Rùng mình nhớ lại ngày dài rau rừng thay thịt
Sinh năm 1987, lấy chồng khi mới 17-18 tuổi, Hiên chỉ được học hết tiểu học. Bố mẹ chồng đều già, hai vợ chồng lại không nghề nghiệp, chỉ bám vào ruộng nương, vào rừng để sống. Vụ nông nhàn, nhàn làm thì nhàn tiêu. Không biết làm gì, hai vợ chồng vào rừng chặt luồng làm cọc bán lấy tiền. 2.000đ/cọc, ngày nào chặt nhiều thì được vài chục nghìn đồng, còn không thì chỉ mười mấy nghìn.
Năm 2006, khi chị Hiên mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc kinh tế gia đình khó khăn nhất. Bụng mang dạ chửa, không thể đi vào sâu trong rừng để tìm luồng, những nơi ở gần thì người ta cũng đã chặt hết, có lúc chị phải đi bộ đường rừng vài ki lô mét mới có luồng để chặt. “Bầu bí” vượt mặt nhưng vẫn phải vác cọc về bán. Giờ nghĩ lại những ngày đó, chị Hiên không khỏi rùng mình và cũng không hiểu sao ngày đó chị khỏe thế.
Nghèo thường đi cùng với hèn, vì quá nghèo nên vợ chồng chị cũng không dám vay mượn ai. Vì vay cũng không biết làm cách nào để trả, mà nhìn gia cảnh chị, ai dám cho vay. Thế là hai vợ chồng co kéo để sống. Đến năm 2006 mà chị vẫn còn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn, thức ăn cũng chỉ rau rừng, không thịt, không cá. Hoàn cảnh lúc đó của chị giống như cái chăn rách, kéo chỗ này hở chỗ kia. Không những thế, mỗi khi bố mẹ chồng đau yếu là vợ chồng chị lại cuống lên lo tiền. Mỗi khi nhớ lại những ngày này chị lại không khỏi ngậm ngùi…
Làm giàu từ… 500 nghìn đồng
Trước khi vay vốn của Ban Tài chính vi mô, tổ chức Tầm nhìn Thế giới, gia đình chị Lê Thị Hiên thuộc diện hộ nghèo trong thôn, không có tài sản gì, 2 vợ chồng chỉ trông vào tiền công đi chặt luồng/cọc thuê 200 - 300 ngàn đồng/tháng. Với khát vọng thoát nghèo, vợ chồng chị rất muốn vay vốn đề đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng không biết vay ở đâu vì trong nhà không vật gì có giá trị đủ để thế chấp ngân hàng.
Năm 2006 chị Hiên đã đăng ký tham gia vay vốn lần đầu với mức vay chỉ 500.000 đồng để chăn nuôi lợn và mua máy bào gỗ cho chồng làm mộc, trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình 3 người gồm hai vợ chồng và một con trai nhỏ. Sau 1 năm, chị vừa trả được hết nợ, vừa lãi được đàn lợn nên chị rất phấn khởi và tự tin với quyết định vay vốn của mình.
Chị tiếp tục mạnh dạn vay các vòng tiếp theo với số vốn nhiều hơn để mở rộng chăn nuôi lợn. Thông qua việc vay vốn, chị cũng tập được cho mình thói quen tiết kiệm, ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia sinh hoạt cùng các chị em khác trong nhóm/cụm ở thôn.
Năm 2009, chị Hiên thấy người dân trong làng thích ăn đậu phụ nhưng phải mua ở làng khác hoặc mua từ người ở thị trấn mang đậu phụ vào làng để bán. Chị quyết định học nghề làm đậu phụ, vừa bán phục vụ dân làng, vừa tận dụng được bã đậu chăn nuôi lợn. Sau khi học nghề xong, chị Hiên đã vay vốn của tổ chức Tầm nhìn Thế giới mua máy nghiền đậu và bắt đầu làm.
Ban đầu, kỹ thuật chưa tốt, đậu làm ra không ngon nên chị không bán được hàng, vì vậy chị đã phát miễn phí cho dân làng ăn thử để lấy ý kiến góp ý. Sau gần 1 tháng vừa làm, vừa điều chỉnh công thức, chị đã nấu được đậu phụ ngon phù hợp với khẩu vị của người dân.
Là người đầu tiên và duy nhất sản xuất đậu phụ trong làng nên hàng của chị bán rất chạy. Mỗi ngày, chị có thêm gần 200 ngàn đồng doanh thu từ bán đậu phụ. Dân làng có thể mua đậu phụ của chị bất kỳ lúc nào trong ngày, không còn phụ thuộc vào người bán rong đem từ thị trấn vào nữa.
Với mong muốn đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đem lại hiệu quả bền vững trong phát triển kinh tế, năm 2012, chị Hiên đã sử dụng tiền tích lũy từ việc chăn nuôi lợn để mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, kết hợp bán đậu phụ. Với cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, chủng loại hàng hóa phong phú, chị Hiên đã đem lại cho dân làng nhiều lựa chọn hơn, có thể chủ động mua hàng mọi lúc với giá rẻ hơn, không còn phụ thuộc vào người bán hàng rong từ thị trấn vào.
Ngoài ra, chị cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng có thể đem luồng cọc để đổi lấy hàng trong cửa hàng khi họ muốn mua tạp hóa nhưng không có sẵn tiền mặt để trả. Nhờ vậy, người dân không phải mua chịu cũng như được đáp ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu khi cần.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của chị Hiên không những mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình chị mà còn đem lại cho người dân trong làng sự thuận tiện trong giao thương vì không còn phải mang luồng/cọc sang các khu khác trong làng để bán nữa (các khu trong làng cách nhau 1- 2km, trong khi phương tiện cơ giới để đi lại rất hạn chế) mà giá thu mua cũng tương đương.
Như vậy, từ việc chỉ có thu nhập ít ỏi, không ổn định từ đi làm thuê hàng ngày của hai vợ chồng, với 500.000 đồng vốn đầu tiên, đến nay gia đình chị đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn, làm mộc, sản xuất đậu phụ, buôn bán tạp hóa, buôn luồng/cọc với mức trung bình là 72 triệu đồng/năm và tổng tài sản ước tính là 287 triệu đồng tính đến tháng 7/2014.
Mới đây nhất, mô hình sản xuất, kinh doanh của chị Hiên được Hội đồng giám khảo Giải thưởng cá nhân và Tổ chức Tài chính vi mô đánh giá là mô hình tiêu biểu. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của chị là từ bây giờ, chị đã có điều kiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong làng, bản của mình.