (Chương 5: Trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em) bao gồm các quy định nhằm đảm bảo sự tham gia của trẻ em và biện pháp bảo vệ sự tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng. Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thị Lan Hương - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Trẻ em Việt Nam:
Những việc hệ trọng của trẻ em như học ở đâu, chọn nghề gì, chọn đồ chơi hay hình thức giải trí nào thì hầu như trẻ ít khi được lựa chọn mà đều bị cha mẹ áp đặt. Trẻ em gái thường không được có ý kiến về những vấn đề trong gia đình, thậm chí có nơi các em đóng góp công sức vào thu nhập gia đình thì hầu hết vẫn không được tham gia vào quyết định sử dụng nguồn thu nhập đó.
Bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam:
Trẻ em Việt Nam đang gặp các rào cản trong việc thực hiện quyền tham gia của mình vì nạn tảo hôn, phải tham gia lao động sớm, chưa được đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần và bị bố mẹ bao bọc hoàn toàn từ việc ăn, học, học nghề, xin việc, lập gia đình đến việc chăm sóc con cái…
Các bậc cao niên không bao giờ coi con là bạn mà chỉ áp đặt, vẫn coi chúng là những đứa trẻ to xác, khởi nghiệp muộn và đến khi có gia đình vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Tất cả người lớn đều rất kỳ vọng vào tương lai của con cháu, họ mong con mình sẽ có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, tự lập, biết lựa chọn bạn đời, có việc làm ổn định, biết giúp đỡ người khác, có sức khỏe…
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD):
Chúng ta cam kết thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và có những hành lang pháp lý rất tốt cho sự tham gia của các em. Nhưng đâu đó trong thực tế, việc thực hành cho sự tham gia này không tồn tại hoặc hình thức chưa hiệu quả để trẻ em có thể lên tiếng. Chúng ta thấy những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy “lỗ hổng” trong sự tham gia của các em rất rõ. Bây giờ chúng ta quy định chi tiết hơn, có những hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng cũng như cán bộ nhà nước. Và, tất cả chúng ta cùng chung tay. Tôi nghĩ đây không phải là trách nhiệm của mình Nhà nước, mà chính trong gia đình, cộng đồng tạo ra môi trường an toàn để trẻ em tham gia.