Làng nghề hải sản khô, 'đại sứ' du lịch Cửa Lò

Ngoài hải sản khô thông thường, người dân Cửa Lò còn chế biến các món mực rim, cá rim đựng trong hộp để tiện lợi cho du khách.
Ngoài hải sản khô thông thường, người dân Cửa Lò còn chế biến các món mực rim, cá rim đựng trong hộp để tiện lợi cho du khách.
(PLVN) - Tại thị xã biển này, mỗi hộ buôn bán đều ý thức được công việc kinh doanh của mình cũng là “đại sứ” du lịch đặc biệt. Họ không chỉ bán cá, mực… mà còn giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, giới thiệu con người xứ Nghệ hảo sảng và mến khách.

“Bà con làng nghề chúng tôi hiểu rằng mùa du lịch không chỉ là dịp để bán được nhiều hàng mà còn là cơ hội để quảng bá sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Do đó phải luôn cố gắng làm ra những sản phẩm hải sản khô chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành phải chăng. Có được ý thức đó một phần là nhờ việc mở lớp học ứng xử du lịch cho các hộ kinh doanh hải sản khô trên địa bàn”, ông Hoàng Văn Yên, Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt và chế biến hải sản ở khối 7, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, chia sẻ.

Bí quyết nghề

Cửa Lò (Nghệ An) những ngày cuối tháng 5 đã có khá đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh đổ về tắm mát, nghỉ dưỡng. Nhưng theo những người con của làng biển, đây chưa phải là lúc cao điểm, bởi khách du lịch đổ về Cửa Lò đông nhất là khi bước sang tháng 6 và kéo dài đến hết tháng 8 trong năm.

Trên các tuyến đường ở phường Nghi Thủy, các ki ốt kinh doanh hải sản khô nườm nượp khách ra vào. “Đến Cửa Lò tắm mát, ăn hải sản mà không có gói mực khô, cá khô, tôn nõn hay cá thu mang về làm quà cho người thân hoặc để tủ lạnh ăn dần là điều thiếu sót”, một du khách Hà Nội vừa mua hàng vừa chia sẻ.

Sở dĩ hải sản Cửa Lò được nhiều người lựa chọn như vậy, theo ông Hoàng Văn Yên (SN 1964, Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt và chế biến hải sản ở khối 7, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) là do ngon đậm đà và có vị đặc trưng riêng.

Thiên nhiên ưu đãi cho Cửa Lò có nước biển không nhạt, không quá mặn. Nếu như ở các tỉnh phía Bắc nước biển thường nhạt do tác động của nhiều hệ thống sông, lạch; nước biển ở miền nam thường có độ mặn cao thì tại Cửa Lò nước biển lại có độ mặn vừa phải. Điều này giúp hải sản ở đây sau khi chế biến khô luôn giữ được mùi vị đặc trưng, thơm, ăn một lần nhớ mãi.

Hải sản Cửa Lò vốn ngon, nhưng để phơi khô giữ được hương vị lại cần bí quyết riêng.
Hải sản Cửa Lò vốn ngon, nhưng để phơi khô giữ được hương vị lại cần bí quyết riêng.

Là người có thâm niên gần 20 năm trong nghề, ông Yên bật mí để phơi hải sản khô ngon cần có những bí quyết riêng. Đầu tiên phải chọn nguồn hàng tươi, sạch. Tôm, mực, cá, tép sau khi được đánh bắt ngoài biển về được lựa chọn, phân loại để đem đi phơi. Một bí quyết nhỏ mà các ngư dân nơi đây thường sử dụng là rửa hải sản bằng nước biển sạch, chứ không dùng nước ngọt. Bởi theo họ, thao tác tuy nhỏ này nhưng giúp hải sản khi khô có độ mặn, ngọt vừa đủ, tránh mùi tanh.

Khi các loại hải sản đã ráo nước thì được đem đi phơi trên những tấm lưới khô, sạch. Tùy thời tiết và loại hải sản mà người làm có thể ước lượng phơi bao nhiêu nắng cho hợp lý. Những nguyên tắc này đều nằm trong bí quyết của những người lành nghề.

Ngồi gói những con cá khoai khô, tép khô vào túi bóng, chị Nguyễn Thị Nghi, chủ một cơ sở chế biến hải sản khô, cho biết chị đang chuẩn bị đơn hàng để gửi cho khách ở Hà Nội. Cơ sở của chị giữ được mối khách này từ nhiều năm nay chỉ sau một lần vị khách này tình cờ ghé mua hàng. Nhận thấy hải sản khô thơm ngon, giá cả phải chăng nên sau chuyến du lịch, vị khách này thường xuyên đặt hàng qua điện thoại.

Theo các hộ dân kinh doanh, hải sản khô Cửa Lò phong phú, đa dạng, nhưng nổi bật nhất là cá khoai, tôn nõn, tép khô, cá chỉ vàng, mực và cá thu.... Nhờ có vị thơm, bảo quản lâu, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn làm thức quà mỗi khi rời Cửa Lò.

Lớp học ứng xử du lịch

Giữa nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, những người kinh doanh hải sản khô ở Cửa Lò đã nhạy bén để mặt hàng đặc sản này vừa đảm bảo chất lượng, vừa giảm giá thành. Điều đó được thể hiện qua khâu chế biến, nếu như nhiều nơi khác, những ki ốt bán hải sản khô thường mua lại của người khác, do đó giá thành thường đội lên vài giá thì ngư dân Cửa Lò lại tự làm “từ A đến Z”.

Họ là người trực tiếp lựa chọn những loại tôm, cá tươi ngon, rồi tự tay phơi, bảo quản và bán những mặt hàng này. “Như thế vừa tiết kiệm được chi phí, tận dụng được nhân công nhàn rỗi và vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Yên nói.

"Luật bất thành văn" trong kinh doanh giúp người dân Cửa Lò giữ được hình ảnh đẹp với du khách.
"Luật bất thành văn" trong kinh doanh giúp người dân Cửa Lò giữ được hình ảnh đẹp với du khách.

Trong quá trình buôn bán, một quy định luật bất thành văn giữa những hộ kinh doanh nơi đây với nhau là không được chèo kéo khách hàng. Khách vào cửa hàng nào thì nơi đó giới thiệu, bán hàng, những ki ốt bên cạnh không được có những hành động lôi kéo khác. Hơn nữa, các mặt hàng bán đều phải niêm yết giá cả công khai, minh bạch.

Một điều “nghiêm cấm” nữa là người bán không được cân thiếu, cân gian cho khách. Ông Yên thừa nhận cách đây hơn chục năm, một số hộ đã kinh doanh bằng hình thức cân gian lận, nhưng hiện nay việc đó đã được “quán triệt” hoàn toàn.

Hàng năm phường Nghi Thủy đều kết hợp với thị xã Cửa Lò mở lớp học cho các hộ dân kinh doanh. Tham dự lớp họckhoảng 56 thành viên là những người trực tiếp kinh doanh hải sản khô trên địa bàn. Tại lớp học này, ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, họ còn được học cách ứng xử du lịch từ việc mời chào khách thế nào cho thân thiện, những cử chỉ lịch thiệp để không làm khách hàng khó chịu, hoặc cảm thấy ái ngại khi không chọn được mặt hàng ưng ý.

“Những điều tưởng đơn giản nhưng được dạy kỹ lưỡng, thiết thực bằng tình huống cụ thể. Qua đó giúp nhiều người thay đổi nhận thức về làm kinh doanh, nhất là kinh doanh du lịch. Thay vì chỉ bán được hàng một lần thì học cách giữ chân khách, làm thế nào sau khi khách đi nghỉ mát ở Cửa Lò về vẫn liên hệ mua hàng. Đó là mục đích quan trọng của những buổi học này”, ông Hoàng Văn Yên chia sẻ. Ông cho biết đến nay Hiệp hội đánh bắt và chế biến hải sản ở khối 7 đã có  5 năm tổ chức những lớp học như vậy.

Những đứa trẻ vùng biển cũng ý thức được vai trò "đại sứ" du lịch cho quê hương mình.
Những đứa trẻ vùng biển cũng ý thức được vai trò "đại sứ" du lịch cho quê hương mình.

Việc tổ chức những lớp học trên giúp hình ảnh Cửa Lò đẹp hơn trong lòng du khách. Điều đó thể hiện qua những con số biết nói: lượng khách du lịch năm sau đều cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, Cửa Lò đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 13,4% so với năm 2017.

Một kỷ niệm mà gia đình ông Yên nhớ mãi là cách đây không lâu, có đoàn khách ngoài việc mua rất nhiều hải sản khô làm quà còn đặt mua 100 kg cá thu mang về. Để kịp thời gian đoàn rời khỏi Cửa Lò, cả gia đình ông phải làm việc cật lực từ chiều hôm trước đến 3 giờ sáng mới xong. Tuy mệt, nhưng ai cũng vui mừng vì bán được hàng, mừng hơn nữa là quảng bá được những món ăn đặc sản của vùng biển mình.

Tại thị xã biển này, mỗi hộ buôn bán đều ý thức được công việc kinh doanh của mình cũng là “đại sứ” du lịch đặc biệt. Họ không chỉ bán con cá, con mực… mà còn giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, giới thiệu con người xứ Nghệ hảo sảng và mến khách.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.