Đối phó dịch bệnh
Đã từng có kịch bản các trận đấu thuộc các giải bóng đá hàng đầu như UEFA Champions League, Ngoại hạng Anh (Premier League), Vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga), Vô địch Italia (Serie A)… diễn ra trên sân vận động không có khán giả. Chỉ cần nghĩ đến đó đã thấy mọi thứ trở nên rất nhàm chán.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tình huống xấu nhất. Nhiều quốc gia châu Âu đã trở thành tâm dịch, trong đó có Italia, Tây Ban Nha… Và sau nhiều bàn bạc với những ý kiến khác nhau, cuối cùng tất cả các giải đấu đã phải “đóng cửa”. Không đơn giản chỉ là việc tránh tụ tập đông người, mà còn vì chính sức khỏe của các cầu thủ, huấn luyện viên hàng đầu.
Đầu tiên phải kể đến là giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới cấp câu lạc bộ - UEFA Champions League. Hiện tại, các loạt trận lượt về vòng 1/8 đã bị hoãn. Đã có nhiều phương án được đưa ra, trong đó nhiều tờ báo tại châu Âu cho rằng UEFA sẽ để vòng tứ kết và bán kết Champions League chỉ đá 1 trận duy nhất thay vì áp dụng thể thức lượt đi, lượt về. Nơi tổ chức các trận đấu sẽ là 1 sân vận động trung lập tại 1 quốc gia không có 2 đội tham gia trận đấu.
Còn trang web chính thức của Premier League đã ra thông báo rằng các trận đấu sẽ lại được tổ chức vào ngày 4/4 tới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ít ai nghĩ giải đấu sẽ vẫn được tiếp tục. Thậm chí, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Anh trong những phát biểu với giới truyền thông cũng bóng gió về việc giải đấu không thể kết thúc vì dịch bệnh.
Nếu điều đó xảy ra, sẽ rất tai hại, bởi Liverpool chỉ cần 2 trận nữa là đường đường chính chính lên ngôi vô địch. Trong khi đó, khoảng cách giữa nhóm trụ hạng và 3 đội cuối bảng cũng không nhiều. Vậy ai sẽ chịu xuống chơi tại Giải hạng nhất mùa tới? Mọi việc cũng trở nên rối ren hơn bởi Quy chế Ngoại hạng Anh không hề đề cập kế hoạch dự phòng nếu mùa giải đột nhiên bị tạm dừng hoặc hủy giữa chừng.
1 trận đấu tại UEFA Champions League diễn ra trên sân vận động không khán giả |
Tại La Liga, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha thậm chí đã đưa ra đến 4 kịch bản và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp bất thường được tổ chức ngày 25/3 tới. Phương án 1, La Liga vẫn sẽ trở lại từ ngày 4/4 và hoàn thành đủ 38 vòng đấu. Tuy nhiên, các cầu thủ sẽ phải cày ải rất nhiều bởi lịch thi đấu bị dồn lại. Chưa kể, mọi thứ cũng trở nên lộn xộn khi lịch thi đấu các cúp châu Âu cũng chưa có.
Phương án 2, mùa giải kết thúc vô nghĩa, tất cả các thành tích của các đội bóng sẽ không được công nhận. Như vậy mùa giải này sẽ không có đội vô địch, cũng chẳng có đội xuống hạng. Phương án 3, mùa giải kết thúc ngay, có nghĩa là lấy kết quả hiện tại của các đội để chọn ra nhà vô địch và các đội bóng xuống hạng hay dự cúp châu Âu mùa tới. Phương án cuối cùng là công nhận kết quả ở giai đoạn lượt đi. Đồng nghĩa đội đứng đầu bảng sau 19 vòng đầu tiên sẽ lên ngôi vô địch, còn 3 đội xếp cuối bảng tính đến thời điểm đó sẽ nhận vé xuống hạng.
Tại Serie A, gần như chắc chắn giải đấu này sẽ bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, vẫn có những phương án được đưa ra. Đầu tiên là tổ chức hai giải đấu play-off riêng biệt, một để quyết định đội vô địch và 1 để xác định các đội xuống hạng. Tuy nhiên, các câu lạc bộ đã ngay lập tức phản đối. Phương án tiếp theo là hủy bỏ kết quả của mùa giải, sẽ không có đội vô địch, không có đội xuống hạng. Một phương án nữa là kết thúc mùa giải tại thời điểm này và công nhận kết quả hiện tại. Điều này đồng nghĩa Juventus sẽ lên ngôi sớm. Các suất dự cúp châu Âu được xác định dựa trên bảng xếp hạng hiện có. 3 đội đang trong nhóm “cầm đèn đỏ” sẽ xuống hạng.
Thiệt hại vô cùng lớn
Tất nhiên, điều ban tổ chức các giải đấu và các đội bóng lo ngại nhất vẫn là sự thiệt hại về mặt tài chính. Liên đoàn bóng đá châu Âu chắc chắn không thể dừng Champions League, bởi nó đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Thống kê cho thấy có tới 4 tỷ người theo dõi UEFA Champions League. Cả tiền bản quyền truyền hình lẫn các hợp đồng tài trợ đều là những con số khổng lồ.
Tại “xứ sở sương mù”, Premier League đang có nguy cơ thiệt hại lên đến 750 triệu bảng (khoảng 922,5 triệu USD). Con số giật mình này được giới truyền thông nước Anh tính toán dựa trên số tiền bản quyền truyền hình và các hợp đồng tài trợ sẽ không được thanh toán nếu giải đấu kết thúc ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ cũng đang đứng trước những thiệt hại to lớn về tài chính bởi dịch Covid-19.
Chưa kể, ngoài số tiền tài trợ khả năng bị thiệt hại, các đội bóng cũng sẽ mất đi một nguồn thu rất lớn từ bán vé. Cụ thể, các sân vận động có sức chứa lớn nhất như Old Trafford (Man United), Emirates (Arsenal), Etihad (Man City)… có doanh thu bán vé trung bình khoảng 4-5 triệu bảng/trận. Nếu các trận đấu không được tổ chức, mỗi đội sẽ mất trắng khoảng 20-25 triệu bảng.
Về giá trị đội bóng, có lẽ không câu lại bộ nào bị ảnh hưởng nhiều như Man United. Theo thống kê gần nhất, mỗi cổ phiếu của câu lạc bộ Man United ở mức 11,47 bảng. Con số này ở thời điểm cách đây 3 tuần là 15,34 bảng/ cổ phiếu. Với mức sụt giảm như thế, ước lượng giá trị của Man United bị giảm từ hơn 3 tỷ bảng xuống còn khoảng 2,5 tỷ bảng. Điều đó có nghĩa hơn 500 triệu bảng đã “mất hút” bởi đại dịch toàn cầu.
Thiệt hại về tiền bán vé sẽ vô cùng lớn |
Tại Tây Ban Nha, con số thiệt hại mà truyền thông nước này đưa ra nếu La Liga buộc phải kết thúc sớm là 435 triệu Euro (gần 483 triệu USD) tiền bản quyền truyền hình, hơn 79 triệu Euro từ tiền vé dài hạn và gần 38 triệu Euro từ vé lẻ từng trận. Tất nhiên, đó chỉ là những thống kê sơ bộ bởi nếu tính chung, mức thiệt hại do Covid-19 gây ra tại Tây Ban Nha còn lớn hơn cả Premier League bởi nó tác động cả vào kinh tế xứ sở bò tót.
Từ trước đến nay, giải bóng đá hàng đầu nước nay đã đóng góp tỉ trọng không nhỏ vào nền kinh tế quốc dân bởi rất nhiều doanh nghiệp như du lịch, dịch vụ “ăn theo” La Liga. Chưa kể, ngoài 2 câu lạc bộ Real Madrid và Barcelona, những câu lạc bộ còn lại ở Tây Ban Nha vốn không “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như các câu lạc bộ tại Anh. Vì thế, khoản tiền nhận được từ bản quyền truyền hình và bán vé sụt giảm sẽ khiến nhiều đội bóng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn về tài chính.
Riêng UEFA, không chỉ Champions League, chắc chắn họ cũng đang rất đau đầu với Euro 2020, sân khấu lớn nhất của bóng đá châu Âu diễn ra vào mùa hè này. Trên truyền thông, lãnh đạo UEFA cho biết đang cân nhắc về việc hoãn Euro 2020 khi dịch Covid-19 vẫn lan rộng. Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi dịch bệnh đang hoành hành ở châu Âu, và Euro 2020 lại tổ chức tại 12 thành phố của 12 quốc gia như Anh, Italia, Đức, Đan Mạch…
Chắc chắn dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến Euro 2020, nhưng chưa rõ mức độ tàn khốc như thế nào. Những sân vận động được xây dựng, nâng cấp, những kế hoạch tổ chức hoành tráng, những sự chuẩn bị của các đội tuyển quốc gia…, tất cả đều phải chờ diễn biến của dịch bệnh.