Thanh Tiên rộ sắc
Trải qua hơn 300 năm tồn tại, làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang được biết đến như là ngôi làng của mùa xuân. Bởi cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, mảnh đất vốn thuần nông này lại khởi sắc, nhộn nhịp với những cánh hoa muôn vạn màu sắc.
Hoa giấy được thờ trên các bàn thờ tổ tiên, các am, miếu, đền đình vào dịp Tết cổ truyền, mỗi năm một lần. Nó không chỉ là cách mà người dân ở đây trang trí nơi trang nghiêm mà còn là một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Giá hoa giấy khá rẻ, chỉ 3.000-5.000 đồng một cành, màu sắc, mẫu mã lại đa dạng, phong phú nên được rất nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh việc sản xuất các loài hoa giấy giản dị, gần gũi, trong những năm gần đây, người dân làng Thanh Tiên còn sản xuất thêm sen giấy.
Đây là mặt hàng bán chạy và được nhiều người sử dụng để trang trí nhằm tạo một không gian thanh tịnh, ấm áp trong những ngày đầu năm. Mỗi cành sen được bán ra thị trường với giá từ 13.000-15.000 đồng.
Ông Nguyễn Hóa, một trong số những người lâu năm gắn bó với nghề cho biết: “Năm nay, lượng hàng đặt cao hơn mọi năm, riêng tại cơ sở của tôi đã hơn 3.000 nhánh. Đầu ra của hoa giấy khá ổn định, các tiểu thương về lấy hàng tận nhà”.
Ông Hóa cũng cho biết thêm, để đáp ứng thị hiếu cũng như để góp phần giữ gìn nét đẹp tín ngưỡng của người dân, các cơ sở sản xuất hoa giấy luôn mày mò , tìm kiếm và sáng tạo ra nhiều sản phẩm hoa với hình dáng, màu sắc mới lạ, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Tranh làng Sình hồi sinh
Nằm cách làng hoa giấy Thanh Tiên không xa, tranh làng Sình (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cũng háo hức, tất bật không kém. Sản phẩm chính của tranh làng Sình thường là lịch, bộ bát âm, tranh dân gian từ con người đến đồ vật, tranh thờ (gồm tranh Thế mạng và tranh Truyền hồn)…
Người dân Cố đô quan niệm dùng tranh làng Sình không chỉ để trang trí mà còn thể hiện mong muốn cầu an, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đặc biệt, đối với loại tranh Thế mạng , phong tục đốt tranh vào mỗi dịp cúng sao hạn, đêm 30 như là cách giúp họ tránh khỏi những tai ương, rủi ro trong cuộc sống.
Người dân Cố đô quan niệm dùng tranh làng Sình không chỉ để trang trí mà còn thể hiện mong muốn cầu an, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đặc biệt, đối với loại tranh Thế mạng , phong tục đốt tranh vào mỗi dịp cúng sao hạn, đêm 30 như là cách giúp họ tránh khỏi những tai ương, rủi ro trong cuộc sống.
Hiện nay, toàn làng chỉ có khoảng 10 người còn gắn bó với nghề làm tranh. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chia sẻ: “Thu nhập từ nghề làm tranh không cao, để hoàn thành một bức tranh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tuy vậy, giá tranh vẫn không thay đổi so với mọi năm”.
Mứt gừng đỏ lửa
Làng Kim Long (P.Kim Long, TP. Huế) nổi tiếng với nghề làm mứt gừng đặc sản. Mứt Kim Long tạo được thương hiệu nhờ hương vị cay nồng, ngọt sắc đặc trưng khẩu vị của người Huế.
Làng mứt gừng chỉ hoạt động từ đầu tháng Chạp đến 25 Tết. Vào những ngày này, đi đến Kim Long hầu như chỉ ngửi thấy mùi hương nồng của gừng.
Được biết, mứt gừng Kim Long giữ được vị cay nguyên chất nhờ các công đoạn được tiến hành hết sức cẩn thận. Người làm mứt gừng phải giữ đúng công thức truyền từ đời này sang đời khác, không được thêm, bỏ bớt một công đoạn nào hay sử dụng bất kỳ một loại phụ gia thực phẩm nào khác.
Mứt gừng (Ảnh minh họa từ Interrnet) |
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh mứt trái cây rất hấp dẫn và bắt mắt. Tuy nhiên, mứt gừng vẫn giữ được vị thế và được người Huế xem như là một món thực phẩm không thể thiếu bên ly trà ấm trong bàn khách.
Ông Nguyễn Văn Dân, chủ một lò mứt gừng lâu đời cho biết : “Mứt gừng Kim Long từ xưa đến nay vẫn là mặt hàng bán chạy nhất. Người mua cần phải nhận biết được đặc điểm để tránh mua nhầm. Cụ thể, mứt gừng Kim Long phải có lát dày, vì không thêm màu thực phẩm nên mứt Kim Long chỉ có một màu vàng tươi”.
Hiện tại, các lò làm mứt gừng đang rất nhộn nhịp để làm kịp các đơn đặt hàng ở khắp mọi nơi. Năm nay, do giá thành các nguyên liệu có giảm nhẹ nên giá sản phẩm mứt gừng cũng giữ được ổn định, từ 40.000-50.000/ kg.