2.000 mẫu mã “bay” đi khắp nơi
Cách Hà Nội khoảng 30km theo quốc lộ 1, làng nghề đan guột tế nổi tiếng gần 400 năm Lưu Thượng nép mình sau lũy tre làng bình dị. Ngừng tay đan giỏ quà, cụ Trần Văn Nha, 70 tuổi, là một trong những “cây đa, cây đề” đan guột tế, thủ từ đình Lưu Thượng kể về “lai lịch” nghề.
Theo cụ, vào năm 1626 (tức thế kỷ 17), vùng đất này còn hoang sơ, có rừng rậm âm u chen lẫn đầm, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại. Dân khắp nơi đến đây tụ cư lập nguyệp, khai hoang dựng nhà làm ăn. Trong lúc dựng nhà, có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thảo Lâm đã tìm những sợi dây nhỏ, bền chắc trên rừng gọi là cỏ guột tế mang về sử dụng. Bà lấy dây nối buộc khung nhà lại với nhau. Thấy sợi dây này bền chắc, bà xé nhỏ đan thành các vật dụng hàng ngày như rổ, rá, nón, áo tơi… rồi chỉ bảo cách đan cho dân làng. Từ đó, nghề đan guột tế ra đời và trở thành một nghề truyền thống.
Riêng về bí quyết chẻ cây guột tế thì chỉ có những “cây đa, cây đề” ở thôn Lưu Thượng mới có thể nắm được. Theo dân làng Lưu Thượng, thứ cỏ guột được chọn có xuất xứ từ các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng… vì chất lượng tốt hơn so với các vùng khác.
Thông thường, guột tế cần phải được phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng, cả về độ bền và màu sắc. Với guột tế kỵ nhất là gặp trời mưa, màu sẽ bị xỉn và độ dẻo, dai của nguyên liệu sẽ không đạt yêu cầu.
Tùy từng loại hàng hóa và mục đích sử dụng mà cây guột tế được để nguyên hay chẻ ra làm 2- 5 phần. Sau đó, guột tế được dùng để đan, tạo hình cho các sản phẩm. Thành phẩm được hun qua bằng diêm sinh, sau đó được nhúng qua dầu keo để tăng độ bền cho sản phẩm. Nhúng dầu keo xong, sản phẩm sẽ được phơi hoặc sấy khô rồi tiếp tục nhúng dầu lần 2, hoặc có thể đến lần 3 tùy yêu cầu của từng loại sản phẩm khác nhau. Công đoạn cuối cùng là phun dầu bóng vào sản phẩm để tăng thêm tính thẩm mỹ.
Có một dạo, người trong làng thu mua guột, chế thành nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề khác là chính như làng đan ở Ninh Sở, làng rổ rá ở Cầu Bầu, làng nong nia ở Lau, Trường Thịnh, làng nón ở Chuông... Nhưng về sau do nhu cầu phát triển nên được lan ra các xã khác và ngày một phát triển.
Sản phẩm của dân làng Lưu Thượng |
Ngày nay, người dân Lưu Thượng kết hợp sợi cây guột với tre nứa, bèo tây, mây tre, bẹ chuối tạo nên rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ. Guột tế giống mây tre ở gốc gác thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Nhưng guột tế “ăn đứt” sợi mây, nan tre bởi màu sắc đỏ nâu tự nhiên vừa bền vừa đẹp. Đặc biệt, guột tế mềm mại, dẻo dai, rất dễ cho việc tạo dáng, tạo hình cho các sản phẩm.
Sau hơn 400 năm phát triển, làng đã tạo ra hàng chục loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã bán khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất ra nước ngoài. So với nôi trẻ em, rổ rá, bàn ghế, con vật…, những lẵng giỏ hoa, bình hoa, khay đựng... nhu cầu đặt hàng tăng đột biến trong những ngày giáp Tết.
Thu hút nhiều du khách
Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi), gia đình 4 đời làm nghề đan lát cho hay, nhu cầu xã hội phát triển, ngày tết người tặng quà không muốn để quà trong túi nilông. Họ muốn bày biện trong những chiếc giỏ guột, mây tre xinh xắn, bắt mắt. Gia đình bà năm nay nhận được đơn đặt hàng 1 vạn lẵng hoa đựng quà ngày tết các loại. Ngoài tổng động viên các con cháu trong gia đình, bà phải thuê thêm người làm để kịp tiến độ giao hàng.
Cơ sở mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn May chủ yếu xuất khẩu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… nhưng vẫn dành một số hàng để tung ra thị trường tết. Các sản phẩm được bày la liệt ở khoảnh sân rộng hàng trăm mét. Những mặt hàng thành phẩm xếp thành hàng đợi xuất xưởng. Thợ trong xưởng khoảng 25 người hăng hái làm việc. Người đóng vành, người thu gom...Thu nhập trung bình trên 100 ngàn đồng/người/ngày.
Người dân làng nghề 400 tuổi đang hối hả vào mùa Tết |
Theo Trường thôn Trần Văn Tẫn, làng Lưu Thượng có gần 400 hộ dân thì tới 90% hộ làm nghề. Ở đây ai cũng biết làm nghề đan guột, từ những đứa trẻ 10 tuổi. Nghề đan guột không cần đầu tư về máy móc, trang thiết bị. Tất cả các công đoạn đều bằng tay. Cơ sở mỹ nghệ nào “xịn” lắm thì đầu tư một lò sấy hơi, khoảng hơn trăm triệu đồng; xây dựng bể nhúng và có sàn dốc để tận thu nước và sử dụng sân để phơi khô.
Trung bình mỗi gia đình có thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Thanh niên trong làng không phải vất vưởng tìm những công việc phổ thông ở các thành phố lớn. Làng nghề còn thu hút nhiều lao động ở các làng lân cận đến làm thuê.
Làng Lưu Thượng còn là một địa điểm thu hút khách du lịch. Đến đây, du khách không chỉ được chứng kiến các công đoạn làm giỏ mà còn được trải nghiệm khi tự tay thực hiện việc đan lát. Một bạn trẻ hào hứng đan giỏ hoa nhỏ và cho biết: “Tôi đã tự mình làm ra nó, không đẹp như những người thợ ở đây nhưng tôi rất vui. Giỏ này tôi sẽ cắm hoa ngày Tết”… /.